Truyện Cười

Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: “Hai Bà Trưng làm gì có họ”

Lùi thời điểm tổ chức “sinh nhật” cho Hai Bà Trưng sang năm 2015

Ông Phan Đăng Long cho rằng, thời Hai Bà thì làm gì có họ; và Hà Nội tạm hoãn tổ chức sinh nhật hai bà đến sang năm, chứ không phải thôi không làm nữa.

Theo dự tính của Sở VH-TT-DL Hà Nội, từ ngày 22-24/8 tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng với các hoạt động như: chương trình nghệ thuật 2.000 năm vương nữ đất rồng, hội thảo phát huy truyền thống Hai Bà Trưng trong xây dựng và bảo vệ đất nước, các hội thi trình diễn nghề thủ công truyền thống, các hội trại, hội chợ, lễ mít tinh kèm lễ dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng với lãnh đạo thành phố đọc diễn văn kỷ niệm…

Ngay khi đề xuất tổ chức kỷ niệm sinh nhật cho Hai Bà Trưng được đưa ra, trong dư luận đã xuất hiện tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội sẽ lãng phí tiền của khi tổ chức một sự kiện không có tính xác thực về mặt lịch sử.

Trước phản ứng từ dư luận, trong cuộc giao ban báo chí chiều ngày 19/8 tại Hà Nội, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội cho biết, kế hoạch tổ chức kỷ niệm sinh nhật cho Hai Bà Trưng đã được tạm hoãn.

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội. Ảnh VIẾT CƯỜNG

Theo ông Long, đề xuất tổ chức sinh nhật cho Hai Bà Trưng xuất phát từ đề nghị của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Ông Long nói: “Mới đây Hội Liên hiệp Phụ nữ có đến thắp hương tại đền Hai Bà Trưng. Trong hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt có mô tả hiện trạng của di tích cũng như các di tích thần phả, truyền thuyết, dã sử liên quan đến di tích.

Trong hồ sơ đó, ông Phan Kế Bính (một nhà báo, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20- PV) có viết rằng, Hai Bà Trưng tức Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, sinh ngày mùng 1 tháng 8 năm 14 và mất ngày mùng 8 tháng 3 năm 43”.

Trên cơ sở này, Hội Phụ nữ Việt Nam có đề nghị với huyện Mê Linh, năm nay huyện tổ chức đón bằng di tích lịch sử quốc gia thì nên kết hợp kỷ niệm luôn 2000 năm ngày sinh của hai bà.

“Chủ trương của Thành phố Hà Nội là nhất trí cho địa phương tổ chức lễ đón bằng công nhận là di tích quốc gia. Nhưng còn kỷ niệm ngày sinh của Hai Bà Trưng thì còn xem xét.

Sau khi cân nhắc lại, một số người có trách nhiệm cho rằng Hai Bà Trưng khởi nghĩa vào năm 40, sang năm 2015 sẽ là năm chẵn, khi đó tổ chức kết hợp cho đỡ tốn kém.

Do đó, thành phố Hà Nội chỉ đạo thôi không tổ chức đón bằng công nhận di tích lịch sử và kỷ niệm ngày sinh của hai bà nữa mà để sang năm 2015 tổ chức một thể” – ông Long cho biết.

Nói thêm về nội dung này, ông Long cho rằng truyền thuyết, thần tích, thần phả, dã sử… là văn hóa dân gian. Do đó, ngày sinh, ngày mất của các nhân vật cũng không có tính xác thực.

Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh đã là văn dân gian thì chúng ta không nên đòi hỏi quá cao sự chính xác của các con số, số liệu.

“Ngay như tên Trưng Trắc, Trưng Nhị cũng là do dân gian đặt ra chứ thời của Hai Bà Trưng làm gì đã có họ. Hai bà không có họ nhưng chúng ta vẫn gọi là Trưng Trắc, Trưng Nhị, lí do vì dân gian gọi thế nên chúng ta chấp nhận để có danh tính tôn vinh hai vị nữ anh hùng” – ông Phan Đăng Long lí giải.

Từ đâu có tên Trứng Trắc, Trưng Nhị?

Chuyện họ của Hai Bà Trưng thì rất nhiều người không hề hay biết. Ngay cả với giáo viên, khi học sinh hỏi đến họ của hai bà, không ít thầy cô vẫn thường ú ớ cho rằng là họ Hai, họ Bà và có người còn nói là họ Triệu…

Tái hiện cảnh Hai Bà Trưng ra trận tại một lễ hội ở Huế

Bàn về họ của Hai Bà Trưng, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Phạm Quốc Sử – nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội và hiện đang công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng: “Năm 40 đầu thế kỷ nước chúng ta chưa có đặt họ mà con cái theo dòng mẹ, dòng ngoại. Cho nên Hai Bà Trưng theo họ Hùng bởi Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị vốn là dòng vua Hùng”.

Lí giải việc tại sao ta vẫn tạm coi Hai Bà Trưng họ Hùng, theo PGS.TS Phạm Quốc Sử lúc đó chúng ta vẫn theo dòng vua Hùng bởi thời này dấu ấn của chế độ mẫu hệ vẫn còn rất rõ rệt nên dòng là theo dòng bên ngoại. Dòng theo phụ hệ chưa rõ.

Đến khoảng thế kỷ thứ 3 chúng ta học người Trung Hoa cách đặt tên họ rồi mới ra họ Phạm, họ Lê, họ Trần…

Cũng theo PGS.TS Phạm Quốc Sử, Bà Trưng không phải tên là Trưng. Ông lí giải: “Các nhà dân tộc học cho rằng từ Trưng là từ “trứng” mà ra. Trứng chắc là loại trứng tốt, trứng nhị ở đây là “nhì” bởi ngày xưa bộ tộc thường hay phân biệt trứng loại A, loại B như ngày này chúng ta vẫn phân biệt. Do đó tên Trứng chắc và Trứng nhì ra tên Trưng Trắc và Trưng Nhị”.

PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng, tên của hai bà được ghi vào sử sách cho đến ngày hôm này là cả một quá trình biến đổi của đời sống ngôn ngữ dân gian.

Cũng bàn về họ của Hai Bà Trưng, theo PGS Nguyễn Khắc Thuần trong sách Danh tướng Việt Nam, thời (gian) đầu công nguyên, người Việt “chưa có họ”. Tên Trần Thị Đoan của mẹ hai bà chỉ là tên thần phả đặt sau này, khoảng thế kỷ 17, 18. Cả tên Man Thiện, theo giáo sư Thuần, nghĩa là “người Man tốt”, có thể do người Hán gọi. Tên của ông Thi Sách, theo một số tư liệu Trung Quốc được xác định: chồng bà Trưng Trắc tên là Thi.

Còn tên của hai bà, có nguồn gốc từ nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, tương tự như cách đặt tên theo các loài cá của các vua nhà Trần sau này vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là “kén chắc”, tổ kén kém hơn gọi là “kén nhì”; trứng ngài tốt gọi là “trứng chắc”, trứng ngài kém hơn gọi là “trứng nhì”. Do đó, theo sách Danh tướng Việt Nam, tên hai bà vốn rất giản dị là Trứng Chắc và Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP