Di tích - Thắng cảnh

Sắp đến ngày khai chung Đồng Lộc

Những ngày mùa thu sôi động không khí chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, ở khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, cán bộ, nhân dân và CNLĐ tỉnh Hà Tĩnh, cùng các cơ quan chức năng đang rất khẩn trương chuẩn bị cho lễ khánh thành lầu chuông, khai chung vào tuần cuối tháng 9 – một công trình văn hóa nhân văn – mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 hatinh24h

Công trình tâm đức

Đại hồng chung và lầu chuông là một phần trong Dự án xây dựng đền thờ, lầu (tháp) chuông tại khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Nguồn kinh phí xây dựng cho công trình đến thời điểm này khoảng 23 tỉ đồng, hoàn toàn do sự đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể (tiền hoặc bằng vật liệu xây dựng) và người dân từ già đến trẻ công đức, với mong muốn được góp một chút tình tri ân với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do, hòa bình, an lạc của muôn nhà.

Nhìn lại ngày khởi sự – tháng 7 năm 2007 – đó là dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Dự định thể hiện tấm lòng đền ơn, đáp nghĩa đối với các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ, công nhân giao thông, TNXP… đã hy sinh vì tổ quốc và với mong muốn đóng góp cho đời một công trình văn hóa tâm linh bằng chính sự góp công sức của cộng đồng, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động (Quỹ TLV), Báo Lao Động, Báo Đầu Tư đã đưa ra sáng kiến vận động ủng hộ xây dựng công trình. Lời kêu gọi đó đã được nhiều người ủng hộ, tham gia, bởi đó là công trình đáp ứng được sự mong mỏi của nhiều người từng đi qua hai cuộc chiến tranh, chứng kiến cảnh bom rơi, đạn nổ, máu đồng đội đổ trên những cung đường…

Nhưng, không có việc gì thành công mà không trải qua nhiều thử thách gian nan! Các thành viên trong Ban chỉ đạo cuộc vận động và cộng sự đều là những người bận rộn nên khó tránh khỏi những trục trặc thường tình, dù ai cũng phát tâm nguyện cho công trình được thuận buồm xuôi gió để tiếng chuông sớm được ngân vang. Những người trong cuộc, những người chỉ một lần đến Đồng Lộc và cả những người chỉ biết địa danh Đồng Lộc qua sách báo, phim ảnh đều chung một ước nguyện: “Tiếng chuông làm ấm hồn những anh linh liệt sĩ, tử sĩ, hồn thiêng sông núi. Tiếng chuông ấy thức tỉnh những người đang sống theo con đường sáng, nhắc nhở các thế hệ mai sau nhớ về một thời oanh liệt của tiền nhân…” – ông Nguyễn Hữu Miêu – cán bộ hưu trí ở Cao Bằng – đã nói như thế.

Rộn ràng tháng 9

Để kịp mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, các khâu công việc ở lầu chuông đang được thợ Sông Đà và CNLĐ một số đơn vị của Hà Tĩnh khẩn trương hoàn thành trước ngày 20.9. Ông Hà Văn Thạch – Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng Trưởng ban chỉ đạo công trình – cho hay: “Ban chỉ đạo đã phân công công việc cụ thể đến từng bộ phận. Ngày khánh thành dự định vào 25.9. Công việc khá bộn bề, nhưng sẽ hoàn thành. Anh chị em ở đây nhiệt tình và rất có trách nhiệm”.

Thể theo nguyện vọng của người dân ở nhiều vùng quê, ngày khánh thành lầu chuông Đồng Lộc, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức theo nghi lễ trang trọng, thân thiện. Người dân Hà Tĩnh với tấm lòng thành rộng mở, rất phấn khởi được đón bà con các vùng miền đất nước về Ngã ba Đồng Lộc dự lễ khai chung.

Quả chuông do nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng và cơ sở đúc đồng Hoa Mai – Ngũ Xã (Hà Nội) đúc ngày 11.7.2009, trọng lượng 5,7 tấn, cao 3,6m, vành chuông 1,95m; ngày động thổ: 11.7.2007; ngày khởi công xây dựng: 26.3.2009; kinh phí được duyệt: 32 tỉ đồng; diện tích xây dựng: 12.500m2; lầu chuông cao 7 tầng (36,6m); đơn vị thi công: TCty Sông Đà (Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Sông Đà); đơn vị thiết kế: Văn phòng Tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Công trình lầu chuông và đền thờ đã được nhiều nhà kiến trúc, nhà văn hoá trong nước đóng góp ý kiến.

Linh Nhi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP