Di tích - Thắng cảnh

Thác Vũ Môn (Hà Tĩnh): Kiệt tác của thiên nhiên bắt đầu được đánh thức

Thác Vũ Môn trên đỉnh núi Giăng Màn thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) như một viên ngọc quý hiếm, là tài sản vô giá được thiên nhiên ban tặng ngỡ bị lãng quên bắt đầu được đánh thức!

  • Thác Vũ Môn (Hà Tĩnh): Kiệt tác của thiên nhiên bắt đầu được đánh thức - Ảnh 1 Thác Vũ Môn  (nguồn: UBND huyện Hương Khê)

Vào những năm thuộc thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, lúc đó tôi còn trẻ, vào những ngày hè trời trong xanh không một gợn mây chỉ cần đứng từ ngã tư thị xã Hà Tĩnh, nay là TP. Hà Tĩnh ngước lên dãy Trường Sơn nơi biên giới Việt – Lào, cách khoảng hơn 50 km theo đường chim bay rất dễ dàng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thấy thác Vũ Môn như một mái tóc tiên trắng xóa vắt từ trên đỉnh Giăng Màn xuống chân trời Hương Khê. Thác Vũ Môn không những đẹp mà còn ẩn chứa bao truyền thuyết mê hoặc lòng người, đặc biệt gắn liền với câu truyện cá chép hóa rồng.

Truyền thuyết cho  rằng, “Hàng năm, mỗi khi đến ngày mùng 8/4 Âm lịch hàng đàn cá chép từ đâu tới đây thi nhau vượt qua đỉnh thác này, và con nào vượt được sẽ lập tức hóa thành rồng đỏ vần vũ trên bầu trời chín vòng, ban tặng cho vùng đất khắc nghiệt này những cơn mưa “vàng” như để đa tạ thần thiênh sông núi nơi này trước khi về với đại dương.

Thác Vũ Môn (Hà Tĩnh): Kiệt tác của thiên nhiên bắt đầu được đánh thức - Ảnh 2Một trong quần thể hang động của thác Vũ Môn ( Ảnh nguồn UBND huyện Hương Khê)

Năm 2000, nhân một lần tôi ra Hà Nôi được gặp nhà văn Văn Linh- tác giả cuốn tiểu thuyết “Mùa Hoa Giẻ”  nổi tiếng, được nhà văn cho biết, thời kỳ trước cách mạng tháng Tám thân sinh ông từng là cán bộ tiền khởi nghĩa trong một lần hoạt động tại vùng núi Hương Khê không may bị giặc Pháp vây ráp, cụ đã chạy theo hướng thác Vũ Môn định trốn sang Lào, nhưng khi tới thác thấy dốc núi  quá cao, trong lúc cụ phải mang cả một hòm tài liệu nặng, không biết làm thế nào nên cụ đã bọc hòm tài liệu vào tấm ni lông thả xuống hồ lớn dưới chân thác khỏi bị giặc Pháp phát hiện, sau đó cụ trèo qua đỉnh thác sang Lào tránh được sự truy sát của giặc.

Có một sự trùng lặp ngẫu nhiên là hơn 10 năm sau, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra hết sức ác liệt tại chiến trường Lào, nhà văn Văn Linh lúc đó là bộ đội tình nguyện của Việt Nam tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào, trong một lần nhận nhiệm vụ cấp trên giao cho, từ thành phố Thà Khẹt (Lào) về Việt Nam theo đường rừng qua thác Vũ Môn, ông nhận thấy hồ nước thơ mộng nơi thân sinh ông  từng giấu hòm tài  liệu ở đó, và ông đã lặn xuống để tìm hòm tài liệu, nhưng khi vừa lặn xuống thấy một vực xoáy rất lớn dưới lòng hồ có thể nuốt trôi bất cứ một vật gì dù lớn hay nhỏ nên ông phải bơi lên. Trước khi qua đời cách đây mấy năm nhà văn Văn Linh vẫn đinh ninh cho rằng, chiếc hòm tài liệt của thân sinh ông cất giấu vẫn còn nguyên vẹn dưới đáy hồ, nếu lấy được nó sẽ gúp làm sáng tỏ rất nhiều bí mật của thời tiền khởi nghĩa ở huyện vùng núi giàu truyền thống cách mạng Hương Khê.

Thác Vũ Môn (Hà Tĩnh): Kiệt tác của thiên nhiên bắt đầu được đánh thức - Ảnh 3Lên thác Vũ Môn (Ảnh nguồn UBND huyện Hương Khê) 

Thác Vũ Môn bây giờ như thế nào thì vẫn rất được nhiều người quan tâm, nhất là các thế hệ lãnh đạo của địa phương này luôn trăn trở làm sao phát triển Vũ Môn trở thành một quần thể khu du lịch tầm cỡ, nhưng “cái khó bó cái khôn”, với khả năng tiềm lực kinh tế của một huyện nghèo như Hương Khê thì không thể thực hiện là rõ ràng. Tuy vậy, để kêu gọi đầu tư lại cả một vấn đề, bởi nhà đầu tư nào cũng phải tính đến lợi nhuận lên hàng đầu, trong khi đó thác Vũ Môn lại nằm ở vị trí bất lợi về giao thông, địa hình phức tạp thì liệu bao nhiêu năm sau mới thu lại được vốn chứ chưa nói lãi.

Thác Vũ Môn (Hà Tĩnh): Kiệt tác của thiên nhiên bắt đầu được đánh thức - Ảnh 4Phiến đá tiên trên thác Vũ Môn ( Ảnh nguồn UBND huyện Hương Khê)

Để đánh thức được tiềm năng du lịch mà tạo hóa đã ban tặng cho Hương Khê, với thác Vũ Môn trước hết phải cần đến nhiều yếu tố mới có thể thực hiện được. UBND huyện Hương Khê vừa có một chuyến khảo sát nhằm đánh giá lại tiềm năng của thác Vũ Môn, cũng như những khó khăn hạn chế có thể khắc phục.

Thác Vũ Môn (Hà Tĩnh): Kiệt tác của thiên nhiên bắt đầu được đánh thức - Ảnh 5Đoàn khảo sát dừng chân dưới thác Vũ Môn ( Ảnh nguồn UBND huyện Hương Khê)

Theo số liệu của đoàn khảo sát cho thấy: Đỉnh núi Giăng Màn có độ cao trên 1425m so với mực nước biển; tọa độ X= 2005021,297; Y= 500428,610 có dòng sông được người dân bản địa nơi thường gọi là sông Đá Trắng bắt nguồn từ nước bạn Lào đổ về đến núi Giăng Màn tạo thành Thác Vũ Môn nằm ở chân núi Giăng Màn thuộc dãy Trường Sơn; thác được chia thành 4 bậc có độ cao chênh nhau tương đối lớn, lượng nước nhiều, quanh năm không bao giờ cạn; tại đỉnh thác ngược về thượng nguồn hướng về phía nước bạn Lào là dòng sông có chiều rộng, lòng nước ở trong sông xuống thác khoảng từ 12- 15m, hai bên lòng sông là đồi núi thoải dần với địa hình tương đối bằng phẳng, diện tích mỗi bên khoảng 70ha chạy dọc theo chiều dài đến cột mốc giáp với nước bạn Lào trên 1,5km; nơi chân thác có các tảng đá lớn, vị trí không đồng đều, hình thành các hang hốc kỳ lạ, khi nước từ thác chảy qua tạo thành các vòng xoáy; nhiệt độ tại chân thác đo được vào lúc 21h đêm 5/ 8/ 2016 là 25,5 độ, độ ẩm 87%, nhiệt độ đo được vào lúc 1 giờ đêm 6/ 8/2016 là 19 độ C; nhiệt độ đo được lúc 6h sáng ngày 6/ 8/2016 là 21,0 độ C, độ ẩm 88%; nhiệt độ vào lúc 10 giờ 30 phút trưa ngày 6/8/2016  28 độ C độ ẩm 87%.

Thác Vũ Môn (Hà Tĩnh): Kiệt tác của thiên nhiên bắt đầu được đánh thức - Ảnh 6Bãi đất phẳng trên đỉnh thác Vũ Môn ( Ảnh nguồn UBND huyện Hương Khê)

Vị trí địa lý của thác Vũ Môn: Phía Đông cách đồn biên phòng 571 đóng tại xã Phú Gia khoảng 8.5km (đường chim bay). Trong khi đó, độ cao tại đồn biên phòng 571 có độ cao là 100m so với mức nước biển; phía Tây cách biên giới nước bạn Lào khoảng 1 km (tính theo đường chim bay); phía Nam: Giáp núi Man Rì; phía Bắc: giáp núi Đá Lai (các vị trí diễn giải thông số tính từ đỉnh trên cùng xuống).  Đỉnh núi Giăng Màn có độ cao trên 1425m so với mực nước biển, độ cao tại đỉnh thác là 1280m (so với mức nước biển); chiều rộng lòng thác nước đo tại thời điểm 9h ngày 06 tháng 8 năm 2016 là 27,5m; nhiệt độ tại thời điểm 10h 30 phút ngày 06 tháng 8 năm 2016 là 28 độ, độ ẩm 87%. Từ chân thác nước chảy về xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành các vòng xoáy, vực nước.

Thác Vũ Môn (Hà Tĩnh): Kiệt tác của thiên nhiên bắt đầu được đánh thức - Ảnh 7Hồ nước dưới chân thác Vũ Môn ( Ảnh nguồn UBND huyện Hương Khê) 

Với vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa, kỳ bí bởi những truyền thuyết và điều kiện địa lý, địa hình, khí hậu thời tiết như thế, có thể nói rằng, thác Vũ Môn quả là một viên ngọc quý chưa có sự can thiệp của bàn con người đang rất cần được đầu tư phát triển thành một quần thể du lịch đẳng cấp quốc gia. Tuy vậy, cũng cần phải thận trọng, không được nóng vội đốt cháy giai đoạn vì công trình cần được đầu tư đúng hướng, đúng mục đích, bởi tương lai bền vững của huyện Hương Khê nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.

Xem clip thác Vũ Môn:

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG/ Lao động và Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP