Kinh tế

PVN phải giải trình về 5 dự án lỗ ngàn tỉ

Từ đầu năm đến nay, PVN dành 30%-40% thời gian để xử lý các vấn đề trong quá khứ.

Sáng 19-7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đối với tập đoàn.

“Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, động viên và khen ngợi PVN. Trong lúc này PVN khó khăn nhất, khó khăn nhất càng phải vững tâm lớn nhất, đoàn kết, vững tin” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nói.

“PVN bị chỉ trích rất nhiều”

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua PVN “khủng hoảng, tâm tư” nhưng sáu tháng đầu năm PVN có thành tích tốt, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu PVN giải trình và có giải pháp xử lý bốn vấn đề. Trong đó Thủ tướng yêu cầu PVN giải trình việc xử lý một số dự án đầu tư kéo dài, thua lỗ, kém hiệu quả gồm ba dự án sinh học ethanol, đóng tàu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ.

“PVN cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án yếu kém... Đề nghị kiên quyết xử lý theo nguyên tắc thị trường, trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN), Nhà nước không cấp thêm vốn cho các dự án thua lỗ kéo dài” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Nhắc tới các dự án thua lỗ ngàn tỉ, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Minh Hồng cho rằng đây là “niềm trăn trở vô cùng, là nỗi đau của những người làm dầu khí”.

“Chúng tôi xác định đây là lỗi của ngành, ngành phải khắc phục, phải vào cuộc một cách quyết tâm nhất, quyết liệt nhất. Nhưng vướng, khó vô cùng. Đề nghị các đồng chí hướng dẫn cho PVN nên xử lý thế nào” - ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, một mặt Chính phủ chỉ đạo phải xử lý rốt ráo, dứt điểm nhưng lại không cho tiếp tục bơm thêm đồng vốn nào vào nữa. Ông Hồng ví von trường hợp này giống việc một người ốm cần tiền để mua thuốc lại không cho tiền mua thuốc thì làm sao chữa ốm được.

“Kể cả phá sản cũng cần tiền để xác định giá trị DN, bảo vệ các công trình đó cũng cần tiền. Có công ty bây giờ hết không còn đồng tiền nào nữa để làm công tác bảo vệ, tiền điện, nước, trả lương... PVN bị chỉ trích rất nhiều nhưng chúng tôi lúng túng, loay hoay không biết làm thế nào” - vẫn lời ông Hồng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sáu tháng đầu năm PVN có thành tích tốt, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu. Ảnh: TN

5 dự án “xương” nhất

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương, năm dự án thuộc PVN là những dự án khó khăn nhất. Với cơ chế, chính sách bình thường không xử lý được mới phải thành lập Ban chỉ đạo, xin ý kiến Bộ Chính trị nhưng trong chỉ đạo không nêu cụ thể thì cũng khó khăn cho người thực hiện.

“Nhất là trong bối cảnh hiện nay, PVN liên tục đón các đoàn kiểm tra, thanh tra, công an vào làm việc. Có những quyết định (giải quyết khó khăn) đòi hỏi sự đột phá, năng động, táo bạo của DN nhưng nếu không có hậu thuẫn của Ban chỉ đạo, của Chính phủ thì PVN khó đưa ra quyết định khác với tinh thần chỉ đạo một chút, hay chưa thực sự phù hợp với khung khổ pháp lý hiện hành” - ông Vượng nói.

Ông cũng băn khoăn việc Nhà nước không cấp vốn nên hiểu như thế nào. Vốn của tập đoàn có là vốn nhà nước không và kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo cần có những chỉ đạo cụ thể hơn. “Về phía PVN, tôi đề nghị có đề xuất: Nên hiểu là không lấy vốn trực tiếp từ ngân sách (như từ Bộ Tài chính) nhưng có thể tự chủ huy động từ các nguồn khác của PVN và tự chịu trách nhiệm về việc này” - ông Vượng gợi ý.

Cũng theo ông Vượng, ba trong số năm dự án thua lỗ, đang đắp chiếu của PVN là Xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước để giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước thì cần phải khởi động lại, muốn vậy phải có tiền, nhà máy phải hoạt động thì mới bán, mới thoái vốn được.

“Nhà máy giấy Phương Nam đầu tư 2.715 tỉ đồng, kiểm toán vào định giá 1.885 tỉ đồng nhưng vừa rồi đấu giá không ai dám mua vì đắp chiếu bao nhiêu năm” - ông Vượng nêu dẫn chứng và nói tiếp: “Theo quy định phải đấu giá thêm hai lần nữa nhưng tôi chắc không ai dám mua. Sau đó mới thanh lý với giá sắt vụn thôi chứ ai mua để lấy công nghệ không biết sử dụng vào việc gì”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay trong tháng này Bộ sẽ báo cáo các phương án xử lý rất cụ thể và mong Chính phủ có chỉ đạo cụ thể hơn để PVN và các DN khác “dũng cảm đưa ra phương án đỡ thiệt hại nhất”.

Cần bám sát để giúp PVN

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói: “Cảm nhận đầu tiên là còn rất nhiều cơ chế, chính sách cho PVN đang bị vướng, trong khi trách nhiệm giải quyết của các bộ, nhất là Bộ Công Thương, lại chỉ có mức độ”.

“Cần bám sát để giúp PVN. Trong lúc như thế này mà không giúp tập đoàn, lại lảng tránh trách nhiệm thì không ổn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị Bộ Công Thương, PVN xử lý sớm các dự án thua lỗ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo. Quan điểm là ưu tiên vận hành, không được thì bán, thanh lý, phá sản, chấm dứt lỗ kéo dài, lỗ lũy kế.

“Vấn đề quan trọng nhất mà Thủ tướng nhắc đi nhắc lại là các đồng chí trong “khủng hoảng tư tưởng” thì có chùn tay không, có dám làm không? Các đồng chí phải động viên tư tưởng cán bộ, người lao động, đây là lời căn dặn của Thủ tướng... Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân rất tin tưởng tập đoàn nhưng nếu không vượt qua được chính mình thì chúng ta sẽ hỏng...” - Bộ trưởng kết luận.

“Không còn tâm trí nào để làm nữa”

Hiện tại PVN rất khó khăn. Hơn bao giờ hết, chúng tôi cần niềm tin của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành vào những người làm dầu khí.

Từ đầu năm đến nay PVN dành 30%-40% thời gian để xử lý các vấn đề trong quá khứ, rất mất thời gian. PVN thường xuyên tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra, rồi dành thời gian kiểm điểm. Việc này là cần thiết nhưng chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu làm sao để gom lại, làm gọn hơn để tạo điều kiện cho PVN còn tương lai để phát triển, tạo ra sản phẩm cho xã hội, tăng trưởng GDP... Kiểm điểm là cần thiết nhưng những việc đó cần thiết hơn. Chứ như bây giờ, nói thực là không còn tâm trí nào để làm nữa.

Phó Tổng giám đốc PVN LÊ MINH HỒNG

Tác giả: ĐỨC MINH

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP