Truyền thống - Phát triển

Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương Cẩm Xuyên

68 năm trước, trong cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh giành được chính quyền về tay nhân dân

Và trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước hôm nay, truyền thống cách mạng và khí thế hào hùng đó vẫn còn vẹn nguyên, trở thành nền tảng cho các phong trào thi đua yêu nước của huyện.


90 năm tuổi đời, 67 năm tuổi Đảng, đôi tai không còn tỏ nhưng bù lại cụ Lê Quang A ở thôn 11, xã Cẩm Quan vẫn hết sức minh mẫn. Cụ còn nhớ tường tận, từng chi tiết và đã kể lại cho chúng tôi nghe toàn bộ câu chuyện cách đây 68 năm khi cụ A và nhân dân địa phương nổi dậy giành chính quyền. Ngày đó, với vai trò là cán bộ Việt Minh của Tổng Mỹ Duệ phụ trách 16 xã, thôn của huyện Cẩm Xuyên bao gồm Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ và Cẩm Quan, sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Việt Minh, cụ Lê Quang A cùng cán bộ Việt Minh Tổng Mỹ Duệ đã đứng ra tập hợp, vận động và lãnh đạo nhân dân mang theo băng cờ, biểu ngử, dao mác, gậy gộc kéo xuống trung tâm huyện lỵ để cùng nhân dân các tổng khác đấu trang giành chính quyền. Với khí thế hừng hực của những người yêu nước, trong ngày 17 tháng 8, chính quyền đã về tay nhân dân và ngay sau đó, cụ Lê Quang A được bầu là chủ tịch đầu tiên của xã Tam Quan, hiện nay là xã Cẩm Quan. Là người đã chứng kiến sự khổ đau, nghèo đói của nhân dân thời chiến tranh loạn lạc nên cụ A hiểu hơn hết giá trị của độc lập, tự do. Từ đó đến nay, vẫn sinh sống làm việc trên mảnh đất này, hàng ngày, không vẫn tìm hiểu qua sách báo những đường lối, chính sách đang được triển khai tại cơ sở và cụ Lê Quang A hết sức phấn khởi vì sự đổi mới của quê hương, đất nước. Cụ đã động viên và khích lệ con cháu tăng gia sản xuất và trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Cụ Lê Quang A bày tỏ: “Trước đây ăn khoai ăn sắn trừ bữa nhưng bây giờ thì cuộc sống đã khấm khá, sung túc, nhà cao cửa rộng, khang trang, con cái được học hành, được vào các trường cao đẳng, đại học, kinh tế xã hội phát triển về mọi mặt. Phong trào xây dựng nông thôn mới làm cho đường làng ngõ xóm được sạch sẽ, điện-đường-trường-trạm đều đầy đủ, hiện đại”


Lúc đó chỉ mới là một thanh niên16, 17 tuổi, không có vai trò, không chịu trách nhiệm đứng ra tập hợp vận động nhân dân như cụ Lê Quang A nhưng cụ Phan Nhân, 84 tuổi ở thôn 15, xã Cẩm Hưng là người đã tham gia hết sức tích cực trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Cẩm Hưng – nơi có bí thư huyện ủy đầu tiên Nguyễn Đình Liễn và là quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập nên trong thời điểm lúc bầy giờ, cụ Nhân và những người dân nơi đây ban ngày thì lao động sản xuất, đêm xuống lại tập hợp nhau tập luyện cho ngày giành chính quyền. Với sự tự giác đó nên ngay khi nhận được lệnh tổng khởi nghĩa cụ Nhân và những người dân nơi đây trở thành lực lượng đầu tiên có mặt tại huyện mang theo băng cờ, khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh” để giành chính quyền. Với không khí đó ngày 17 tháng 8 năm 1945 huyện Cẩm Xuyên đã giành được chính quyền về tay nhân dân, đây là một trong những huyện giành được chính quyền sớm nhất trong tĩnh. Sau đó ban khởi nghĩa chọn những người khỏe mạnh cũng dao mác, gậy gộc kéo ra Hà Tĩnh để cùng với nhân dân ở các huyện bạn giành chính quyền ở tỉnh.


Không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước vì ngày mai tươi sáng hơn, đàng hoàng hơn đã trở thành đức tính, thành phẩm chất tốt đep của những người con trên quê hương Cẩm Xuyên. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Xuyên đã tiếp tục phất cao ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng góp sức cùng cả nước cung cấp đầy đủ quân, lương cho hai cuộc kháng chiến trường chinh chống giặc của dân tộc. Đáp lời kêu gọi của đất nước huyện Cẩm Xuyên đã tiễn hơn 3 vạn con em lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong số đó đã có hơn 3 ngàn người đã anh dũng hy sinh. Trong sự nghiệp đổi mới, huyện Cẩm Xuyên đã đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi phát triển ngành nghề dịch vụ thương mại du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 10%. Hàng năm, thu hút hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn. Gần 3 năm qua, huyện Cẩm Xuyên tập trung cao cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đã nhận được sự tin tưởng, đồng lòng của nhân dân. 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện huy động gần 80 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Và phong trào đang tiếp tục được phát triển mạnh mẽ tại các địa phương trong huyện. Ông Chu Văn Chinh – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng khẳng định: “Trên nền tảng của truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các chương trình, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội và đã nhận được sự hưởng ứng hết sức tích cực của nhân dân. Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân, nhiều gia đình đã đóng góp hàng chục triệu đồng cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng và nhanh nhạy trong việc nắm bắt các ứng dụng KHKT, đưa giống mới vào sản xuất. Chính điều đó đã góp phần quan trọng triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về với địa phương để bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc đi lên”


68 năm kể từ ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã qua đi nhưng với người dân Cẩm Xuyên niềm tự hào về việc đồng sức đồng lòng theo cách mạng, theo Đảng vẫn là câu chuyện được nối tiếp, được truyền lại cho đến ngày nay và mãi mãi mai sau. Với truyền thống cách mạng vẻ vang của mình – Anh hùng trong chiến đấu, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất. Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Xuyên sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đó để viết tiếp trang sử mới trên hương cố tổng bí thư Hà Huy Tập.


Nguyễn Tâm – Hồng Phượng – Ngọc Long

Cẩm Xuyên

  Từ khóa: Truyền thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP