Giải trí

Quảng cáo phản cảm gây ức chế trong các chương trình THTT

Tại Hàn Quốc, “Gió mùa đông năm ấy” – một bộ phim đang có lượng người xem cao nhất trên một kênh truyền hình bị Nhà nước tuýt còi vì quảng cáo khá lộ liễu cho một nhãn hàng.

Nhưng tại Việt Nam, nhiều chương trình truyền hình thực tế đang biến thành những clip dài hơi cho các nhãn hàng vẫn mặc nhiên được trình chiếu, thậm chí còn được truyền hình trực tiếp, gây ức chế cho khán giả.


“Cặp đôi hoàn hảo” thành TVC quảng cáo mì gói


Chạy dòng chữ quảng cáo sản phẩm liên tục ở chân hình khi các tiết mục bắt đầu, treo logo ở khắp nơi trên màn hình bây giờ không phải là chuyện được các nhà tài trợ đồng tình nữa. Các nhãn hàng ngày nay ngang nhiên biến cả một chương trình truyền hình thực tế thành TVC (clip quảng cáo trên truyền hình) dài hơi quảng cáo, biến các thí sinh trở thành người đóng thế trong các clip gây phản cảm.


“Cặp đôi hoàn hảo” vốn là một chương trình truyền hình thực tế gây sốt đúng nghĩa sau lần đầu phát sóng năm 2012. Sức thu hút của chương trình năm trước đến từ những giọng ca có nội lực, giàu cảm xúc và kỹ thuật. Vì thế, khán giả tiếp tục háo hức đón chờ khi chương trình khởi động. Nhưng năm nay, chương trình đã đi qua tới 6 đêm thi nhưng cảm giác thỏa mãn với những màn song ca của từng cặp đôi khán giả không được thấy, thay vào đó là những sự ức chế vì những trò quảng cáo quá lố của nhãn hàng tài trợ cho chương trình.


Ngoài những logo treo giữa sân khấu, logo treo trước bàn ban giám khảo vốn gây phản cảm thường thấy trong các chương trình có tài trợ trên đài truyền hình quốc gia, “Cặp đôi hoàn hảo” năm nay ngoài giải thưởng “Cặp đôi Hảo Hảo” còn làm nhức mắt người xem khi chính những thí sinh biến mình thành người đóng thế trong các TVC quảng cáo của nhãn hàng này. Trong đêm thi cuối tuần qua (24/3) clip giới thiệu của cặp nhật Khương Ngọc, Mỹ Lệ xuất hiện trong trang phục gắn đầy bao bì mang thương hiệu của nhãn hàng mì gói này.


Chưa kể, ngay ở phần biểu diễn trên sân khấu để giám khảo chấm điểm, khán giả nhắn tin bình chọn cặp đôi này cũng mặc trang phục tương tự, mặc dù tác phẩm biểu diễn “Tình 2000 – 60 năm cuộc đời” chẳng có gì ăn nhập với ca khúc. Cũng trong đêm thi này, một cặp đôi vốn chiếm được nhiều cảm tình của khán giả từ đầu chương trình là Cát Phượng và Phan Đinh Tùng cũng quảng cáo lộ liễu cho nhà tài trợ khi nhắc đến mì gói trong tiết mục của mình. Ngay ở phần đầu tiết mục, Cát Phượng dùng câu thoại: “Em ở nhà nấu món ăn chồng thích nhất là mì Hảo Hảo”.


Mượn thí sinh để quảng cáo không phải chỉ xuất hiện trên chương trình “Cặp đôi hoàn hảo” mà trước đó và song song với chương trình này cũng có vô số gameshow đã làm. Trong cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”, nhà tài trợ không bắt thí sinh khoác vỏ bao, vỏ chai lên sóng nhưng việc lạm dụng lồng ghép một cách rất phô của các sản phẩm trong các clip của thí sinh cũng khiến người xem khó chịu. Theo dõi “Vietnams Got Talent” dễ nhận thấy hầu hết các clip chia sẻ của thí sinh đều xuất hiện những dòng slogan của nhãn hàng lướt ngang mặt. Chẳng hạn, nếu là thí sinh nam sẽ quảng cáo dụng cụ cạo râu (Gille… lướt thật êm, cạo thật sạch), thí sinh nữ lại lạm dụng quảng cáo dầu gội đầu (Re… tóc suôn mượt đến hai lần) hoặc mỹ phẩm (Ol… cho làn da trắng hoàn hảo).


Năm ngoái, trong đêm bán kết, trong clip chia sẻ của thí sinh hát opera Hương Thảo, khán giả vô cùng khó chịu khi clip này được dàn dựng theo kiểu quay quảng cáo cho nhãn hàng dầu gội tài trợ. Một thí sinh nhí được mẹ dặn dò trong phòng tắm cũng được đặt chình ình trước mặt hai chai dầu gội to tướng. Vẫn biết, việc các nhãn hàng bỏ tiền ra tài trợ cho một hoạt động nào đó họ phải được hưởng lợi từ sự đầu tư đó. Nhưng dùng những thủ thuật phản cảm như thế thì quả thật khán giả đã hết mức chịu đựng.


“Không có quy định… cấm”


Sau sự việc gây bức xúc dư luận trong đêm thi 24/3 vừa qua của chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”, trả lời phóng viên Báo Năng lượng Mới bà Ninh Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quảng cáo Tuyên truyền, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch: Bắt đầu từ số sau, nếu chương trình tiếp tục quảng cáo lộ liễu, làm chệch hướng, sai mục đích, ảnh hưởng tới khán giả xem truyền hình thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý một cách nghiêm khắc. Tuy nhiên, chính người đại diện ngành này cũng cho biết: Nghị định số 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa cũng không có quy định nào cấm việc này. Bà cho biết lý do không thể cấm bởi “người ta không dùng cả chương trình để quảng cáo”.


Theo quy định đó, thì thí sinh mặc trang phục gắn bao bì mì Hảo Hảo không phải là quảng cáo sai phạm vì sản phẩm này không nằm trong danh mục bị cấm. Cũng theo bà Hương, tiết mục của các thí sinh đó vẫn thông tin được cho người xem quá trình tìm tòi ý tưởng, quá trình luyện tập của thí sinh như thế nào, khổ luyện như thế nào, chứ không hoàn toàn quảng cáo cho mì Hảo Hảo. Và vì thế, ngay chính cơ quan chức năng cũng không hẳn đủ chế tài để xử phạt. Đó cũng là lý do khiến các chương trình cứ lách luật quảng cáo vô tội vạ.


Trông người mà nghĩ đến ta, mới thấy việc quản lý của Việt Nam vô cùng lỏng lẻo. Mới đây, tại Hàn Quốc, một bộ phim truyền hình đang thu hút lượng người xem đông nhất so với các kênh khác phát sóng vào thời điểm đó, bộ phim “Gió mùa đông năm ấy” đã bị Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc tuýt còi vì quảng cáo lộ cho một nhãn hàng điện thoại. Ở bộ phim này, việc quảng cáo lộ liễu bị yêu cầu thay đổi chỉ vì nhà sản xuất đã quay hình chiếc điện thoại rõ nhãn hiệu, nhưng trong tình tiết phim logic.


Thế nhưng, ở Việt Nam, người công khai quảng cáo cho nhãn hàng trong một chương trình lôi kéo khán giả, ca sĩ Mỹ Lệ cũng đã thừa nhận rằng, chị không phải ngu ngơ để không biết mình đang quảng cáo cho Hảo Hảo, nhưng do nghĩ họ xứng đáng được quảng cáo, bởi vì nhãn hàng bỏ ra bao nhiêu tiền bạc để quảng cáo cho cả một cuộc thi, một gameshow cho mọi người giải trí như thế này, thì chuyện đó cũng có sao đâu.


Đặt phép so sánh đó thì mới hay rằng, đại diện phụ trách về quảng cáo của Bộ VH-TT&DL cho biết, đài truyền hình nước ngoài họ cắt là bởi bản thân các sản phẩm quảng cáo đó không mang lại nguồn thu cho đài truyền hình. Nhà sản xuất bộ phim đã nhận được tiền quảng cáo trong khi đó đài truyền hình phát sóng vô hình chung quảng cáo cho sản phẩm không được trả tiền.


Vậy nên, dư luận mới đặt câu hỏi ở Việt Nam, phải chăng các đài truyền hình đã công khai thu được nguồn lợi lớn từ việc công khai quảng cáo cho các nhãn hàng trong một chương trình không phải quảng cáo nên các chương trình này mới ngày càng nhan nhản mọc lên như nấm sau mưa? Dường như, chỉ có ở nhà đài Việt Nam là quá dễ dãi nên mới để các ban tổ chức chương trình, nhà tài trợ làm mưa, làm gió coi thường khán giả. Thực tế cho thấy phải có sự bắt tay nào đó thì nhà đài mới cho qua những hình ảnh quảng cáo rất chướng tai gai mắt mà khán giả nào cũng có thể nhận ra.


Thanh Huyền

Petrotimes

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP