Trong nước

Phải đưa tiền, quà biếu thì công việc mới được giải quyết thuận lợi

“Việc nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền hoặc quà biếu được biết đến nhiều nhất (54%), tiếp đến là vấn đề sử dụng phương tiện của cơ quan phục vụ nhu cầu riêng của cá nhân hoặc gia đình (49,7%)…”.

hoi-thao-ve-bien-phap-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-0178d

Nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Thanh tra kiến nghị thành lập một cơ quan quản lý tập trung bản kê khai tài sản, thu nhập.

Đó là một trong những nội dung được Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đưa ra trong nghiên cứu về thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng vừa công bố sáng nay 29/7 tại Hà Nội.

Theo kết quả nghiên cứu, việc nhận quà biếu dưới nhiều hình thức khác nhau khá phổ biến và trong phần lớn các trường hợp thực chất là một hình thức hối lộ nhưng việc phát hiện, xử lý hết sức khó khăn, thậm chí hầu như không thể xử lý được. Chính vì vậy mà những quy định của Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức viên chức hầu như không được thực hiện.

Theo báo cáo số 130/2012 của Chính phủ sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng chống tham nhũng có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị trên 1,798 tỷ đồng. Tuy nhiên những năm gần đây mặc dù năm nào Thanh tra Chính phủ cũng có những công văn đề nghị các tỉnh thành, bộ ngành báo cáo nhưng hầu như không có nơi nào báo cáo có việc vi phạm.

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng cả 2 năm 2012-2013 của Hà Nội đều ghi: “Đến nay các đơn vị báo cáo chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ”.

Bên cạnh đó ý kiến của người dân cho thấy tại địa phương, nơi cư trú của họ đều có các hiện tượng như cán bộ chính quyền dùng tiền, tài sản công vào mục đích riêng (28%); người dân chi thêm tiền để được làm thủ tục xây dựng nhà, mua bán nhà đất (51,4%); người dân chi thêm tiền để được quan tâm hơn khi khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập (47,6%); người dân chi thêm tiền để xin cho con vào học các trường công lập và lớp chọn (52,6%); người có thẩm quyền vì vụ lợi đã để tình trạng lấn chiếm không gian công cộng (vỉa hè, lòng đường,…) vào mục đích kinh doanh (40,5%)…

“Trong số các hiện tượng xung đột lợi ích nêu trên, theo số liệu khảo sát từ người dân, có thể thấy rằng việc nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền hoặc quà biếu được biết đến nhiều nhất (54%), tiếp đến là vấn đề sử dụng phương tiện của cơ quan phục vụ nhu cầu riêng của cá nhân hoặc gia đình (49,7%)…”- báo cáo nghiên cứu chỉ rõ.

Đề xuất lập cơ quan quản lý tập trung bản kê khai tài sản

Mặc dù có 81% công chức, viên chức được hỏi đánh giá tích cực về việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ được sự đồng tình của 35,6% người dân khi nhìn nhận về vấn đề này.

Về hiệu quả của việc kê khai tài sản thu nhập nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, kết quả khảo sát cho thấy: 17,5% công chức, viên chức cho rằng biện pháp này không có tác dụng; 60,6% chỉ có tác dụng phần nào và 20,1% có tác dụng.

Trong khi đó, 21,3% người dân được hỏi ý kiến cho rằng không có tác dụng; 36,7% ít có tác dụng và 30% có tác dụng. Điều này cũng phù hợp với những báo cáo chính thức của cơ quan có trách nhiệm và nhận định biện pháp kê khai tài sản hiện nay còn mang tính hình thức, ít tác dụng.

Theo đại diện nhóm nghiên cứu, việc kê khai tài sản đã dần đi vào nề nếp, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng hoặc ít nhất là kê khai thiếu trung thực và bị xử lý là rất ít, mỗi năm chỉ một vài vụ – một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng gần một triệu bản kê khai tài sản. Tính đến 31/5/2015 có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ; kết quả có 995.383/999.416 (đạt 99,6%) người đã kê khai; trong đó có 979.296 (đạt 98,4%) bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai. Tuy nhiên trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực. “Thậm chí báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của TP Hà Nội còn cho thấy không có trường hợp nào phải xác minh và xử lý về kê khai tài sản thu nhập không trung thực”- báo cáo nghiên cứu chỉ rõ.

Đại diện Viện Khoa học thanh tra cho biết đa số ý kiến được hỏi cho rằng việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chỉ có hiệu quả khi chúng ta có đủ điều kiện để kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội. Ngoài ra số lượng quá lớn người thuộc diện phải kê khai tài sản cũng được cho là không thực sự cần thiết. Nhiều đại biểu tọa đàm cho rằng điều quan trọng là cần có cơ chế để các bản kê khai tài sản đều được xác minh về tính trung thực. Muốn vậy cần có cơ quan quản lý tập trung bản kê khai tài sản, cơ quan này có trách nhiệm nghiên cứu và quyết định việc xác minh các bản kê khai mà họ thấy nghi ngờ có sự không trung thực hoặc khi nhận được các thông tin, tố cáo về việc không trung thực của đối tượng phải kê khai. Việc quản lý bản kê khai tài sản hiện nay là hết sức phức tạp, khó khai thác và quản lý phục vụ công tác phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.

Nhiều lái xe được bổ nhiệm chức phó chánh văn phòng

Báo cáo của nhóm nghiên cứu đã dẫn ra hàng loạt trường hợp lái xe, không có bằng cấp, quá tuổi nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy ở tỉnh Thanh Hóa. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Hữu Hợi là lái xe cơ quan huyện ủy được Bí thư huyện Tĩnh Gia bổ nhiệm giữ chức Phó chánh văn phòng huyện ủy; ông Vũ Quang Huy, lái xe HĐND – UBND huyện này cũng được Chủ tịch huyện ký bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng HĐND – UBND. Hơn nữa tại thời điểm bổ nhiệm giữ chức vụ cả ông Huy và ông Hợi đều đã 51-52 tuổi và không có bằng cấp gì.

Bên cạnh đó, tại huyện Nông Cống, ông Nguyễn Văn Hiệp đang là lái xe, không bằng cấp và quá tuổi cũng được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy; ông Phạm Đức Nhần, lái xe tại huyện Lang Chánh cũng được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy.

Theo ông Đinh Văn Minh – Phó viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, kết quả điều tra cho thấy yếu tố năng lực không được đề cao và không phải là yếu tố then chốt trong việc tuyển dụng. “Cả người dân và cán bộ công chức đều nói rằng sự tác động của người có quyền đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ công chức là rất lớn”- ông Minh nói và đưa ra dẫn chứng khảo sát: 43,2% người được hỏi cho rằng yếu tố người có thẩm quyền tác động có ảnh hưởng đến sự thành công trong việc tuyển dụng công chức, viên chức. 37% nhìn nhận yếu tố tặng quà, tiền và có người thân quen tác động đến sự thành công trong tuyển dụng cán bộ, công chức.

Thế Kha/Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP