Thời gian qua, tình trạng lạm thu tại các trường thường xuyên xảy ra, có nơi đã trở thành điểm nóng, phụ huynh học sinh thì phản ứng dữ dội, báo chí thì tốn nhiều giấy mực để viết về chủ đề này. Liên tiếp các cuộc thanh tra, kiểm tra tình trạng lạm thu tại các trường được thực hiện, nhiều hiệu trưởng bị đình chỉ công tác, có trường hợp bị xử lý kỷ luật vì liên quan đến tình trạng lạm thu.
Tình trạng lạm thu đã và đang gây ra hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục. Theo tôi, lạm thu thường xảy ra ở những trường có chất lượng cao, ở đô thị, trường điểm, trường chuyên…, bởi vì yêu cầu và nhiệm vụ tại các trường này là phải nâng cao chất lượng giáo dục so với các trường khác. Do đó, việc phát sinh nhưng khoản thu để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục là không thể tránh khỏi. Nhưng xét ở góc độ nào đó, thì việc lạm thu cũng xuất phát từ việc trang bị các điều kiện, cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ hoạt động dạy học được tốt hơn. Nhưng một số trường chưa thực hiện tốt việc công khai, minh bạch đối với các khoản thu, chưa thực hiện tốt việc phát huy dân chủ trong việc phối hợp với phụ huynh học sinh được tham gia thảo luận, góp ý đối với các khoản thu.
Bên cạnh đó, việc thu những khoản đóng góp tự nguyện thì phải để phụ huynh tự nguyện không nên yêu cầu hoặc bắt buộc phụ huynh phải đóng góp mức tối thiểu hoặc tối đa; nhiều khoản thu tự nguyện đều do ban đại diện phụ huynh của lớp thống nhất từ trước và thông báo với toàn thể phụ huynh, nhiều phụ huynh chưa kịp có ý kiến thì đã biểu quyết thông qua… Do đó, đây cũng là một trong những lý do gây ra sự bức xúc của phụ huynh đối với khoản thu của nhà trường.
Ngoài ra, một số nhà trường tự đặt ra một số khoản thu không phục vụ nhu cầu trực tiếp của học sinh như thu kinh phí để mua máy tính xách tay cho giáo viên chủ nhiệm; để xây dựng, sửa chữa trường lớp hoặc để giáo viên đi tham quan, du lịch… Trong khi đó, những khoản kinh phí phục vụ cho những việc này phải do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Phụ huynh phản đối việc lạm thu của nhà trường là việc làm chính đáng để đảm bảo các khoản thu của nhà trường phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của phụ huynh, đồng thời những khoản thu đó phải phục vụ trực tiếp nhu cầu học tập của học sinh. Mặt khác, khi phát sinh những khoản thu đầu năm, nhiều trường chưa tổ chức công khai rộng rãi, nhiều phụ huynh thiếu thông tin dẫn đến nghi ngờ là không thể tránh khỏi.
Do đó, các trường cần phải tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh. Cần phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc thu các khoản đóng góp tự nguyện; khi thu phải xét đến điều kiện, hoàn cảnh của từng phụ huynh học sinh không nên cào bằng các khoản thu và quan trọng là hãy để phụ huynh đóng góp tự nguyện theo đúng bản chất của nó, tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh như thời gian qua.
Tác giả: Đỗ Văn Nhân (Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)
Nguồn tin: Báo Dân trí