Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cặp đôi, đặc biệt là học sinh sinh viên thường có sở thích vào quán cà phê giữa ban ngày để vừa nhâm nhi cà phê, sinh tố, vừa diễn cảnh nóng như chốn giữa không người.
Nếu chỉ uống cà phê một cách đơn thuần thì những quán mọc sâu trong hẻm, mang tên “cà phê bệt” không phải là điểm đến lý tưởng của giới trẻ Sài Thành. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cặp đôi, đặc biệt là học sinh sinh viên thường có sở thích vào quán cà phê giữa ban ngày để vừa nhâm nhi cà phê, sinh tố, vừa diễn cảnh nóng như chốn giữa không người. Nhìn thấy cảnh này, những bậc phụ huynh chắc cũng tái mặt với con trẻ ngày nay.
Nóng mặt xem trẻ con “đốt đền”
Một buổi trưa, tôi cùng người bạn có việc hẹn, vội dừng chân ở quán cafe có cái tên khá dễ thương: “P.Đ” ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM… Quán hơi nhỏ, nằm nép mình giữa hai ngôi nhà khá lớn, cánh cửa ra vào được trang trí rất teen với các hình dán bong bóng và chim bồ câu nhiều màu sắc. Chẳng bận tâm đến không gian cũng như cách sắp đặt, tôi chỉ mong sao bàn thảo xong công việc để sớm về nhà. Vừa bước vào quán, cô chủ cùng những người làm nhìn chúng tôi với nụ cười khó hiểu, ánh mắt dường như có chút ngạc nhiên. Cảm giác hơi nhột, tôi vội lơ đi và tiến thẳng lên gác theo hướng tay của một chị phục vụ.
Chúng tôi gọi 2 ly cà phê, với giá hơn 30 ngàn mỗi ly, gấp 2-3 lần so với bên ngoài. Gọi là cà phê cho oách chứ kỳ thực cách pha chế ở đây nhạt thếch, chẳng có chút hương vị cà phê đúng chất. Tiếng nhạc vang lên từng bản du dương và trữ tình tạo nên một không khí khá lãng mạn. Ngó nghiêng sang các gian bên cạnh, tôi thấy ngoài chúng tôi ra thì những gian khác đều một nam một nữ. Nhớ lại nụ cười khó hiểu của những người khác lúc mới bước vào, tôi mới loáng thoáng nhận ra, đây là quán café dành riêng cho những cặp đôi. Để ý kỹ thêm, tôi phát hiện ra cả quán có khoảng 10 gian và mỗi gian được bố trí chỉ dành cho 2 người, có màn trắng mỏng buông xuống để tạo không gian riêng tư. Mỗi khi có đôi vào, tấm mành được thả xuống báo hiệu buồng ấy đang có người.
Chưa kịp ngồi ấm chỗ, một cặp đôi khác mang trên mình đồng phục học sinh, có lẽ năm cuối cấp, đi xe đạp điện vừa đỗ ở sân quán, nhanh chóng bước xuống và tìm buồng. Cả hai chọn “chuồng” ở gần cuối dãy, phía vắng người rồi chui tọt vào bên trong. Sau một hồi sột soạt quần áo, buồng của đôi học sinh im bặt, thỉnh thoảng có tiếng thì thầm nhỏ to. Bên trong những căn buồng có người, đủ loại âm thanh phát ra làm cho câu chuyện của họ lẫn vào nhau. Mấy buồng đầu của các đôi trẻ, chỉ nghe rõ tiếng các cô gái trách yêu bạn trai vì tội dám “sàm sỡ”. Có cô hồn nhiên đến nỗi hét toáng lên mỗi khi bị người yêu âu yếm, khiến các đôi ở buồng bên cạnh phải tạm dừng vài phút để “hóng”.
Đến lúc này tôi mới hiểu, hóa ra những quán cà phê “chuồng” mang đậm phong cách vùng miệt vườn mà mình hay bắt gặp ở các vùng ngoại thành và những tỉnh lân cận giờ đã biến tướng thành những “cà phê chuồng bệt”. Có chăng, chỉ là sự khác biệt đôi chút về cách bài trí không gian. Sau này tìm hiểu thêm, tôi được P.N.T.T, sinh viên Đại học Hùng Vương, cho biết: “Sinh viên và học sinh thường chọn những quán này để “tâm sự” vì nó vừa kín đáo vừa rẻ. Buồng sơ sài nhưng vẫn riêng tư, chỉ cần gọi đồ uống, họ có thể “tâm sự” đến lúc nào tùy thích mà không bị làm phiền. Tấm vải hạ xuống, không gian bên trong là của họ. Nói thẳng ra, những góc riêng tư ấy không khác nào một “nhà nghỉ” thu nhỏ, có chăng chỉ là các cặp đôi không được “diễn” thoải mái nhưng vẫn đủ để chúng tôi hứng trọn đầy đủ âm thanh bên trong từng góc bàn cà phê bệt. Từ 12h trưa trở đi, hầu như các “chuồng” của quán đều kín chỗ. Chính vì thế, nhiều đôi không ngần ngại “hành sự” ngay trong buồng mặc cho các vị khách bóng gió nói vọng sang”.
Tàn đời vì “cảnh nóng” lên mạng
Cách đây ít lâu, trên một số diễn đàn mạng, lan truyền clip ngắn về cảnh nóng của một cặp đôi vô tư diễn ngay tại quán cà phê bệt. Hình ảnh từ clip cho thấy, cặp đôi rất trẻ, thoải mái “trình diễn” mọi động tác ôm ấp, vuốt ve, sờ soạng, nói oang oang như chốn giữa không người. Những câu đối thoại vô cùng “teen”, văng tục, thậm chí giọng ỡm ờ, khuyến khích nhau phải ôm kiểu này, hôn kiểu nọ giống… như phim đều lọt vào máy thu âm của chiếc điện thoại mà một cặp đôi khác chủ đích ghi lại.
Đoạn clip ngắn này nhanh chóng tạo nên sự tò mò, bình luận của nhiều bạn khác. Một số bạn bình luận: “Thiếu gì nhà nghỉ, có hết bao nhiêu đâu sao không kéo vào đó mà tâm sự, lại phưỡn mặt ra giữa chốn đông người để biểu lộ cảm xúc. Xấu chưa, giờ lại chình ình mặt lên đó cho thiên hạ xem”. Một số bạn khác còn bình luận khá gay gắt, cho rằng, ý thức vô tư, quá tự nhiên của nhiều bạn còn mặc áo học sinh những đã vội vàng dắt díu nhau tìm đến những quán cà phê bệt, buông rèm tâm sự. “Nếu chỉ đơn thuần là ôm ấp, dành khoảng không gian riêng để tâm sự thì chẳng sao, vì tôi cũng đã từng đến những quán như thế, nếu cúi gập người xuống chút thôi, cũng thấy được toàn bộ những gian phòng khác họ đang làm gì. Lần đầu tiên tôi đến đó cùng bạn trai mới quen và phát ngượng với cách mà các cặp đôi quá thoải mái xem quán như nhà riêng của mình”.
Ở Sài Thành bây giờ, những quán cà phê bệt đang được xem là khá thịnh hành trong giới trẻ. Hầu hết các cuộc hẹn hò, hay họp mặt, bạn trẻ thường tìm đến đây giải trí như một thói quen cố hữu. Chính vì thế, nhiều người kinh doanh đã nắm được thị hiếu này và xây dựng hàng loạt quán cà phê đáp ứng nhu cầu. Với những quán được bài trí rõ ràng, không có chốn riêng tư, đèn mờ thì một số quán lại chọn hình thức kinh doanh đèn mờ, giống như nhiều quán cà phê “chuồng” ở nhiều vùng ngoại thành đang áp dụng.
Một lần đến quán cà phê K., ở khu vực quận 5, TP.HCM, chúng tôi cũng đã có dịp tận kiến kiểu kinh doanh lợi dụng chân dài để hút khách của quán. Chỉ cần vừa ngồi xuống, chúng tôi đã được nữ tiếp viên “chân dài” giọng ỡm ờ đến uốn éo hỏi khách dùng đồ gì. Chỉ dăm ba câu chuyện chủ động đùa cợt, chúng tôi cũng như các vị khách khác cũng không khó đoán ra mục đích của quán phục vụ giải khát, đằng sau đó là lời mời chào khách có nhu cầu “khát tình” và cần nhu cầu “giải quyết” hay không. Khi nghe chúng tôi than mệt, cô tiếp viên như nắm được cơ hội nên luôn miệng mời gọi tách ra vào bàn bên cạnh “thư giãn”.
Hình thức “thư giãn” như gợi ý là cách âu yếm, nũng nịu, giả vờ đấm lưng lấy lệ. Thậm chí, cô tiếp viên phục vụ nước ghé sát tai tôi: “Em sẽ làm cho anh thích theo kiểu đàn ông với phụ nữ, nhưng không phải là mua bán dâm. Còn muốn đi tới bến thì sau giờ tan ca”. Chúng tôi cố tình ngạc nhiên không hiểu, cô tiếp viên nói huỵch toẹt: “Tụi em sẽ làm mấy anh sướng bằng cách kích dục… tùy theo giá cả thấp hay cao”. Rồi cô ra giá: “Giá thấp là 150.000 đồng/lần, giá cao là 250.000 đồng/lần, các anh bao luôn tiền nước”.
Chỉ trong hơn 2 tiếng ngồi tại đây, chúng tôi chứng kiến hàng chục đôi, phần lớn đang độ tuổi học sinh siên viên cũng có đều ghé vào quán K., tìm thú vui. Quán chỉ có khoảng 15 bàn cà phê bệt nhưng lượng khách đến lúc nào cũng dư. Có vị khách trong lúc chờ đợi, cứ sốt ruột hết đứng lên ngồi xuống, để được vào gian phòng riêng cùng tiếp viên. “Những quán cà phê trá hình ở đây cũng chính là “bãi đáp” để “xả stress” của đàn ông. Được cái nhìn ngoài nó kiểu cách quán cà phê rất lịch sự, lại tách ra riêng biệt sau lớp tấm vải rèm nên mình cũng tự nhiên hơn”, T. chia sẻ.
Suốt một ngày rong ruỗi qua các “cà phê tình”, với những lời mời chào “hấp dẫn”, điều dễ nhận thấy giờ, nhiều người tìm đến quán cà phê không đơn thuần là giải trí và thú đam mê nữa mà có nhiều hơn cuộc đổi chác thân xác chớp nhoáng ẩn sau những quán cà phê bệt đang thịnh hành như hiện tại ở đất Sài Thành. Và điều đáng buồn là trong số đó phần đông lại là những cô cậu đang ở tuổi cắp sách đến trường.
Trinh Hồ
Gia Đình