Địa Chí Hà Tĩnh

Tại sao chỉ người Nghệ mới phải đổi giọng

Cách đây dăm năm, một cuộc tẩy chay người Nghệ An rầm rộ lên báo với một lý do lãng nhách “tại người Nghệ An nói to ?”. Khi ấy tôi đã viết lên website và blog của tôi rằng: “Quý vị nói sai rồi! Đàn bà con gái Nghệ An chưa bao giờ to giọng hơn được đồng giới chúng tôi ở phía Bắc. Không tin quý vị cứ tìm vài đám đông có đủ chị em ba miền để chứng minh hư thực.

hatinh24h

Tôi thừa nhận đàn ông Nghệ An có to giọng thật, nhưng thiết nghĩ đàn ông ăn to nói lớn chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Cái đáng để ý là ăn to nói lớn để mà làm lớn được thì cũng đáng mặt đàn ông. Khoảng một phần ba lính trên đảo Trường Sa là người Nghệ An, sao không ai phàn nàn chuyện lớn giọng, không ai lên báo kêu gọi tẩy chay ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy nhỉ?”

Chuyện tưởng đã lắng xuống, thì trước tết, báo lại giật tít đòi sửa giọng Nghệ An ở một hình thức mới. Lần này ý đồ của báo được che dấu khéo léo hơn, núp bóng “ý kiến độc giả”. Bài chính của báo thì ra chiều tử tế, ra chiều có tính xây dựng, nhưng phần ý kiến bạn đọc thì tôi đọc được những câu đại loại:“Dân chúng mày nói như đấm vào tai”; “Chúng mày nói khó nghe bỏ mẹ, đ. chơi được”; vv…

Vì sao vậy báo?

Một câu hỏi thôi sẽ lộ ra chủ tâm của báo rằng: Báo “lề phải” chứ không phải diễn đàn tự do, hay facebook, nên phần ý kiến bạn đọc luôn trong tình trạng có kiểm soát, tại sao lại cho xuất hiện lên trang chính những câu văng bậy thiếu văn hóa và xúc phạm người Nghệ như vậy?

Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, sống 4 năm tại Hà Nội, 10 năm tại Đà Nẵng và bây giờ là Sài Gòn – Vũng Tàu. Nghĩa là ít nhiều tôi từng sống qua cả 4 vùng có 4 nhóm chất giọng đặc trưng của Việt Nam. Nói thẳng nói thật, tới đâu thì tôi cũng chỉ nghe mỗi người xứ Bắc là kêu ca giọng Nghệ An khó nghe. Khi ở Hà Nội, tôi từng chứng kiến một cuộc ẩu đả giữa sinh viên Nghệ Tĩnh với nhóm sinh viên xứ Bắc ở một trường Công nhân kỹ thuật tại Xuân Hòa. Lý do cũng vì nhóm sinh viên xứ Bắc tự ý bóc thư người yêu của một bạn người Nghệ rồi nhại giọng Nghệ để đọc thư. Nói thực, họ luôn luôn bài xích giọng Nghệ, coi nhút là một thứ ghê tởm và gọi chúng tôi là dân nhút với ác ý đó. Vì hành xử thái quá này của một số bạn xứ Bắc, khiến tự ái vùng miền của tôi nổi lên, họ đã bị tôi lừa cho ăn nhút ngoạn mục (đã kể trong bài: Nhút và niềm tin thoát trung). Đây cũng là lý do tôi từ chối quyết định nhận công tác ở Hà Nội để vào Đà Nẵng sau đó.

Đâu chỉ giọng Nghệ bị bài xích ở nước Nam này?

Năm 1983, tôi vào Đà Nẵng nhận công tác, từng chứng kiến mấy bà mấy cô trong chợ Cồn chửi một bà giọng Bắc rằng tại người Bắc vào Nam khiến họ khổ và họ không chịu bán hàng cho bà này. Của đáng tội tại bà người Bắc này đi chợ trả giá keo quá khiến “cái sảy nảy cái ung” thôi. Nhưng vì được “mục sở thị” nên tôi ngộ ra chân lý, giọng Bắc nếu vào Nam cũng bị bài xích như giọng Nghệ ra Bắc vậy thôi và cảm thấy yên tâm là tôi chọn đúng miền đất có thể dùng giọng Nghệ. Cho tới bây giờ, không chỉ luôn dùng giọng Nghệ giao tiếp thường ngày, mà chí ít hai lần tôi dùng giọng Nghệ để thuyết trình trong hai cuộc thi của chị em phụ nữ ngành DK, cả hai lần đó tôi có giải cao, chứng tỏ mọi người nghe rõ tôi nói gì.

Một thực tế ngược lại với báo đăng, ở Nam Bộ, bạn dùng giọng Nghệ nói riêng, hay giọng miền Trung nói chung để giao lưu với người Nam Bộ, bạn sẽ dễ nhận được thiện cảm hơn nói giọng Hà Nội. Cách đây 15 – 20 năm, có những bộ phim khi đưa vào miền Nam, đã được lồng lại bằng tiếng Nam vì người Nam không muốn nghe giọng Bắc. Sự việc này phân tích thì dài lắm, ở đây tôi chỉ muốn chứng minh một khía cạnh liên quan đến giọng Nghệ, đó là giọng Nghệ không đến nỗi bị thị phi như báo đã phản ánh. Bởi vì ¾ đất nước Việt Nam này, từ Quảng Bình đến Cà Mau đều mô, tê, răng, rứa, cho nên ¾ nước Việt hiểu rõ người Nghệ An nói gì, thì cớ sao phải lên báo “phát động phong trào” sửa giọng? Một chứng minh rõ rệt là ở lần treo biển tẩy chay người Nghệ tại Bình Dương, được cho là đầu têu từ một người có quê ở HP, thì vẫn là người Bắc.

Người xứ Bắc đối xử với giọng Nghệ như thế nào, ngoài nhút, tôi xin kể thêm một câu chuyện có thực của tôi nữa như sau:

– Một nhà văn khá nổi tiếng hiện nay ở Hà Nam tuy tôi chưa hề gặp mặt, nhưng giữa tôi và anh ta có hai người bạn chung. Khi nghe hai người bạn này hô hào quyên góp tiền cho anh ta chữa bệnh nan y. Tôi bèn chuyển khoản ủng hộ khó khăn cho anh ta 2 triệu đồng. Mặc dù tôi yêu cầu 2 người bạn kia không cho số điện thoại, vì tôi không thích nghe cảm ơn, nhưng rồi anh ta vẫn đòi hai người bạn cho số điện thoại để gọi điện cảm ơn. Khi ấy tôi nghe rõ ràng anh ta nói: “Tiếng Hà Tĩnh sao mà dễ thương nhỉ”. Song rồi mấy tháng sau, người bạn chung của chúng tôi đột ngột qua đời, vì không có ai ở xứ Bắc để nhờ thăm viếng, nên tôi đành chuyển tiền vào tài khoản anh ta và gọi để nhờ viếng hộ. Lần này anh ta giả vờ không nhận ra, sau đó thì bảo “tiếng Hà Tĩnh nặng quá không nghe ra”. Tôi cười thầm trong bụng và nghĩ, nhà văn mà còn hành xử như thế thì người thường sẽ ra sao?”. Câu chuyện của tôi nói lên rằng, không phải người xứ Bắc không nghe được tiếng Nghệ, mà họ giả vờ không nghe được, bởi họ tham muốn điều khiển người Nghệ phải nói giọng của họ. Tham muốn vô lý vậy thì cớ chi người Nghệ phải sửa giọng để chiều cái giả vờ của người xứ Bắc?

Xét về nguồn gốc ra đời của bộ chữ tiếng Việt, tôi được biết rằng ông Bá Đa Lộc từng ẩn náu ở vùng Tràng Đen (Nam Đàn), căn cứ để soạn ra bộ chữ tiếng Việt là tiếng Việt cổ và tiếng Mường. Ngày nay các nhà khảo cổ đã chứng minh “vùng lõi Văn hóa Đông Sơn” là từ Hạ lưu sông Hồng, sông Mã và sông Lam. Như vậy tiếng Nghệ là nguồn gốc của tiếng Việt phổ thông, tại sao phải hô hào nhau sửa giọng thay vì tuyên truyền cho nhân dân cả nước biết giọng Nghệ là một trong những giọng gốc của người Việt?

Cũng chất giọng Bắc miền Trung, từ huyện Hậu Lộc của tỉnh Thanh Hóa đến chân đèo Hải Vân. Thậm chí từ bờ nam sông Gianh đổ đi, bắt đầu có nhiều những biến âm vùng miền mất chuẩn dần. Ví dụ chữ “biết” nói thành “biếc”; chữ “mần” nói thành “mầng”, vv… điều đó khiến cho khó nghe hơn, nhưng tôi không thấy vùng nào bị báo hô hào sửa giọng như xứ Nghệ?

Hai năm đầu sống và làm việc ở Đà Nẵng, có những lúc tôi đi chợ mua cá, cứ đưa tiền rồi người ta thối lại bao nhiêu thì mới biết chục cá là bao nhiêu tiền, bởi phát âm của người Quang Nam – Đà Nẵng có quá nhiều biến âm khiến cho rất khó nghe. Ví dụ người Quảng đọc số : khang, môộc, hea, boa, bôống, na, sá, bửa, tóm, chính, mừi (1,2,3,4,5,6,7,8,9,10). Từ kiểu trại âm đó, một người đọc số điện thoại cho người kia: khang chính tóm hea hea ba bửa ba bửa (098223737). Nguyên một câu dài không có chữ nào phát âm trúng tiếng Việt phổ thông cả. Không chỉ Quảng Nam Đà Nẵng mà hết cả vùng nam miền Trung cho tới Bình Định, tiếng Việt đều bị trại âm rất nhiều. Cho nên xét về độ khó nghe thì vùng Nam miền Trung nói khó nghe hơn nhiều so với giọng Nghệ, nhưng không ai người Quảng nói riêng, hay người Nam miền Trung nói chung bị báo hô hào sửa giọng, cũng không ai đến xứ này lại dám bài xích giọng Quảng cả? Tôi cũng không ngoài, đã chọn vùng đất này làm nơi nương thân, thì cứ hẵng chịu khó lắng nghe để hiểu người Quảng dần dần theo thời gian mà thôi.

Xét về chuẩn tiếng Việt phổ thông, cả 4 vùng giọng nói đặc trưng của Việt Nam đều có những phát âm sai. Ai bảo người Hà Nội phát âm chuẩn tôi cãi liền, bởi tôi chưa hề nghe được bất kỳ người Hà Nội nào phát âm đúng chữ “Tr” và chữ “S”. Tôi ngờ rằng, khi xưa tên của nước ta là “Nác Việt”, nhưng do giọng Bắc phát âm chệch “N” thành “L” cho nên mới thành “Lạc Việt”. Điều này khiến cho nhiều nhà nghiên cứu cố công đi tìm một giống chim gọi là “chim lạc”, hoài bao nhiêu năm mà chẳng thấy tung tích loài chim ấy đâu? Nếu đúng như nghi ngờ của tôi thì giọng Hà Nội không chỉ “sai một ly đi một dặm”, mà sai một âm lệch cả lịch sử tên một dân tộc cơ? Nếu mà như vậy liệu có gọi là chuẩn được không?

Không phải vì giọng nói, thì người Nghệ khó giao lưu vì đâu?

Tất nhiên tôi không phải là người bảo thủ đến độ không nhìn ra vấn đề. Không phải giọng Nghệ làm cho xứ khác khó chịu, mà do trong cách ứng xử của người Nghệ có một số khuyết điểm khiến cho người xứ khác không thông cảm và thế là giọng Nghệ oan gia. Để phân tích cho thấu đáo vấn đề xem người Nghệ nên “sửa giọng” hay sửa cái gì, tôi sẽ chọn hai trong những vấn đề nổi cộm nhất để bình luận: Đó là tính tự ti và tính sĩ diện: Tự ti và sĩ diện làm hãm tài khá nhiều người Nghệ. Ra khỏi quê sửa ngay giọng Bắc cũng là bởi hai tính này. Có người thậm chí trại giọng Bắc rồi dối quanh dối co không dám nhận mình là người Nghệ An? Ôi đúng là uổng công cội nguồn! Ông Nguyễn Xuân Phúc là Phó Thủ tướng CP, cả nước rồi sẽ phải nghe nhiều giọng Quảng vì ông ấy nói đặc giọng địa phương xứ Quảng đấy, sao báo không lên bài yêu câu ông ta phải sửa giọng Hà Nội đi cho dễ nghe nhỉ?

Cách đây 8 năm, trong diễn đàn của người Thanh Chương, tôi từng nói tới việc đưa nhút vào kinh doanh, gần như cả diễn đàn không ai chịu tin nhút có thể bán được. Nhưng rồi sau đó có một vài người Nghệ đã lặng lẽ làm và làm được, nay thì nhiều chợ ở Sài Gòn bán nhút. Rồi tới lượt người Nam tiêu thụ được mít non cho người Nghệ làm nhút. Chị đồng hương về hưu sau nhà tôi mỗi tháng tiêu thụ cả trăm trái mít xanh mà không đủ hàng để bán. Một đầu bếp người Nghi Xuân sống tại Sài Gòn đã đưa nhút vào làm món ở một nhà hàng chay khá nổi tiếng. Vậy đấy, Sài Gòn nhút không chỉ “chợ tiến”, mà đã “nhà hàng tiến”, trong khi ở quê nhút, thì tịnh không hề có bóng nhút ở nhà hàng nào cả? Chỉ là một món dưa chua, thay vì bớt mặn để hòa nhập thì người Nghệ lại đưa vào làm đề tài văn chương. Mà trong đề tài văn chương của người Nghệ, nhút là đại diện của nỗi đói khổ đáng kinh hãi thời thơ ấu của các bậc anh tài, cho nên người xứ khác mỗi đọc là mỗi thấy nhút ghê tởm làm sao ?!

Từ sĩ diện nhút đến sĩ diện quê nghèo. Nhiều lắm những người Nghệ lấy vợ khác xứ không muốn khoe nhút đã đành, còn cả không muốn đem vợ về quê chỉ vì cái đường lắm bùn, cái nhà tiêu chưa có tự hủy. Ô hay! Tôi lấy chồng về Hải Dương, tức xứ Bắc kỳ hẳn hòi, thì cũng chỉ cái nhà tiêu ấy thôi có tiến bộ gì hơn đâu? Cũng đường đầy bùn đất, thậm chí còn tệ hơn về mặt vệ sinh bởi quê chồng tôi rau rửa một nước, bát rửa một nước, nước uống gánh ở một cái giếng đục ngầu như vũng trâu đằm, sao tôi vẫn bình thản về nhiều lần đấy thôi. Hay nhiều người con gái Nghệ An lấy chồng về xứ miệt vườn Nam Bộ, nhà tiêu thậm chí gió lộng tứ bề, xứ người vẫn bình thản đón dâu đó thôi? Người ta cũng nghèo như mình, nhưng bình thản sống và sống chân thành, khiêm tốn trong cảnh nghèo, cho nên người ta dễ thương, dễ chiếm cảm tình trong mắt người tứ xứ hơn.

Ai cũng biết, Nghệ Tĩnh có những dòng họ lừng lẫy cả nước. Người Nghệ xa quê đem theo cả niềm tự hào của miền đất “địa linh nhân kiệt”. Song rồi nhiều khi niềm tự hào hơi bị bốc đồng thái quá. Trong một đám đông, người này nói to hơn người kia tôi thấy chẳng qua muốn lấn át nhau về uy thế. Nói to vì thích khoe cho cả đám đông nghe tiếng rằng mình là em ông lớn này, cháu ruột bà giáo sư kia, bạn thân của người nổi tiếng nọ… Đó không phải vì giọng Nghệ, mà vì tính sĩ diện của một số người Nghệ. “Con sâu làm rầu nồi canh” khiến cho người xứ khác không thông cảm với chúng ta. Có sửa chăng là sửa cái tính sĩ diện đó đi, tự khắc giọng Nghệ sẽ nhỏ lại, sẽ ôn tồn lại, dễ nghe hơn.

Đức Thọ là miền đất mà ai cũng biết sinh ra rất lắm anh tài. Hội đồng hương ĐT ở một thành phố ở phía Nam ban đầu đông lắm, nhưng sau thì thưa dần. Trong những lý do thưa dần, có một lý do lãng nhách đó là khen chê nhau về trình độ của chủ tịch hội. Tôi có hỏi một vài người vì sao không sinh hoạt hội đồng hương đầu năm cho vui và được trả lời: “Thằng đó (tức chủ tịch hội) không đủ trình độ để mời anh mày, phải người có uy tín đứng ra tổ chức anh mày mới tới”. Khổ thế đấy, với người Nghệ sinh hoạt hội đồng hương cũng phải sĩ diện người có bằng cấp cao mới chịu, bất cần người đang giữ chức chủ tịch hội là một tỉ phú giàu có gấp hàng trăm lần giáo sư tiến sĩ thì cũng bị coi như là con tép. Dễ chừng người giàu không có đầu óc thông minh mà giàu được chăng? Hiềm nỗi khi bà con đề cử người có bằng cấp thì chính người được đề cử lại từ chối, lại lý do: “tôi bận lắm, ba việc vớ vẩn lằng nhằng ấy tôi không có thời gian”. Cũng lại có anh lấy lý do là: “Bố anh mất có thấy hội đồng hương đếm xỉa gì đâu mà sinh hoạt?”. Tôi bèn hỏi lại thế có ai báo cho hội không, thì anh này trả lời: ”Nó làm hội tự nó phải biết chứ sao anh lại phải báo cáo nó?”. Ô hay! Không có người báo thì chả nhẽ làm chủ tịch hội đồng hương là phải kiêm luôn công an khu vực để nắm tình hình đồng hương trong cả tỉnh ư. Người Nghệ tự ti là thế đấy, ti tỉ trường hợp tự ti không thể kể hết đâu, tự ti đến vô lý không biết mình vô lý, khiến người Nghệ với nhau còn không chiều được nhau, trách chi người xứ khác?

Nói trắng phớ, tiếng Nghệ oan uổng bởi tính tự ti, tính sĩ diện của một số người Nghệ! Do đó thứ phải sửa không phải sửa giọng Nghệ, mà sửa tầm nhìn người Nghệ trước hòa nhập xã hội!

Cá nhân tôi thì tôi cho rằng, để làm nổi bật vai trò người Nghệ An trong dòng lịch sử dân tộc, bảo tồn và tôn vinh tiếng Nghệ là một trong những yếu tố cần thiết! Bản chất người Nghệ là thông minh, cần cù. Với bản chất thông minh cần cù đó, người Nghệ cần giáo dục con em nhìn ra thế giới ngay từ trứng nước khi còn ở quê nhà. Nếu các em được thầy cô giáo chú tâm rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kiềm chế cảm xúc của mình trước đám đông, đặc biệt là tính lễ phép, khiêm tốn, tập cho con em mình thuyết trình giọng Nghệ trước đám đông làm sao cho trơ tru, làm sao cho âm tiết rõ ràng vừa nghe… tóm lại là tạo phong thái tự tin để có thể xóa bỏ tự ti tiếng nói, giọng Nghệ sẽ là một trong 4 chất giọng lên sóng truyền hình cả nước nghe rõ trong tương lai!

Theo Phan Lan Hoa/Vanhoanghean.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG