Di tích - Thắng cảnh

Phát hiện La bàn cổ thời Nguyễn tại huyện Cẩm Xuyên

Vừa qua, trong quá trình kiểm kê di tích phòng Quản lý di sản đã phát hiện một chiếc la bàn cổ tại một gia đình thuộc xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên.

Chiếc la bàn có niên đại thời Nguyễn (khoảng 150 năm), làm bằng gỗ quý, sơn màu đen có đường kính 15 cm, kỹ thuật chế tác khá tinh xảo, đạt trình độ thẩm mỹ cao, hiện nay vẫn còn công năng sử dụng. Các chi tiết như kim, phương vị, nắp kính còn nguyên vẹn, bao quanh là đường viền được sơn son thiếp vàng. Tiếp đến là các vòng tròn đồng tâm, vòng trong cùng có biểu tượng của 8 cung bát quái; vòng 2 có các điểm chấm; vòng 3 là các ký tự biểu hiện 10 can và 12 chi; vòng 4 khắc hoạ 12 con giáp, các vòng ngoài đã bị mờ nên không rõ nội dung. Các ký tự thể hiện trên la bàn được viết bằng chữ Hán cổ. Đến nay, chiếc la bàn còn khá nguyên vẹn nhưng bề mặt đã ít nhiều bị mai một bởi thời gian.

Theo các nhà nghiên cứu, chiếc la bàn này dùng để xác định phương vị tìm thế đất, mạch nước để lập cư hay nơi táng mộ và thường được gọi là la bàn phong thủy hay la bàn bát quái.

Võ Đình Thi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP