Đến khu vực Thới Thuận A, hỏi thăm gia đình bà ba trầu thì ai cũng biết. Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Dương Thị Thúy (Ba Trầu, 48 tuổi) cho biết, trước đây, lúc còn con gái bà cũng ăn cơm bình thường, mỗi bữa ăn được 2 – 3 chén cơm. Nhưng sau khi lấy chồng, đến năm 26 tuổi thì bà bỗng cảm thấy “sợ cơm”, ăn vào là có cảm giác khó chịu, buồn nôn, nặng người. “Cả ngày không hề biết đói, không hề biết thèm cơm. Riết rồi không muốn ăn nữa, mình không thèm thì có ăn cũng không ngon”, bà Thúy giải thích.
Điều mà khiến cho mọi người cảm thấy lạ là không chỉ bà Thúy, mà con gái bà là chị Nguyễn Thị Hường (26 tuổi), cách đây 5 năm cũng mắc phải chứng bệnh “sợ cơm”. Mặc dù, đang làm công nhân cho một công ty ở Trà Nóc, quận Ô Môn (Cần Thơ), thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, thậm chí từ 10 – 12 tiếng những lúc tăng ca. Tuy vậy, bữa ăn của Hường cũng chỉ là trái bắp, cái kẹo, miếng bánh,…
Bà Thúy cho biết, đến nay đã 22 năm trong bữa ăn của bà Thúy không hề có cơm, thịt, cá, đồ mặn, nhưng bà vẫn sống khỏe mạnh, lao động bình thường. Thực đơn hàng ngày của bà và con gái chỉ gói gọn trong vài lá trầu, trái bắp, miếng dưa hấu, miếng tàu hủ, rau sống,… “Nhiều người khuyên hai mẹ con tôi đi bác sĩ xem sao, nhưng do mình thấy bình thường nên thôi”, bà Thúy chia sẻ.
Bà Mai Thị Nguyệt (73 tuổi), mẹ bà Thúy cho biết: “Lúc nhỏ, nó (bà Thúy) cũng lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi lấy chồng và có con cũng là lúc có biểu hiện “sợ cơm” và kéo dài cho đến tận bây giờ. Lúc đầu, thấy nó không ăn cơm nữa, mình cũng lo cho con lắm, nhưng thấy nó vẫn khỏe mạnh bình thường nên dần cũng không quan tâm đến nữa”.
Hơn 20 năm không ăn cơm vẫn sống khỏe
Bà Thúy cho biết, trước đó vào thời điểm còn ăn cơm bình thường thì bà có cân nặng khoảng 45 – 46kg, nhưng đặc biệt là từ khi không ăn cơm nữa, bà Thúy lại tăng lên đến 52kg. Dù không ăn cơm, cá, thịt,…nhưng lạ hơn là không phải ngày nào bà Thúy và con cũng ăn vặt mà có khi đến vài ngày thì mới ăn.
Một người hàng xóm của bà Thúy cho biết, có những lúc đi làm thuê, cấy lúa mướn từ huyện này, đến huyện khác, đến bữa cơm trưa, mọi người mang cơm ra ăn, thì bà Thúy lại tìm hái trái xoài sống để ăn. Những người đi làm mướn chung có ý định mời bà ăn cơm, nhưng bà Thúy nói không thấy đói, tôi ăn vặt cho “vui miệng” thôi chứ tôi không ăn cơm từ lâu rồi”.
Bà Thúy cho biết thêm, từ khi chán cơm bà lại thèm trầu. “Ăn trầu vào thấy người khỏe ra. Dần sau, đi đâu tôi cũng nhai trầu suốt nên bây giờ ở xóm này người ta gọi tôi là bà Ba Trầu”, Bà Thúy nói.
Liên quan đến hiện tượng lạ này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một bác sĩ đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm về bệnh tiêu hóa ở ĐBSCL, vị bác này cho biết : Theo quy luật cuộc sống, con người muốn bảo đảm sinh tồn và duy trì hoạt động hàng ngày thì năng lượng nhận vào phải nhiều hơn nặng lượng tiêu hao. Để giải thích hiện tượng “lạ” này chúng ta phải có chuyên gia về dinh dưỡng theo dõi thức ăn, đồ uống, trái cây…của người này sử dụng hàng ngày, để tính ra năng lượng thu nhận (tính bằng calorie)/ngày, đồng thời tính năng lượng tiêu hao qua các hoạt động (tính bằng Calorie)/ngày, cộng với năng lượng chuyển hóa cơ bản.
“Nếu số năng lượng thu nhận vào ít hơn nhiều số năng lượng tiêu hao mà người này vẫn duy trì được cuộc sống bình thường như nhà báo nêu thì mới gọi là « hiện tượng kỳ lạ », lúc đó cần có các chuyên gia nghiên cứu cụ thể để trả lời dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể. Nếu năng lượng thu nhận vào bằng năng lượng tiêu hao của người này là chuyện bình thường”, vị bác sĩ này cho biết.
Phạm Tâm – Nguyễn Trần