Giáo dục

Phụ huynh tố bữa cơm 23.000 đồng đạm bạc, hiệu trưởng trường tiểu học nói gì?

Trước sự việc phụ huynh tố suất ăn bán trú của học sinh Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đạm bạc, lãnh đạo nhà trường cho biết hình ảnh trên mạng không phản ánh đúng bản chất.

Mới đây, nhiều phụ huynh tố bữa ăn bán trú của học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên (Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) đơn giản, đạm bạc.

Phụ huynh học sinh cho biết: “Thấy con tôi nhiều lần đi học về kêu đói vì thức ăn ở trường quá chán, quanh đi quẩn lại hết thịt băm đến đậu phụ. Cháu không ăn được nên tôi mới để ý bữa ăn của trường…

Hình ảnh bữa ăn đạm bạc của học sinh được phụ huynh chụp lại.

Theo lời con tôi kể, bữa ăn tại trường rất nghèo nàn, chỉ có một ít thức ăn và rau. Tất cả đều được cho chung vào 1 chiếc bát. Cháu nào chan canh thì múc trực tiếp vào bát đó chứ không có bát riêng. Những bạn ăn nhanh còn đỡ, bạn nào ăn chậm, cơm canh vữa ra như cháo, nhìn giống như… bát cám lợn”.

Cùng với những lời này là hình ảnh được ghi lại vào bữa ăn ngày thứ 2 và thứ 3 tuần vừa qua (ngày 23, 24/10), mỗi suất ăn của học sinh chỉ vẻn vẹn có vài ngọn rau luộc hoặc khoai xào, một ít trứng rán thịt cùng cơm trắng. Tất cả được cho chung vào 1 bát.

Theo phụ huynh, thoả thuận ăn bán trú nhà trường thu 28.000 đồng/ngày ăn gồm bữa chính và bữa phụ.

Cuộc họp có rất đông phụ huynh và báo chí.

Liên quan đến vấn đề trên, chiều 30/10 tại Trường tiểu học Nam Trung Yên đã diễn ra cuộc “đối chất” giữa phụ huynh học sinh và các cơ quan báo chí. Mở đầu cuộc họp, ông Trần Văn Hà - Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên cho rằng những thông tin bài báo trước đó phản ánh chưa hoàn toàn đúng sự thật.

“Với bản thân là hiệu trưởng, trước phụ huynh học sinh, học sinh…, tôi cũng như các thầy cô giáo luôn tâm niệm và coi các học sinh là con mình. Chúng tôi là nhà giáo nên mọi việc làm đều phải theo lương tâm và trách nhiệm. Với tôi, tai nạn thương tích, chất lượng cuộc sống trong nhà trường… luôn đặt lên hàng đầu”, ông Hà chia sẻ.

Ông Trần Văn Hà, Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên.

Khi hỏi về bức ảnh bát cơm đạm bạc của học sinh, ông Hà cho biết: “Giữa Hà Nội không thể có bữa cơm như các bạn nhìn thấy trên báo chí”. Ông giải thích những bức ảnh được chụp không thể hiện được bản chất vì không có mặt học sinh.

“Nhà trường không lưu lại được những hình ảnh của để đối chứng. Chỉ lo ngại khi mình lưu lại hình ảnh phụ huynh không tin tưởng. Hình ảnh đó không có học sinh, hoặc có thể học sinh đã ăn xong bát đầu tiên, sau đó xin bát thứ 2, thứ 3… Hình ảnh đó không thể hiện rõ là bữa cơm đạm bạc. Có thể là các cô cho các ăn chia nhỏ từng ít một để cho các con ăn hết”, ông Hà phân trần.

Hình ảnh được cho ghi lại được tại trường.

Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên cho biết, thực phẩm cung cấp cho nhà trường được ký hợp đồng với công ty có đủ pháp nhân, trước khi nhập hàng đều có sự giám sát của các bên liên quan, trong đó có cả đại diện phụ huynh.

“Nhà trường luôn yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn luôn phải đảm bảo chất lượng. Suất ăn là 28.000 đồng, đã có ý kiến cho rằng tại sao không tăng tiền ăn lên. Nhưng qua tham khảo các trường học trên địa bàn, thấy như vậy là mức chung mà nhiều trường áp dụng”, ông Hà cho biết.

Thực đơn ngày 16/10.

Phóng viên có yêu cầu phía nhà trường giải thích thêm về bức ảnh miêu tả bữa ăn đạm bạc, ông Hà cho hay: “Chúng tôi có tham khảo ý kiến để đưa ra chế độ ăn hợp lý nhất về dinh dưỡng. Bữa phụ chủ yếu là uống sữa, ăn bánh ngọt…, nhưng cũng đều có đơn vị tư vấn. Thậm chí, để cải thiện có những hôm các con ăn phở, ăn bún ở bữa phụ”.

Anh Nguyễn Thế Chương, đại diện cho ban phụ huynh lớp 4A1.

Chị Tạ Thùy Nguyên, đại diện ban phụ huynh cho biết, qua một số lần kiểm tra, chị đều thấy chất lượng thực phẩm đảm bảo, thức ăn đúng như thực đơn. “Qua những lần kiểm tra tôi thấy khá yên tâm, qua mắt thường thấy tươi và ngon. Bữa ăn của các con là là điều chúng tôi rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các con. Chúng tôi đã đến tận nơi cũng cấp để kiểm tra”, chị Nguyên nói.

Anh Nguyễn Thế Chương, đại diện cho ban phụ huynh lớp 4A1 chia sẻ cảm giác lo lắng và hoang mang trước thông tin báo chí đăng tải về bữa ăn của học sinh. Theo anh Chương, năm nay, việc ăn bán trú ở trường đã có nhiều đổi mới. Phụ huynh được giám sát và theo dõi nguồn gốc sản phẩm như lò mổ ở Chương Mỹ và hợp tác xã rau ở Vân Nội.

Tác giả: Định Nguyễn

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP