Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều nay, 8-1, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Kho quỹ (NHNN), cho biết Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương không cung ứng tiền mới mệnh giá thấp dưới 5.000 đồng ra lưu thông.
Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 11, NHNN đã thực hiện cung ứng đều đặn và đầy đủ các loại tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Đối với các loại tiền mới có mệnh giá trên 10.000 đồng dự kiến vẫn có một lượng nhất định được cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và chính đáng của người dân về phương tiện thanh toán.
Ông Lâm cho biết thêm tính chung từ năm 2013 đến nay, với chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ dưới 5.000 lưu thông trong dịp Tết, Nhà nước đã tiết kiệm được khoảng 2.200 tỉ đồng. Trong đó, riêng Tết Nguyên đán 2018 dự kiến tiết kiệm được 280 tỉ đồng. Kết quả này có được là nhờ sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông để sử dụng đồng tiền một cách văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng có đầy đủ chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 96. "Sử dụng tiền mới trong dịp Tết là một nét văn hoá của người Việt Nam. Nhưng toàn bộ nền kinh tế, các tổ chức, dân cư ai cũng muốn có một thếp tiền mới thì đúng là gây áp lực cho hệ thống ngân hàng"- ông Lâm nói.
Về nhiệm vụ cung ứng tiền mặt trong dịp Tết, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng cho biết NHNN đã có kế hoạch đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt với mức điều chuyển tăng 20% so với Tết 2017. Trong đó tập trung nhiều vào các thành phố lớn và máy ATM ở nơi có nhu cầu cao. NHNN luôn theo dõi sát sao việc thu, chi tiền mặt tồn quỹ tại các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố để đáp ứng ngay cả khi có đột xuất xảy ra.
Tác giả: T.Hà
Nguồn tin: Báo Người lao động