Người đương thời

Phan Thư Hiền: Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, kịch tác gia

Nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, kịch tác gia Phan Thư Hiền, sinh năm 1959, quê quán xã Đức Xá – huyện Đức Thọ – Hà Tĩnh. Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã nghỉ hưu, hiện là Ủy viên BTV Hội liên hiệp VHNT, Chi hội trưởng Hội Di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh.

hatinh24h
Nhà ngiên cứu văn nghệ dân gian, kịch tác gia Phan Thư Hiền
Sinh ngày 9/5/1959
– Quê quán: Xã Đức Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
– Trú quán: Số nhà 24, ngõ 5, đường Hải Thượng Lãn Ông, Tổ dân phố 12, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh.
– Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội hệ chính quy, khóa 1977 -1981.
– Nghề nghiệp: Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh. Hiện nay là Ủy viên BTV Hội liên hiệp VHNT, Chi hội trưởng Hội Di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh.
– Tham gia các tổ chức: Hội viên Hội Di dản văn hóa Việt Nam (2010); Hội viên Hội Nghệ  sỹ Sân khấu Việt Nam (2003); Hội viên Hội văn nghệ dân gian VN (2009); Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh (1995).
– Điện thoại liên lạc: 0945299407. Email: [email protected]

* Một số thành tích, giải thưởng đạt được:

– Thành tích: Huân chương Lao động hạng ba, Bằng khen Thủ tướng chính phủ; Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2000 và Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh năm 2010, 2013; trên 40 Bằng khen, Giấy khen các loại.
– Giải thưởng trong lao động và sáng tạo Văn học nghệ thuật: Huy chương Vàng “Mùa hoa phượng” (đồng tác giả với Quỳnh Hoa); giải nhất Liên hoan Sân khấu không chuyên quốc (“Hãy mau tỉnh ngộ”) và toàn tỉnh (“Chuyện tình năm Sửu”);  02 giải C – giải thưởng VHNT Nguyễn Du với chùm kịch ngắn (1995) và “Giai thoại Nguyễn Công Trứ”, 2000);
– Các kỷ niệm chương:  Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, VSN Văn hóa Thể thao và Du lịch; VSN Khoa học công nghệ; VSN Mỹ thuật; VSN Âm nhạc…

 * Các công trình đã công bố:
– Các công trình khoa học về điều tra, sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian cấp Bộ, tỉnh: “Sinh hoạt dân ca Ví Giặm ở Cân Lộc” (1998); “ Ca trù Hà Tĩnh” (2009); “Hò Chèo cạn Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên” (2001); Hát sắc bùa Kỳ Anh (2005); “Bảo tồn các không gian diễn xướng làng Tiên Điền (2010)…
– Hàng trăm bài viết đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương

* Các đầu sách đã xuất bản:
“Chế thắng phu nhân Nguyễn Bích Châu” (NXB VHTT, 2001); “Tám vị Thánh mẫu ở Hà Tĩnh”( Đồng tác giả với Bích Ngọc – NXB VHTT 2003); “Nối lối Yên Huy” (Đồng tác giả với Kim Khánh – NXB Văn hóa dân tộc, 2004);“Báu vật của muôn đời” (NXB Sân khấu, 2005) , “Nguyễn Công Trứ với hát Ca trù” (NXB VHTT, 2007), “Giai thoại Nguyễn Công Trứ”, (NXB VHTT, 2009), “Giai thoại về các bậc tiền nhân mê hát Ca trù” (Đồng tác giả với Phan Hồng Lam, NXB VHTT 2010), “Nguyễn Du và những mối tình dang dở” (Đồng tác giả với Nguyễn Thị Thân, NXB VHTT 2011); “Danh tướng Lê Khôi với quê hương Hà Tĩnh” (Đồng tác giả với Thúy Hằng – NXB Văn hóa dân tộc, 2010); “Văn nghệ dân gian làng Tiên Điền” ;“Ca trù Hà Tĩnh trong nôi Ca trù người Việt” (NXB Nghệ An, 2014)…

Người đi tìm “Báu vật của muôn đời”
May mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động văn học nghệ thuật (cha là kịch tác gia, anh chị là giáo viên âm nhạc Trường Văn hóa Nghệ thuật; em trai là chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật), Phan Thư Hiền tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa Hà Nội năm 1981, về công tác tại ngành văn hóa Hà Tĩnh – một địa phương giàu vốn văn hóa văn nghệ dân gian, chị dành nhiều thời gian ngoài công tác quản lý cho hoạt động sáng tạo văn hóa – văn nghệ. Chịu khó sục sạo khắp chợ cùng quê góp nhặt lời ăn tiếng nói, câu ca, chuyện kể trong dân gian để làm giàu vốn hiểu biết cho kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian, mà đối với chị, đó là “Báu vật của muôn đời”. Chị nâng niu từng chút giá trị ấy và cố gắng trả lại nó cho đông đảo nhân dân lao động bằng cách biên soạn những tập sách mang tính sưu tầm hoặc khảo luận, và bằng cả những sáng tác văn học nghệ thuật nữa.
Về vùng Yên Lộc (Can Lộc), Phan Thư Hiền phát hiện ở đây có một “đặc sản” phi vật thể là nói lối, một thể loại thuộc văn nghệ dân gian. Ở đây, không biết từ bao giờ, cả làng đều nói lối, nam cũng như nữ, trẻ cũng như già. Nói lối đã trở thành thói quen, tập quán trong lao động, trong sinh hoạt chòm xóm thường ngày với đủ mọi tình huống trong cuộc sống. Cùng với Tạ Văn Khánh, Phan Thư Hiền bỏ công “ba cùng” với bà con nông dân nơi này, sưu tầm được gần 300 mẩu thoại nói lối, các giai thoại về nói lối rồi biên soạn thành tác phẩm Nói lối Yên Huy, ấn hành tại Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.
Ði sâu vào các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, Phan Thư Hiền lại phát hiện thêm những di sản tinh thần quý giá của cha ông đang tản mát trong dân gian, hoặc đọng lại nơi đền phủ, đình chùa, miếu mạo… Chị lại dày công sưu tầm, hệ thống hóa, biên soạn thành sách. Với tác phẩm Chế Thắng phu nhân(NXB Văn hóa – Thông tin), Phan Thư Hiền đã giới thiệu với bạn đọc một nữ danh nhân thời Trần là bà Nguyễn Thị Bích Châu. Và dựng nên bức chân dung khá sinh động về bà Nguyễn Thị Bích Châu, một cung phi của vua Trần Duệ Tông, người phụ nữ đã nêu cao tấm gương hy sinh thân mình cho sự nghiệp lớn của đất nước, đồng thời giới thiệu trọn vẹn tác phẩm Kê minh tập sách của nhân vật giàu chất huyền thoại này. Phan Thư Hiền đã giúp người đọc cả nước hiểu biết một cách khá toàn diện về một nhân vật lịch sử đáng trân trọng, nhưng ít được chính sử thời phong kiến đề cập.
Với mảng văn hóa tâm linh, Phan Thư Hiền cùng với Nguyễn Bích Ngọc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn tác phẩm Tám vị Thánh mẫu ở Hà Tĩnh (NXB Văn hóa – Thông tin). Với lối tiếp cận riêng: mang nét đặc thù của từng vùng, miền.
Có thể nói nội dung, lĩnh vực mà chị tâm huyết nhất là sưu tầm và khảo cứu văn nghệ dân gian. Chị là một trong những người tham gia tích cực trong việc lập hồ sơ khoa học đệ trình UNECO công nhận 02 di sản tiêu biểu của Hà Tĩnh (Ca trù và dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để quảng bá cho bản sắc văn hóa quê hương, chị đã bỏ nhiều công sức và trí tuệ để hoàn thành các công trình “Chế thắng phu nhân Nguyễn Bích Châu” (NXB VHTT, 2001); “Tám vị Thánh mẫu ở Hà Tĩnh”(Đồng tác giả với Bích Ngọc – NXB VHTT 2003); “Nối lối Yên Huy” (Đồng tác giả với Kim Khánh – NXB Văn hóa dân tộc, 2004);“Nguyễn Công Trứ với hát Ca trù” (NXB VHTT, 2007), “Giai thoại Nguyễn Công Trứ”, (NXB VHTT, 2009), “Giai thoại về các bậc tiền nhân mê hát Ca trù” (Đồng tác giả với Phan Hồng Lam, NXB VHTT 2010), “Nguyễn Du và những mối tình dang dở” (Đồng tác giả với Nguyễn Thị Thân, NXB VHTT 2011); “Danh tướng Lê Khôi với quê hương Hà Tĩnh” (Đồng tác giả với Thúy Hằng – NXB Văn hóa dân tộc, 2010); “Văn nghệ dân gian làng Tiên Điền” ;“Ca trù Hà Tĩnh trong nôi Ca trù người Việt” (NXB Nghệ An, 2014)… Những công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn của Phan Thư Hiền đã tỏa sáng tấm lòng trân trọng của chị với di sản văn hóa tinh thần của quê hương.
Bên cạnh các công trình sưu tầm, khảo cứu kể trên, năm 2005, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã tài trợ cho hội viên kịch tác gia trẻ Phan Thư Hiền xuất bản Tuyển tập kịch ngắn Báu vật của muôn đời (NXB Sân khấu). Đây là tập sách  tập hợp các vở kịch ngắn mà chị sáng tác suốt từ năm 1984 đến nay đã được công diễn và nhận được nhiều giải thưởng của trung ương, của địa phương. Nội dung tập sách giúp chúng ta hiểu hơn về chị. Ở đây, Phan Thư Hiền đã thể hiện rõ mối quan tâm công dân và nghề nghiệp của mình trước một hiện thực cuộc sống đan xen phức tạp giữa tư tưởng cũ – mới, xấu – tốt, thiện – ác. Chị mổ xẻ các mâu thuẫn trong địa hạt quản lý văn hóa, qua đó khẳng định ý thức trân trọng, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống trước sự mai một của nó (Màn kịch chiều cuối năm, Báu vật của muôn đời, Bài ca hạnh phúc). Chị cũng có khá nhiều vở kịch trong đó đầy rẫy những mâu thuẫn giữa cái tiến bộ và lạc hậu, bảo thủ, và được giải quyết theo hướng giàu tính nhân bản, đề cập nhiều mảng của đời sống đang vận động của những năm gần đây (Hãy mau tỉnh ngộ, Chuyện tình năm Sửu)…
Gần ba mươi lăm năm hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Phan Thư Hiền đã đóng góp nhiều công sức và trí tuệ để bảo tồn, phát huy giá trị quý báu của cha ông, chị vinh dự được chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba cùng với hai lần đạt giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Du và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nay mặc dù chị đã thôi giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để về nghỉ chế độ bảo hiểm, nhưng chị vẫn sẵn sàng cáng đáng nhiệm vụ làm Chi Hội trưởng Chi Hội Di sản Văn hóa; Chi Hội trưởng Chi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh và chị lại tiếp tục miệt mài trên con đường tìm lại giá trị truyền thống để gìn giữ, phát huy những giá trị của di sản văn hóa và tìm cách làm cho nó ngày càng tỏa sáng.
35 năm, lăn lộn với phong trào
Giữ vững ngọn cờ, Văn hóa trao
Sân khấu, văn thơ – nhiều giải lớn
Ca trù, Ví giặm – có công lao.
Tình đời xanh mãi, niềm hy vọng
Nghiệp bút cha truyền, thỏa ước ao.
Bao lâu cầm lái con thuyền nhỏ,
Nhiệm vụ hoàn thành, bởi đảng giao!
        Khi dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều người chắc hẳn không quên “Người đi tìm báu vật của muôn đời”.
PHẠM HOÀI AN – LÊ THANH LOAN
(theo VHNTHT)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP