Hồ chứa nước Cồn Tranh được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nâng cấp 3 lần vào năm 1983, 2000 và 2010. Hồ có sức chứa 2,5 triệu mét khối, cung cấp nước sản xuất cho 3 xã Xuân Thành, Xuân Mỹ và Cổ Đạm của huyện Nghi Xuân. Năm 2010, sau khi được nâng cấp lần thứ ba, đưa vào vận hành chứa nước và điều tiết lũ thì xảy ra hiện tượng quá tải, các hạng mục công trình nhanh chóng xuống cấp. Tại khu vực xả tràn của hồ đã xuất hiện xói lở từng mảng lớn, thân đập nhiều đoạn bị hàm ếch và rò rỉ nước, trên mái đập có nhiều vết nứt, mang tràn hồ bị xói lở, có chỗ rộng hàng mét… Để khắc phục sự cố trên, các nhà thầu thi công đã cho tháo cạn nước và tiến hành sửa chữa. Nhưng xem ra, cách làm này vẫn không bảo đảm được độ bền vững và nguy cơ sạt lở, vỡ đập luôn tiềm ẩn.
Đầu tháng 7-2014, Ban quản lý hồ đã tháo cạn nước. Đi dọc bờ đập dài hơn 100m, chúng tôi quan sát thấy nhiều vết nứt lớn, có khe nứt rộng gần 2cm, đặc biệt là ở tường chắn sóng. Phía ngoài thân đập, đất bị xói mòn trở thành các hàm ếch; mương dẫn ngay sát chân đập bị sạt lở, lấp cả một đoạn dài…
Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Trà ở thôn 1, xã Cổ Đạm, cho biết: “Hiện nay đang đầu mùa mưa, bão nên người dân chúng tôi lo ngay ngáy, đêm ngủ không yên giấc vì luôn sợ vỡ đập, chạy không kịp. Thấy việc sửa chữa những điểm nứt, sạt lở trên thân đập không bảo đảm chất lượng, người dân chúng tôi có ý kiến thì những công nhân làm việc tại đây trả lời: “Không phải việc của các bác, đã có người khác kiểm tra giám sát công việc của chúng tôi rồi!”.
Bãi tràn đang được sửa chữa lại, sau nhiều lần nâng cấp. |
Một đoạn mương dẫn nước ngay sát chân đập đã bị đất đá sạt lở lấp kín. |
Bác Trà cho biết thêm: “Những năm trước, mỗi lần hồ xả nước thì ruộng, vườn của người dân trong vùng bị ngập hết. Ví dụ năm 2010, gia đình tôi đào ao nuôi ba ba và cá, nhưng khi mưa lớn, hồ xả nước tràn ao làm cá và ba ba đi hết. Gia đình tôi không dám nuôi thả cá nữa”.
Ông Nguyễn Văn Chắt, Trưởng xóm 1, xã Cổ Đạm, nói: “Theo tôi, chất lượng thi công hồ chứa nước Cồn Tranh có nhiều điểm cần xem xét lại. Chúng tôi có ý kiến trực tiếp nhưng nhà thầu không nghe, đề nghị bằng văn bản thì cũng “im hơi lặng tiếng”. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân ý kiến rất mạnh nhưng cũng không nhận được sự giải thích của các cơ quan chức năng. Nếu tình trạng này không kịp thời khắc phục, mùa mưa lũ năm nay đập mà vỡ thì hơn 200 gia đình với 800 nhân khẩu trong thôn sẽ bị cuốn trôi ra biển”.
Còn theo ông Nguyễn Thái Tứ, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm: “Chính quyền địa phương rất lo về chất lượng công trình hồ chứa nước Cồn Tranh và đã rất nhiều lần có ý kiến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị có biện pháp xử lý. Nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy sở cử người về địa phương xác minh sự việc. UBND xã cũng đã có tờ trình gửi UBND huyện Nghi Xuân, nhưng đến nay vẫn chưa thấy khắc phục. Đã thế, việc các nhà thầu thi công máng dẫn nước qua các tuyến đường dân sinh, gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của bà con khiến người dân bức xúc”.
Thế nhưng, ông Nguyễn Xuân Hành, Trưởng ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh lại khẳng định: “Hồ chứa nước Cồn Tranh vẫn bảo đảm an toàn, vừa rồi chỉ xảy ra sự cố nhỏ, đã và đang được khắc phục. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời hạn cuối cùng để bàn giao toàn bộ công trình bao gồm hồ, bãi tràn và đập là ngày 15-9-2014”.
Khi chúng tôi đưa ra câu hỏi: Với thực trạng thân đê rò rỉ nước, xói mòn, nứt… như hiện nay thì khi đưa vào sử dụng, liệu có bảo đảm an toàn hay không? Ông Nguyễn Xuân Hành trả lời: “Không sao, sở dĩ người dân có ý kiến vì họ không có chuyên môn! Còn việc rò rỉ qua thân đê như hiện nay vẫn đang ở mức độ cho phép!”.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Tính, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cho biết: “Phía UBND huyện đã biết sự việc liên quan đến việc hồ chứa nước Cồn Tranh và đã có ý kiến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh. Hiện nay, chúng tôi đang chờ hồi âm và sự chỉ đạo của trên”.
Tình trạng công trình hồ chứa nước Cồn Tranh xuống cấp và những nguy cơ mất an toàn đang làm người dân địa phương lo lắng là có thật. Đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh cần sớm kiểm tra và có biện pháp khắc phục kịp thời. Đặc biệt là cần xem xét, đánh giá chính xác chất lượng công trình trước khi nghiệm thu, đưa vào hoạt động, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN