Người thắp lửa cho thanh thiếu niên
Một lần, trong buổi nói chuyện với 176 thanh thiếu niên hư, chậm tiến, vi phạm pháp luật trên địa bàn TP.Đà Nẵng năm 2012, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra những lời nhận xét, khuyên bảo vô cùng chân thành, tình cảm với các em. Ông nói: “Mỗi người có một hoàn cảnh và không ai tự nhiên mà hư hỏng. Nhưng dù có do nguyên nhân gì đi nữa, thì trước hết là do mình. Ban đầu có thể là những việc nhỏ như lấy trộm của nhà, bỏ học, đi chơi.. nhưng dần dần sẽ ăn cắp của người khác, rồi cướp của, giết người… Mình là con người, con người khác con vật ở chỗ có lý trí. Các em có lòng tự ái rất cao, điều đó tốt, nhưng cũng phải có lòng tự trọng, phải biết sống bằng đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình”. Ông chỉ ra cái tương lai nếu các em tiếp tục sai phạm: “Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”.
Ông Nguyễn Bá Thanh còn tận tình giảng giải cho các em đạo lí làm người: “Gặp nhau thì chào, làm gì sai thì xin lỗi, cho cái gì thì cảm ơn. Có ba cái chuyện bé tí mà nói miết làm cũng không được hỏi làm chi nên chuyện lớn”. Ông cũng quả quyết rằng: “Thương rất thương, thông cảm rất thông cảm, nhưng cần rắn vẫn rất rắn”. Từng lời dạy của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc bấy giờ như tiếng vang dội vào trong tiềm thức của các em thanh thiếu niên, khai sáng tinh thần và mở mang nhận thức cho các em. Kết thúc buổi nói chuyện đó, một số em đã mạnh dạn bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình, trong đó có 2 em xin được đi học văn hóa trở lại, 4 em xin đi học nghề, 1 em xin được cấp xe đạp để đi học và 1 em xin được hỗ trợ gia đình khó khăn. Tất cả những mong muốn đều đã được ông hỏi han kỹ càng và giải quyết thỏa đáng cho các em.
Với nguyên tắc sống và làm việc thẳng thắn, chính trực, cái tên Nguyễn Bá Thanh còn trở thành một “hiện tượng” trong lòng các em học sinh. Có một câu chuyện ngoài lề rằng, khi đề thi Đại học khối D năm 2012 ra câu nghị luận về thần tượng, một thí sinh đã viết về ông Nguyễn Bá Thanh với sự kính ngưỡng: “Người lãnh đạo giỏi phải là một người nói được nhưng cũng phải làm được. Đó là người phải biết đặt lợi ích của nhân dân lên trước lợi ích của bản thân…. Đó là những điểm mạnh của vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh”.
Người nghĩ “trăm bề” cho dân
Trong suốt thời kì nắm giữ các chức vụ Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, rồi đến Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Bá Thanh chưa bao giờ thôi quan tâm đến đời sống của nhân dân. Ông hết đi thăm viếng chỗ này đến đi khảo sát thực tế chỗ kia để biết rõ, hiểu rõ tình hình đời sống của bà con.
Có lần, ông giả dạng làm khách hàng, vào một quán ốc ăn thử để tìm ra nguyên nhân vì sao người chủ quán kêu khóc với số tiền thuế 500 nghìn/tháng. Xong, khi về ông kêu Cục phó Cục Thuế Đà Nẵng Dương Tấn Lực lên hỏi ngay “Người ta buôn bán như thế mà thuế tăng gấp đôi, lên đến cả chỉ vàng/tháng thì làm sao sống cho nổi? Anh làm lãnh đạo mà không chú ý, để cán bộ hành dân ra bã đó nghe!”. Lần khác thì ông tâm sự với người dân lao động: “Tôi rất muốn xách vài chai rượu xuống ngồi uống với mấy ông xe thồ tự quản để động viên họ nhưng bận quá. Bận đến mấy thì sắp tới tôi cũng phải ngồi với họ, động viên họ”. Ông nói như vậy là bởi sự cảm kích đối với các tổ tự quản, bao gồm cả Tổ nữ dân quân tự vệ ở quận Ngũ Hành Sơn. Họ dù nghèo, không có lương bổng nhưng vẫn tự nguyện giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, theo ông là rất đáng khen. Ông cũng từng khiến dư luận ngạc nhiên khi đích thân kí giấy mời và đứng ra gặp hơn 130 ông chồng hay đánh vợ để khuyên nhủ. Kết quả là tất cả các ông chồng trên đều tự nguyện ký vào tờ cam kết sẽ không đánh vợ nữa.
Với sự nghiệp “trồng người”, ông Nguyễn Bá Thanh không những đặt chất lượng giáo dục đào tạo lên hàng đầu mà ông còn nhấn mạnh việc giữ gìn vệ sinh môi trường học đường, trường nào không đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ thì chính Hiệu trưởng sẽ phải chịu kỷ luật. Ông từng bất ngờ tham dự một tiết dạy Văn của một trường THPT vào loại có tiếng của TP.Đà Nẵng và thẳng thắn phê bình về cách giảng dạy kém chất lượng của giáo viên, cho rằng đây là lý do cho “ra đời” các học sinh “hư”. Chính cách “nhìn xa trông rộng”, ông đã vận động ngân sách Đà Nẵng chi hàng trăm tỉ để xây dựng Trường trung học chuyên Lê Quý Đôn nhằm giúp thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám cho thành phố.
Trong vấn đề giải đáp thắc mắc của các cử tri về việc giải tỏa đền bù đất của một dự án ở xã Hòa Châu (Đà Nẵng), nhà lãnh đạo Nguyễn Bá Thanh đã yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh thông tin, nếu đúng như phản ánh thì phải xem xét để giải quyết thỏa đáng cho bà con. Tại kì họp HĐND năm 2013, bàn về vấn đề đất đai, ông cũng dứt khoát cho rằng: “Người ta sinh sống lâu năm trên mảnh đất của họ mà không trong diện kiện cáo hay quy hoạch thì phải làm sổ đỏ cho người ta chứ. Cái sổ đỏ không chỉ là tấm bìa sở hữu mà còn để trong lúc khó khăn bà con còn đem ra thế chấp vài đồng làm ăn hay giải quyết khó khăn qua ngày”.
Và còn rất rất nhiều lần nữa, ông Nguyễn Bá Thanh luôn đứng ra tìm hiểu cặn kẽ đầu đuôi mỗi câu chuyện những người “dân đen” phản ánh, rồi trực tiếp đưa ra phương án giải quyết nhanh, gọn, đúng tâm tư nguyện vọng của dân. Cách ông quan tâm đến đời sống của tất cả mọi người, từ anh lái xe ôm, người mãn hạn tù, người bệnh ung thư cho đến phụ nữ, trẻ em thành phố… khiến cho ai nấy đều thấy cảm phục trước tấm lòng và ý thức trách nhiệm của ông. Ở các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc ấy, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng đều tận tình nhận xét, đóng góp, đưa ra các câu trả lời chân thành, hợp lí nhất cho người dân. Ông luôn mong muốn mọi người, mọi tầng lớp có một cuộc sống tốt đẹp hơn và trở thành những công dân có ích cho sự phát triển lâu dài của xã hội. Vì thế, không hề quá khi nói rằng, cái tên Nguyễn Bá Thanh tự bao giờ đã đi vào lòng dân, không chỉ là người dân Đà Nẵng mà là nhân dân cả nước Việt Nam.
Phan Yên