Hình minh họa: GettyImages |
Còn anh chồng thì mắng nhiếc vợ lúc nào cũng chỉ sợ nhà mình thiệt thòi, mua cho ông bà nội thứ gì cũng để ý săm soi rồi so bì nhà ngoại không có. Mà thực ra thì anh không phân biệt, chỉ là anh nghĩ tiền bạc chủ yếu vợ anh cầm, cần biếu xén ông bà ngoại cái gì thì vợ cứ làm, sao phải chờ anh nhắc nhở.
Nhưng vợ anh, vốn tính hay chấp nhặt của đàn bà cho rằng “10 bát cháo con gái mua cho khi ốm đau cũng không quý bằng một lời hỏi han của thằng con rể”. Chuyện qua lại chỉ có thế mà rồi thành cãi nhau.
Nhà ấy xưa nay vốn ấm êm, hai vợ chồng tha phương mưu sinh, chăm chỉ làm ăn, cóp ki từng đồng một. Nhà nội nhà ngoại cách nhau xa, chồng cho rằng tết nhất trước hết phải về nội vì anh là con cả trong gia đình. Có nhiều tết chị vợ không thể về nhà sinh ra cáu bẳn “cả thì sao mà thứ thì sao, con nào chẳng cha mẹ sinh ra, nuôi lớn mà đến khi trách nhiệm cứ phân bì con thứ con cả”. Chồng chị tức giận cho rằng vợ không biết lý lẽ, lại cãi nhau vì những chuyện như thế.
Những ngày cuối năm, xóm trọ nào cũng chộn rộn mong kết thúc những ngày làm việc cuối cùng để về nhà sum họp. Có cô gái vuốt ve từng đồng tiền chắt chiu nhịn ăn nhịn mặc mà có được hi vọng tết nay sẽ lo cho bố mẹ sung túc đủ đầy. Có người đàn ông đã lang thang cả buổi tối ở khu chợ đêm để tìm cho hai đứa con mình hai đôi giày mới. Có người đàn bà góa bụa chỉ mong sớm về để con trẻ đang ở với ông bà ngoại thôi mỏi mòn ngóng trông. Cũng có những người như hai vợ chồng kia, dành những khoảnh khắc cuối cùng của năm để so đo, hờn trách.
Tết không chỉ là kết thúc một năm. Tết không chỉ là được nghỉ ngơi dài ngày. Tết cũng không chỉ là có thêm một tháng lương, thêm chút tiền thưởng. Người ta mong đợi tết bởi sẽ được sum vầy, được chia sẻ những tình cảm yêu thương mà ngày thường vì tất bật mưu sinh đã không thể bớt chút thời gian mà tận hưởng.
Tết của những ông bố bà mẹ là mong ngóng những đứa con xa trở về. Tết của những kẻ tha phương là được về nơi mái nhà bình yên không có những bon chen mỏi mệt. Tết của những đứa trẻ là được nghỉ học, được đi chơi, được xúng xính trong tà áo mới tinh tươm tới tham nhà họ hàng với những phong bao lì xì đỏ chói.
Người giàu đón tết theo cách của người giàu có, người nghèo khổ cơ hàn cũng tìm cách để có thể hưởng một cái tết vui tươi. Suy cho cùng, tiền khiến người ta bớt cơ cực, làm người ta đỡ lo toan. Nhưng tiền đâu phải là thứ duy nhất để thể hiện cảm tình, để khiến người ta nhìn vào đó mà phân định yêu hay ghét, tốt hay xấu ra sao.
Vậy nên, mỗi cuối năm về, thấy vợ chồng trách móc nhau chỉ vì chuyện quà cáp đôi bên, chỉ vì chú trọng bên này, lơ là bên kia, tự nhiên thấy có chút gì đó hơi bất nhẫn. Bố mẹ ở nhà, tết thực ra đơn giản lắm, chỉ cần chục bánh chưng, đôi cân giò, vài con gà và hũ dưa hành muối, cùng con cái sum vầy một bữa cơm đông đủ ấy là mãn nguyện lắm rồi. Chẳng phải vì quà cáp đắt tiền mà trông, chẳng phải vì tiền bạc ít nhiều mà ngóng.
Vậy nên mỗi khi xuân về, hạnh phúc nhất là được ở gần người thân, về nội một chút, về ngoại một chút, chẳng quan trọng ai trước, ai sau. Vì dù sớm hay muộn thì cha mẹ vẫn vui, vẫn mong chờ trông ngóng. Tết vui như thế, tết ấm áp và thân tình như thế, cớ sao cứ sinh chuyện giận hờn vì những không đâu.
Đôi khi nhìn lại quanh mình, thấy có những người cuối năm không có một nơi chốn tử tế để tìm về, có những người có nơi về nhưng chẳng còn ai ngóng đợi. Tiền bạc lúc đó có nhiều để làm gì khi thứ ta có thể cho đi chỉ là hương, là hoa, là vài hộp bánh lạnh lẽo nơi ban thờ nghi ngút khói.
Năm mới, cầu chúc mọi người thật nhiều sức khỏe, nhiều may mắn, hân hoan. Bớt ích kỉ, bớt tính toán, bớt tự ái bởi những chuyện liên quan đến bạc tiền. Tết được sinh ra là để người người có dịp đoàn viên, là để yêu thương, đâu phải để giận hờn. Vậy thì sao không nghĩ cho nhau một chút, bao dung với nhau một chút cho lòng nhẹ nhàng, cho ngày gặp gỡ thêm vui.
Tác giả: Lê Giang
Nguồn tin: Báo Dân trí