Cuộc sống

Sự cố khó quên của các chàng rể đi chúc Tết bố mẹ vợ

Đã cẩn thận đánh dấu riêng phong bao mừng tuổi bố mẹ vợ mà cuối cùng anh Thành vẫn đưa nhầm cho đứa cháu.

Chuyện xảy ra từ chiều mồng một Tết nhưng đến giờ anh Thành 40 tuổi, sống ở quận Đống Đa, Hà Nội nghĩ lại vẫn còn cảm giác hơi xấu hổ. Trước Tết, anh chỉ tặng bố mẹ vợ một cành đào rừng do tự tay anh mang từ Mộc Châu xuống, vì thế anh định bụng sẽ mừng tuổi ông bà mỗi người một tờ xanh 100 đô. Trước khi đến chúc Tết ông bà nhạc, anh chuẩn bị sẵn mấy bao lì xì, tuy đều màu đỏ nhưng hoa văn khác nhau để phân biệt. Ngoài hai cái mừng tuổi riêng bố mẹ vợ, anh còn một tập nhét những tờ 100.000 đồng để lì xì các cháu trong họ và 50.000 đồng để lì xì bọn trẻ hàng xóm sang chơi như hướng dẫn của vợ. Mọi năm, anh chỉ chịu trách nhiệm mừng tuổi bố mẹ vợ nhưng năm nay, chị đang đi học một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày ở nước ngoài nên anh phải đảm trách nốt việc mừng tuổi bọn trẻ.

Đến nhà bố mẹ vợ, anh hào hứng rút hai phong bao giống hệt nhau mừng tuổi ông bà. Sau đó là phân phát cho lũ nhỏ. Xong nhiệm vụ, anh cảm thấy thật nhẹ lòng. Trong lúc anh đang say sưa chém gió với cậu em vợ và bố vợ thì con gái anh ra ôm cổ bố thì thầm: “Em Tí bảo năm nay bố mừng tuổi đồng tiền gì kỳ quá, không tiêu được nên em ấy đổi cho mợ Hương lấy tiền Việt Nam rồi”. Lúc này, anh Thành mới giật mình, vào nhà vệ sinh bổ sung thêm hai phong bao 4 tờ 500.000 đồng vì đã hết tiền ngoại để mừng tuổi lại bố mẹ vợ, nhưng ông bà nhất định không chịu nhận thêm.

Ảnh minh họa: Quartz

Anh Dũng, 30 tuổi, thành phố Thái Bình thì không khỏi rầu lòng khi đến nhà bố mẹ vợ chúc Tết, thấy cây quất anh mang tặng ông bà đã có nhiều cành và quả héo rũ. "Tôi đi mua cây lúc chiều tối 27 Tết, vào tận vườn cứ tưởng được cây đẹp. Ai ngờ, họ lấy keo gắn thêm cành và quả bên ngoài vào". Trong khi anh đang ngượng chín mặt vì món quà không như ý thì thằng con cứ liên tục "dìm hàng" bố: "Sao năm nay cây quất nhà ông ngoại xấu thế. Ông mua phải cây dỏm rồi. Ông không tưới hay sao mà nó héo nhanh thế?".

Chuyến chúc Tết bố mẹ vợ của anh Hùng, 27 tuổi, quận Phú Nhuận, TP HCM năm nay diễn ra suôn sẻ nhưng anh vẫn không khỏi run run khi nhớ lại Tết năm ngoái - năm đầu tiên anh có bố mẹ vợ. Trong bữa tiệc đầu năm, chàng rể mới lóng ngóng làm đổ ngay ly rượu nho vào phần màu sáng của chiếc thảm trải sàn. Anh luống cuống cúi xuống lau sàn, lúc đứng dậy đập ngay đầu vào thành bàn, đau điếng. May mà mẹ vợ chữa ngượng cho anh: "Không sao, đổ rượu là may mà". Thật không ngờ, tháng 11 vừa qua, bố vợ anh trúng giải đặc biệt của xổ số truyền thống, được hai tỷ. Tết năm nay, bị bố vợ đùa: "Hùng làm sao lại đổ rượu nữa đi", anh chỉ biết cười ngượng.

Trong khi đa số các bà vợ muốn cùng chồng về ngoại ăn Tết thì chị Phương, 33 tuổi, sống tại quận 8, TP HCM lại chỉ muốn chồng đưa mẹ con chị tới nhà, chào bố mẹ vợ xong rồi quay lại thành phố. Thế nhưng anh Tùng (33 tuổi) thì lúc nào cũng háo hức về ngoại và ở lỳ đến hết Tết vì... nhậu say quá không về nổi. Qua 6 năm đón Tết cùng nhau, chỉ một năm bé Mít chưa đầy tháng nên anh chị không về Lâm Đồng, thì Tết nào anh cũng say từ nhà bố vợ sang nhà các anh chị vợ.

"Tết năm ngoái chúng tôi dự định mồng 4 quay trở lại thành phố mà mồng 6 mới đi được, vì còn chờ ông ấy tỉnh rượu hẳn, mất hết cả tiền mừng tuổi đầu năm mới của công ty", chị Phương kể. "Còn năm nay, ngay chiều mồng một ông ấy đã nằm ăn vạ ở phòng khách nhà bố mẹ vợ. Mấy lần zô zô với bố vợ và các anh em đồng hao là chồng tôi đã say xỉn rồi chiếm luôn cái ghế sofa. Cũng may bố tôi cũng say rồi đóng cửa đi ngủ nên không trách móc con rể".

Trong khi chị Phương nhớ rất rõ hình ảnh chồng mình nghẹo đầu ngủ, miệng ngáy o o bất cứ đâu mỗi khi say xỉn thì anh Tùng chả nhớ mình đã làm gì khi về ngoại ăn Tết. “Tôi chỉ biết là mình đã rất vui. Bình thường, tôi không dám uống đến say, chỉ có ngày Tết về quê vợ, mọi người đều thân thiện nên mới dám buông thả bản thân thế", anh Tùng giải thích.

Ảnh minh họa: Naturalnews

Chị Hiền 32 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh, TP HCM cũng lo ngay ngáy mỗi khi dẫn chồng về nhà bố mẹ đẻ ở quận 7 chúc Tết. Trong hẻm nhà bố mẹ chị, Tết năm nào cũng xuất hiện vài nhóm chơi bài ăn tiền, thu hút rất đông người đi qua vào chơi theo. Chị Hiền để ý, từ ngày cưới (năm 2012) đến giờ, lần nào đến chúc Tết bố mẹ vợ, chồng chị cũng mất tích năm mười phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ. Hóa ra là anh chui vào đám chơi bài. Đầu tiên là tò mò xem, sau đó là rút tiền ra chơi. Năm nay, chồng chị thua hết 3 triệu, sau đó bí mật vay tiền mừng tuổi của con, thua thêm 2 triệu nữa. "Đúng lúc chồng tôi đang cay cú vì thua thêm thì bố tôi đi ngang qua, ông chồng mặt từ đỏ chuyển sang tái mét", chị Hiền kể và nói thêm, "Để tránh chồng gặp môi trường rồi sinh hư, năm nay, tôi đã lên lên kế hoạch cho cả gia đình đi du lịch từ mồng 2".

Tác giả: Kim Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Sự cố khó quên , Tết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP