Formosa xả thải

Phó chủ tịch Hà Tĩnh: ‘Các đồng chí ngồi ngoài Hà Nội làm sao thẩm định 4 tỉnh’

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Sơn – Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh tại hội nghị báo cáo tiến độ triển khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ TNMT vào ngày 27/8, tại tỉnh UBND tỉnh TT. Huế.

Phó chủ tịch Hà Tĩnh: 'Các đồng chí ngồi ngoài Hà Nội làm sao thẩm định 4 tỉnh'

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị

Đề xuất 4 phương án đánh bắt cho ngư dân miền trung

 Tham dự hội nghị có sự tham gia của ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế; hội nghị còn có các ngư dân đến tham dự để lấy ý kiến về việc hỗ trợ cho các đối tượng này sau thảm họa Formosa.

Tại hội nghị đã có 4 phương án đánh bắt và khai thác thủy sản được đưa ra. Bao gồm, cấm ngư dân khai thác hải sản từ vùng biển 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Áng đến hết hòn Sơn Chà và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.

Phương án thứ 2 được thảo luận đó là cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm 3 vùng biển như Bộ TNMT đã khuyến cáo: cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương – Hà Tĩnh với diện tích 300 km2; vùng biển của Nhật Lệ của tỉnh Quảng Bình với diện tích 330 km2; vùng biển hòn Sơn Chà tỉnh TT. Huế với diện tích 160 km2 và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ.

Phương án thứ 3 cho phép ngư dân khai thác bình thường, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ, cấm hành nghề cá từng đáy từ 20 hải lý trở vào tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT. Huế.

Phương án cuối cùng được Bộ NN&PTNT đưa ra đó là cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác bình thường trên các vùng biển.

Tuy nhiên phương án thứ tư này lại bị “vướng” bởi lẽ Bộ TNMT chưa công bố môi trường biển hoàn toàn sạch và trở về bình thường, mặt khác bộ y tế lại chưa công bố hải sản sạch tại bốn tỉnh.

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng đưa những chính sách trong Đề án Xác định bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường để lấy ý kiến các tỉnh.  Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các chính sách xử lý nợ và hỗ trợ tiền lãi suất vay, hỗ trợ tiêu thụ thủy sản, hỗ trợ hoạt động du lịch…

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, kinh phí bồi thường của công ty Formosa và kinh phí trong ngân sách của nhà nước là hai khoản khác nhau. Toàn bộ kinh phí sẽ đến với ngư dân trong thời gian sớm nhất (khoảng cuối tháng 9). Trước đó Formosa đã bồi thường 500 triệu USD (tương đương khoảng 11.500 tỷ đồng) để bồi thường thiệt hại vì gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái biển.

“Các đồng chí ngồi ngoài Hà Nội mà lại thẩm định được 4 tỉnh”

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Ông Đặng Ngọc Sơn – Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, hội nghị lần này quá nhiều việc cần trao đổi và quá căng thẳng vì sự cố lần này là rất nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ. Chính vì vậy mà Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đề xuất rằng: “Tôi đề nghị không nên báo cáo mà nên tranh luận, cần có nhiều việc để thống nhất vì báo cáo lên trên mà không được thì lại gây sức ép cho các địa phương”.

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu tại Hội nghị

Trình bày ý kiến về việc thẩm định đánh giá thiệt hại của ngư dân ông Sơn cho rằng, các hội đồng thẩm định nên sát sao với bà con để nắm thiệt hại, xuống tận các làng, xóm để cùng sinh hoạt với người dân, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc.

“Hội đồng thẩm định của tỉnh rà soát lại hồ sơ ở các xã, huyện chuyển lên, cả hệ thống chính trị vào cuộc, trưởng ban chỉ đạo phải về tận thôn xóm sinh hoạt với cộng đồng, họp với người bị thiệt hại. Xin lỗi chứ các đồng chí ngồi ngoài Hà Nội mà lại thẩm định được 4 tỉnh tôi không nghĩ lại làm chuyện đó được”, ông Sơn đưa ý kiến.

Về tiền bồi thường, ông Sơn cho rằng: “Số tiền bồi thường nên giải quyết thỏa đáng đáp ứng nguyện vọng cho bà con, chứ các đồng chí nghiên cứu tốt đến mấy mà bà con thiếu 1 đồng mà chưa tìm được cách giải quyết thì còn kiện nhau mãi”.

Về việc thống nhất các phương án khai thác thủy sản, ông Lê Minh Ngân – Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình cho rằng việc đưa ra các phương án khai thác thủy sản không nên mang mục đích chính trị. Ông Ngân phát biểu rằng, việc sử dụng phương án nào phải dựa trên kết quả nghiên cứu của các bộ ngành chuyên môn chứ không thể tùy thuộc vào lựa chọn của các địa phương.

Các đại biểu là đại diện các sở ngành của các địa phương thì cho rằng, hiện vấn đề cá ăn được hay chưa vẫn chưa có câu trả lời nên việc lựa chọn một trong những phương án trên là rất khó. Bên cạnh đó, những bất cập trong việc triển khai thống kê thiệt hại sau sự cố Formosa cũng được lãnh đạo các tỉnh phản ánh tại hội nghị.

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết sẽ tiếp tục bổ sung ý kiến của đại diện các tỉnh, bổ sung các đối tượng được nhận bồi thường và hỗ trợ để báo cáo với thủ tướng chính phủ. Đồng thời giao cho tổng cục thủy sản giải thích từ ngữ, khái niệm về những đối tượng được hưởng bồi thường và hỗ trợ. Tiến hành thống kê thiệt hại, giải quyết các khúc mắc của các địa phương.  Về việc các địa phương đề nghị  tăng thêm thời gian để gởi mức bồi thường thiệt hại (xin thêm 5 ngày lên ngày 15/9 thay vì 10/9), Thứ trưởng Tám cho biết sẽ báo cáo về việc  này Bộ sẽ báo cáo xin phép Phó thủ tướng.

Trao đổi riêng với PV báo PLVN về việc chưa có phương án chung nhất để khai thác thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết trong 4 phương án nói trên chỉ là những biện pháp để thảo luận. Phương án cuối cùng do Bộ NN&PTNT đưa ra trên cơ sở chắc lọc 4 phương án nói trên.

Tiến Duy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP