Thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, Ân Thi, Hưng Yên có hình dáng tựa con trâu đực nằm nghiêng. Các vị trí trâu nằm đều để lại những hố hoặc những chiếc giếng linh thiêng với những lời đồn khó lý giải.
Ông Phạm Trịnh Diễm bên chiếc giếng mắt trâu

Thôn Nhân Vũ hiện có 345 hộ gia đình với hơn 1.500 nhân khẩu. Theo lời những người lớn tuổi trong thôn thì phần đất hiện nay của thôn có hình dáng giống một con trâu đực đang nằm nghiêng. Phần đầu nằm ở vị trí 2/3 thôn, một mắt nằm ở nhà ông Phạm Trịnh Diễm, mắt còn lại nằm ở nhà ông Thái (giáp bờ sông Quảng Đãng). Phần bụng phơi về hướng cánh đồng, rốn trâu nằm cách nhà ông Phạm Trịnh Diễm 300 mét, thuộc phần đất nhà ông Chắt. Đuôi nằm ở ngay đầu làng (giáp thôn Mai Xuyên Tây).

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất gia đình ông Diễm là còn duy trì chiếc giếng mắt trâu. Còn lại đều đã được san lấp và thay vào đó là hệ thống nhà san sát. Người dân nơi đây truyền rằng kể từ khi lấp giếng mắt trâu và những hố do trâu nằm tạo ra, làng Nhân Vũ liên tiếp gặp những sự kiện khó lý giải.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Phạm Trịnh Diễm (71 tuổi, thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi) nơi chiếc giếng mắt trâu duy nhất còn được lưu giữ. Không khí ở đây khá yên lặng. Xung quanh là những ngôi nhà cửa đóng then cài, rêu xanh phủ kín, cỏ dại mọc chằng chịt. Duy chỉ có gia đình ông Diễm là còn sinh sống trong mảnh đất thuộc giếng mắt trâu này.

Ông Diễm cho biết, tính đến đời ông thì gia đình ông sinh sống trên mảnh đất này đã 6 thế hệ. Tuy nhiên, câu chuyện chiếc giếng có từ khi nào thì chính bản thân ông cũng không nắm rõ. Chỉ biết rằng, từ khi cụ tổ họ Phạm Trịnh đến mảnh đất này lập nghiệp thì chiếc giếng đã có từ trước đó.

Chiếc giếng có đường kính chưa đầy 60 phân, sâu 1,2 – 1,3 m. Là một chiếc giếng khô, quanh năm không một giọt nước. Ngay từ thời xa xưa chiếc giếng đã được các cụ xây bằng gạch. Thành giếng được tạo từ khối đá ong khoét rỗng. Đến đời ông Diễm có thêm chiếc nắp đổ bằng bê tông để tránh trẻ nhỏ rơi xuống.

Chiếc giếng được cho là có trước khi cụ tổ họ Phạm Trịnh đến mảnh đất này lập nghiệp

Những câu chuyện khó lý giải xảy ra trong thôn

Nhấp ngụm nước chè, ông Diễm chậm rãi nhớ lại, kể từ khi ông sinh đến nay đã có rất nhiều chuyện xảy ra mà người dân đều cho rằng có nguyên do từ chiếc giếng mắt trâu.

Ông còn nhớ vào năm 1975, khi hòa bình lập lại, cụ thân sinh ra ông Diễm thấy chiếc giếng nằm chềnh ềnh giữa sân, việc phơi phóng mùa màng vì thế cũng không được thuận tiện bèn lấy đất lấp nó đi. Tuy nhiên, 3 tháng sau, mẹ ông đột nhiên bị đau mắt, nhức mỏi và không nhìn thấy gì.

Chạy chữa nhiều nơi, hết thầy này rồi lại chữa đến thuốc nọ nhưng vẫn không có tiến triển. Không lâu sau đó, nhiều người dân xung quanh nhà ông Diễm cũng đều bị đau mắt. Thấy lạ, cha ông tìm đến thầy phong thủy thì được thầy phán nhà ông có cái giếng rất thiêng phải khôi phục lại, nếu không cả làng sẽ còn bị đau mắt và sẽ xảy ra nhiều chuyện dữ.

Nghe lời thầy, cha ông hì hục moi đất từ giếng mắt trâu lên, làm lễ tạ cẩn thận. Ít lâu sau, đôi mắt của mẹ ông sáng trở lại, những người trong xóm cũng tự nhiên khỏi đau mắt mà không cần chạy chữa gì. Từ đó đến nay, gia đình ông không ai dám lấp chiếc “giếng thần” đi nữa.

Ông Phạm Trịnh Diễm kể lại sự việc

Cũng từ đó, lời đồn về chiếc giếng mắt trâu linh thiêng được mọi người truyền tai nhau. Những gia đình có con nhỏ vẫn thường dặn dò không được bén mảng hay làm điều gì thất lễ khi đi qua giếng mắt trâu. Tuy nhiên, năm ông Đoạt (hàng xóm nhà ông Diễm) 13 tuổi theo chúng bạn đi chơi, khi về qua bèn đi tiểu xuống giếng. Ngay đêm đó, bộ phận sinh dục của Đoạt sưng tấy, đau rát, khiến em khó chịu la khóc om xòm. Khi Đoạt kể lại sự tình gia đình bà Đuống vội vàng đem lễ vật đến giếng lễ tạ. Kỳ lạ thay, ngay khi lễ tạ xong Đoạt không có cảm giác đau nhức bộ phận sinh dục nữa.

Chiếc mắt trâu còn lại hiện nằm trên phần đất thuộc gia đình ông Thái, tuy nhiên sau khi lấp đi ông Thái bỗng nhiên mắc bệnh ung thư rồi qua đời năm 42 tuổi.

Xung quanh câu chuyện có hay không chiếc giếng mắt trâu linh thiêng và những câu chuyện “đồn thổi” quanh nó, ông Nguyễn Đức Huận – Bí thư chi bộ thôn xác nhận giếng mắt trâu tồn tại là có thật.

Tuy nhiên, những hiện tượng, vụ việc xảy ra trong thôn đến nay vẫn chưa có một căn cứ khoa học cũng như chưa một ai đứng ra giải thích được vì sao. Đây có thể là nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên lặp đi lặp lại khiến người dân hoang mang và cho rằng nó có nguồn gốc từ chiếc giếng mắt trâu.

Lại Hà