Kinh tế

PVC chưa khắc phục hết “hậu quả nặng nề” thời Trịnh Xuân Thanh

Mất 1 nhiệm kỳ sau thời Trịnh Xuân Thanh, PVC vẫn chồng chất khó khăn vì những hậu quả nặng nề mà giai đoạn trước để lại, liên tục phải hợp tác điều tra, kiểm tra liên ngành. Đến năm 2017, PVC dự kiến lỗ hợp nhất hơn 470 tỷ đồng.

Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC – mã chứng khoán PVX) vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ SXKD năm 2018. Lãnh đạo của PVC cho hay, hội nghị này được tổ chức trên tâm thế nhìn thẳng vào sự thật, trung thực và minh bạch thông tin.

Theo đó, bối cảnh nhiều khó khăn từ những diễn biến phức tạp của nền kinh tế, các dự án trong và ngoài ngành dầu khí phải dừng giãn tiến độ, chuyển đổi chủ đầu tư, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm và cục bộ… đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch SXKD của PVC trong năm 2017.

Mặt khác, việc các cơ quan pháp luật thực hiện công tác điều tra, thanh tra, khởi tố một số cá nhân nguyên là lãnh đạo Tổng công ty làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ nhân viên toàn tổng công ty này.

Hiện tại, nhiều thành viên trong dàn lãnh đạo PVC giai đoạn 2007-2012 như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận…đang bị khởi tố, bắt để phục vụ điều tra về hành vi cố ý làm trái và tham ô tài sản, liên quan đến vụ thua lỗ và thất thoát gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại PVC.

Trước đó, PVC cũng triệu tập xong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT cho biết, trong năm 2017 PVC phải liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, những tồn tại của giai đoạn trước bộc lộ gây ra hậu quả nặng nề như việc phải hợp tác điều tra, phối hợp với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành liên tục trong suốt 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ban lãnh đạo cũng như sản xuất kinh doanh.

Việc các dự án trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí phải dừng giãn tiến độ, thay đổi chủ đầu tư khiến nguồn việc làm của PVC ngày càng hạn hẹp… Mặt khác vẫn còn nhiều điểm khó đảm bảo phát triển bền vững PVC khi tổng giá trị khối lượng dở dang của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 quá lớn (hết tháng 12/2016 là 3.163 tỷ đồng, trong đó giá trị khối lượng của các đơn vị thành viên là 540 tỷ đồng).

PVC tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn về việc tìm kiếm nguồn việc làm. Nhiều dự án dừng, giãn tiến độ như dự án NMNĐ Quảng Trạch 1, dự án Lô B - Ô Môn, nhà máy LNG Thị Vải...

Trước những thách thức nói trên, trong năm 2017, doanh thu hợp nhất của PVC ước đạt 3.684 tỷ đồng (con số này tuy vượt 5% kế hoạch năm nhưng chỉ bằng 40% so với thực hiện năm 2016). Trong đó, công ty mẹ ước thực hiện 2.148 tỷ đồng(vượt 7% kế hoạch năm và bằng 30% năm 2016). Toàn tổ hợp ước lỗ 472,5 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ ước lỗ 345,2 tỷ đồng.

Thay mặt ban lãnh đạo PVC, ông Nguyễn Đình Thế - Tổng giám đốc PVC đã chỉ ra nguyên nhân dẫn tới việc PVC phải báo lỗ. Cụ thể, một số các tồn tại của các năm trước như chi phí quản lý tại dự án NMNĐ Thái Bình 2 từ đầu dự án chưa kết chuyển, chi phí một số hạng mục tại dự án NMNĐ Thái Bình 2 chưa có đầu thu; chi phí SXKD dở dang tại dự án NMNĐ Quảng Trạch 1, công nợ phải thu được đánh giá khó có khả năng thu hồi...

Đến nay, dự kiến PVC đã đưa vào hạch toán/ trích lập dự phòng các khoản công nợ trên theo nguyên tắc thận trọng trong hạch toán cũng như các quy định về hạch toán kế toán.

Mặt khác, các đơn vị thành viên tiếp tục thua lỗ cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả SXKD toàn tổng công ty như PVC-Mekong dự kiến lỗ 80,75 tỷ đồng; PVC-IC dự kiến lỗ 44,96 tỷ đồng, PVC Land dự kiến lỗ 12,05 tỷ đồng; PVC-Đông Đô dự kiến lỗ 9,94 tỷ đồng… Ngoài ra, hiện PVC vẫn đang tiếp tục rà soát nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh vay vốn tại các đơn vị.

Về dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2:

Lãnh đạo PVC cho biết, Đảng ủy, Hội đồng Quản trị, ban Tổng giám đốc doanh nghiệp này đã và đang thống nhất ý chí, thể hiện quyết tâm làm rõ ràng, minh bạch và trong sạch toàn bộ các dự án mà PVC tham gia ở giai đoạn trước (2007-2012). Từ đó, tập trung mọi nguồn lực triển khai dự án NMNĐ Thái Bình 2 trong năm 2018, hoàn thành dự án đúng theo kế hoạch.

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể của Hợp đồng EPC Thái Bình 2 đạt 81,24% . PVC đã hoàn thành ký Phụ lục bổ sung số 26, 27 Hợp đồng EPC điều chỉnh giá trị hợp đồng, điều chỉnh tiến độ dự án và điều chỉnh một số nội dung tạm thanh toán. Theo đó, giá trị Hợp đồng EPC được điều chỉnh từ 1,2 tỷ USD lên 1,47 tỷ USD và tiến độ vận hành thương mại tổ máy 1: ngày 31/12/2018; tổ máy 2: ngày 31/3/2019.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP