Trong đợt khai quật vừa qua, các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện xương loài tê giác châu Á có tên khoa học là Rhinoceros sondaicus, niên đại cách ngày nay 4.000 – 5.000 năm tại Di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc (Thạch Hà – Hà Tĩnh).
Di cốt của loài tê giác châu Á bao gồm hai chiếc răng, một đốt xương bàn giữa của chân sau.
Cả hai chiếc răng đều được tìm thấy ở hố H1, lớp thứ tư, là răng hàm đã bị vỡ một nửa, bề mặt có màu trắng ngà, phần chân răng màu trắng xám.
Kích thước một chiếc dài 6,5cm, rộng 4,1cm, bị sứt mẻ một phần chân răng. Chiếc còn lại dài 4,7cm, rộng 4,8cm, một phần răng bị gãy. 2 chiếc răng này ở một mặt bên có viền ngăn cách phần trên và phần dưới.
Đốt xương bàn chân tìm thấy tại hố H3, lớp thứ tư, màu trắng xám, bị vỡ làm ba mảnh, bề mặt có chấm rỗ, sau khi gắn lại có chiều dài 26cm, chiều rộng 7,5cm, chiều dày 3cm.
Di cốt tê giác châu Á được tìm thấy ở hai hố khai quật H1 và H3, cách nhau 5m, nằm xen kẽ trong tầng văn hóa dày có lớp đất đen trộn lẫn với sò, điệp, công cụ lao động bằng đá, đá sa thạch làm nguyên liệu, mảnh gốm và xương các loài động vật.
Điều này cho thấy, tê giác là động vật dùng làm thức ăn cho người Thạch Lạc cổ bên cạnh các loài động vật khác như: hươu, nai, rùa, chim, lợn rừng…
Được biết, tê giác là loài động vật kích thước lớn, thị giác kém phát triển, trên mũi có sừng. Sừng do lớp biểu bì tạo thành nên không gắn liền với xương sọ mà gắn liền với lớp biểu bì của da. Da dày cứng với nhiều nếp gấp chia nhỏ bề mặt da thành nhiều mảnh. Chân to, bàn chân ba ngón với móng guốc hình bán nguyệt. Thức ăn tê giác là củ, quả, rễ cây, cành lá cây nhỏ.
Tê giác sống đơn độc trong rừng già ở những nơi sâu kín. Nơi ở thường gần các sình lầy ẩm ướt, thích ngâm mình trong bùn nước.
Việc phát hiện di cốt tê giác tại Thạch Lạc cho thấy cách ngày nay 4.000 – 5.000 năm nơi đây rừng rậm bao phủ. Con người Thạch Lạc cổ đã đủ khả năng, đủ sức săn bắt những động vật có kích thước lớn làm thức ăn.
Theo baohatinh.vn