Trong nước

Phó Chủ tịch xã trong chòi canh "cát tặc", thuyền vẫn hút cát lậu ầm ầm trên sông Gianh

Khi người dân ra bờ sông Gianh đã phát hiện chiếc thuyền ngang nhiên hút cát "lậu" bất chấp lệnh cấm của tỉnh Quảng Bình.

Chiếc thuyền UBND xã Văn Hóa đậu bên sông Gianh để giám sát "cát tặc"

Một vụ việc gây xôn xao dư luận vừa xảy ra trên sông Gianh, đoạn qua xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình - khi người dân địa phương phát hiện ông Đỗ Đình Quang - Phó Chủ tịch xã cùng ông Trần Văn Bình - Trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Văn Hóa có mặt tại chòi canh "cát tặc". Điều đáng nói, dù UBND xã đã lập chòi canh giám sát nhưng thuyền hút cát vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp lệnh cấm khai thác ban đêm của tỉnh Quảng Bình.

Theo lời kể của người dân thôn Trung Đình, xã Văn Hóa, rạng sáng 23-11, họ nghe thấy tiếng động lớn từ máy hút cát trên sông Gianh. Nghi ngờ có hoạt động khai thác trái phép trên khúc sông qua địa bàn xã, nhóm người dân đã tập hợp ra bờ sông và đến kiểm tra tại khu vực này.

Khoảng 4 giờ 20 sáng cùng ngày, người dân phát hiện có 2 chiếc thuyền lớn đang lén lút hút cát "lậu" tại khúc sông có tên là Bãi Giữa trên địa bàn thôn Phúc Tự, xã Văn Hóa.

Thấy có người dân soi đèn, 2 chiếc thuyền kia từ từ chạy vào bờ hướng về phía 2 bãi tập kết ở bên phía bờ đối diện thuộc địa bàn Cảnh Hóa. Nơi đây có 2 bãi tập kết được cấp phép của Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà và Công ty TNHH Miền Tây.

Người trong hình ảnh được người dân khẳng định là ông Trần Văn Bình - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Văn Hóa

Ông Đỗ Đình Quang tỏ ra lúng túng rời đi

Đáng chú ý, bên bờ sông Gianh, người dân thấy một chòi canh được UBND xã Văn Hóa dựng lên để giám sát hoạt động hút cát "lậu". Bất ngờ hơn, bên trong chòi là sự hiện diện của ông Đõ Đình Quang - Phó Chủ tịch xã và ông Trần Văn Bình - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Văn Hóa. Cùng đó là chiếc thuyền được trang bị neo chặt bên bờ sông.

Thời điểm phát hiện, cả 2 lãnh đạo vừa mới thức giấc. Người dân lập tức dùng điện thoại quay lại toàn bộ sự việc để làm bằng chứng. Theo video được cung cấp, ông Đỗ Đình Quang tỏ ra lúng túng khi bị người dân phát hiện đang ngủ, dù thuyền của "cát tặc" hoạt động cách đó không xa, ông này liền vội vã rời khỏi chòi canh trong khi người dân vẫn đang quay clip.

Đại tá Lương Ngọc Bích - nguyên cán bộ cao cấp quân đội đã về hưu - nhân chứng quay clip, cho biết: "Chúng tôi không hiểu vì sao thuyền hút cát có thể hoạt động công khai như vậy, dù có lệnh cấm từ tỉnh. Điều làm người dân thất vọng hơn là ngay chòi canh dựng lên có cả Phó Chủ tịch xã và Chỉ huy trưởng Trưởng Ban chỉ huy quân sự xã đang trực tại đó nhưng thuyền "cát tặc" vẫn vô tư hút là rất khó hiểu, gây bức xúc".

Theo Đại tá Bích, vụ việc đặt ra nghi vấn lớn về vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn "cát tặc", dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại địa phương trong thời gian qua.

Theo người dân xã Văn Hóa, vị trí mà 2 doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà và Công ty TNHH Miền Tây - được cấp mỏ cách điểm phát hiện chiếc thuyền hút cát "lậu" khoảng 3km. Nhưng lạ thay, 2 chiếc thuyền vẫn vô tư hút "cát lậu" trong phạm vi không được cấp phép, đe dọa sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại khu vực này.

Đây không phải lần đầu tiên người dân phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Gianh nhưng việc phát hiện một cán bộ có bên trong chòi canh mà thuyền hút cát vẫn ngang hiên hoạt động lén lút là điều khó hiểu, gây bức xúc. Người dân yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Để rộng đường dư luận, trong ngày 24-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều lần liên lạc với ông Trần Đức Hiến - Chủ tịch UBND xã Văn Hóa - để nắm thông tin chi tiết về vụ việc nhưng bất thành.

Trước đó, Báo Người Lao Động từng có nhiều bài viết phản ánh bức xúc trước tình trạng khai thác cát "lậu" trên sông Gianh qua các xã: Văn Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa… thuộc huyện Tuyên Hóa đã làm cho sông trở nên nguy hiểm. Đặc biệt ở cuối xã "rốn lũ" Văn Hóa nhiều đoạn sạt lở đã tiến gần sát vườn nhà dân, đe dọa cả những đoạn bờ sông đã được Nhà nước bỏ kinh phí lớn để xây dựng kè chống sạt lở.

Theo quy định UBND tỉnh Quảng Bình, các mỏ cát được cấp phép chỉ khai thác ban ngày (vào buổi sáng từ 6 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ), thứ 7 và chủ nhật không được khai thác. Quy định cấm khai thác cát vào ban đêm của tỉnh Quảng Bình được ban hành nhằm bảo vệ tài nguyên và môi trường, đồng thời ngăn chặn tình trạng sạt lở đất do khai thác bừa bãi.

Tuy nhiên, sự việc lần này cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác giám sát và thực thi pháp luật.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP