3 lần tự tử không thành
Đang là một thanh niên khỏe mạnh, là trụ cột gia đình, sau khi bị tai nạn ập xuống, anh Đặng Quốc Nhiên rơi vào cơn ác mộng triền miên. Gia đình anh cũng vậy.
Chúng tôi về xã Tân Trung (Gò Công, Tiền Giang) giữa mùa hạn – mặn, ruộng 2 bên đường nứt nẻ, để thăm anh Đặng Quốc Nhiên. Anh rũ rượi ngồi trên xe lăn, tiếng nói lúc được lúc mất, lúc như muốn nghẹt thở. Ấy vậy mà ông Hòa, anh ruột của anh Nhiên cho rằng “vậy là tốt lắm rồi đó…”.
Năm 23 tuổi, anh Nhiên làm việc tại Cty Xây lắp Gò Công Đông (Tiền Giang), một ngày của năm 1986, đang trên mái nhà, anh rớt xuống đất bất tỉnh. Cú va đập mạnh khiến anh chấn thương cột sống phải nằm điều trị dài ngày tại các bệnh viện TPHCM. 5 năm nằm liệt giường, tài sản trong nhà lần lượt đội nói ra đi theo những lần anh nhập viện. Cuộc sống bế tắc, Nhiên chọn giải pháp tiêu cực: Tự tử để đỡ gánh nặng cho gia đình. Nhiều lần, Nhiên lén gia đình dùng thuốc ngủ, nhưng được người nhà phát hiện kịp.
Lần khác, lợi dụng người nhà không chú ý, anh dùng dao lam cắt tay máu chảy lênh láng. Người nhà lại kịp thời phát hiện. Lần thứ ba anh có gắng gượng dậy và lăng từ trên giường xuống đất với ý nghĩ nếu đầu đập xuống có thể khiến anh giải thoát. Cả ba lần tự tử bất thành, bây giờ sau 30 năm sức khỏe anh mới dần hồi phục, nhưng nỗi đau thì không chỉ riêng anh gánh chịu. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang – Trương Văn Hiền – chia sẻ: “Bây giờ anh Nhiên đã khá lắm rồi đó, mấy năm trước chúng tôi vô thăm là anh ứa nước mắt nhìn. Người nhà động viên mãi và chắc bằng nghị lực của mình nên Nhiên đã có thể ngồi xe lăn được”.
Cũng tại thị xã Gò Công, anh Lý Thanh Hồng ở ấp Bình Hòa Đông (xã Bình Nhị) đang làm cho Cty Nông sản thực phẩm Tiền Giang (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) có thu nhập ổn định, thì “đùng một cái”, chiếc xe nâng đụng phải, anh gãy cột sống, thương tật 93%. Bây giờ anh đã lần vách tự đi được sau 3 năm luyện tập. Nhiều lúc nhìn các bạn trẻ cùng trang lứa có việc làm, được đá banh, chạy nhảy ngoài đường, anh cương quyết không cho gia đình đẩy xe ra trước. “Thà để ở nhà sau để em tự rèn luyện, chớ thấy tụi bạn như vậy mà mình như vầy tủi thân lắm” – anh Hồng tâm sự. Sự quyết tâm của Hồng đã giúp anh từng bước rời xe lăn chuyển qua lần vách đi được từ nhà sau ra nhà trước.
Ông Nguyễn Văn Đực, ngụ 91/2 Lý Thường Kiệt, P5, TP.Mỹ Tho, làm công nhân vệ sinh tại Cty Công trình đô thị thành phố Mỹ Tho để nuôi vợ liên tục bị đau yếu. Những tưởng cuộc sống sẽ trôi mãi như thế, nào ngờ, trong một lần quét rác, nước bẩn trúng vào mắt, ông vĩnh viễn không thấy đường, tỉ lệ thương tật 85%. Người vợ nay ốm mai đau nuôi ngược lại ông. Chồng mù nuôi vợ đau ốm, nay vợ đau ốm nuôi lại chồng mù. Hai vợ chồng như hai chiếc lá rách đùm bọc lấy nhau.
Nhưng, đó vẫn chưa phải là tột cùng của nỗi đau sau tai nạn lao động, bởi vì dẫu sao họ vẫn còn gia đình, người thân chăm sóc, đỡ đần, động viên; các tổ chức xã hội chia sẻ…
Nằm bất động khuyên vợ lấy chồng khác
Quách Minh Đương nằm bất động trên chiếc ghế xếp tại một góc tầng 3 của Khoa Ngoại của Bệnh viện Bạc Liêu. Không phải bệnh viện hết chỗ cho Đương nằm là vì đã cho xuất viện, nhưng mỗi tuần 3 lần chạy thận nên mẹ Đương chọn giải pháp ở lại bệnh viện cho khỏi tốn kém. Sinh ra trong gia đình nghèo tại ấp Nhà Thờ (xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), năm 14 tuổi, Đương cùng mẹ và người thân đi TPHCM làm thuê kiếm sống.
Tưởng bỏ làng quê ra đi là sẽ được đổi đời, nào ngờ cách đây 9 năm trong một tai nạn rớt từ tầng 5 xuống bị sắt đâm treo lơ lửng, anh bị dập tủy, nằm liệt. Vợ của Đương là Nguyễn Thị Mỹ Nhung mới cưới trước tai nạn 3 tháng phải cùng mẹ chồng – bà Nguyễn Hoàng Mai – đưa Đương từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Cùng đường, người mẹ đem con về Bạc Liêu nằm tại Trạm Y tế xã Châu Hưng. Cô vợ trẻ sau hơn hai năm chăm sóc cho người chồng liệt giường không tự tiêu, tiểu được, đành gạt nước mắt ra đi.
Nằm trên ghế xếp, Quách Minh Đương ngậm ngùi kể “thân dưới của em không cử động được đã 9 năm nay rồi. Tiêu, tiểu gì cũng phải có người giúp. Nhà nghèo mới đi làm thuê, làm mướn. Vì muốn có nhiều tiền nên em không đi làm cho Cty mà làm cho thầu xây dựng bên ngoài, không có bảo hiểm gì cả. Khi xảy ra tai nạn chủ thầu chỉ giúp đỡ tiền viện phí, thuốc men chút ít rồi thôi. Sau hơn hai năm nằm như vậy, thấy vợ em điện thoại với người nhà khóc hoài à. Em đấu tranh tư tưởng mấy ngày rồi quyết định kêu vợ lại năn nỉ vợ bỏ em đi. Đừng bám vào em nữa, bỏ em để có cuộc sống khác đi. Vợ em khóc nhiều lắm, rồi mấy ngày sau cuốn đồ đi mất, cho đến nay đã 7 năm…”.
Không đất đai, chẳng nhà cửa, hai mẹ con Quách Minh Đương gần như thường trực tại Bệnh viện Bạc Liêu. Mẹ Đương – bà Nguyễn Hoàng Mai – hằng ngày bán vé số để kiếm tiền sống qua ngày. Kể về những khoản thuốc men, viện phí bà trả lời tỉnh rụi: “Nhờ mình nghèo, nhà nước thương cho cái sổ hộ nghèo nên hổng có tốn tiền bạc gì cả. Tui có thằng con trai là em ruột của thằng này nó làm mướn cho người ta ở Cà Mau tháng nào cũng gửi tiền về để nuôi anh cũng đỡ khổ”.
Nhắc tới người chồng, bà chép miệng “hình như gia đình tui nó có truyền thống tai nạn lao động gì đó. Ổng (ý nói chồng bà Mai, ông Quách Văn Hớn) làm công nhân Nhà máy đường Thới Bình ở Cà Mau, bị máy quắn cụt hết cánh tay hồi thằng này 14 tuổi. Đến 23 tuổi thì nó bị nạn nằm tới nay nè. Bị tai nạn ổng có làm gì được đâu, nuôi gà, nuôi vịt ở quê không đủ sống nữa”.
Trường hợp của anh Lê Văn Thang, 39 tuổi, ở xã Long Điền (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cũng không kém phần bi đát. Từ một chàng thanh niên vạm vỡ sức lực gấp đôi người khác, làm lụng không thua bất cứ ai trong xã, anh bỏ quê đi TPHCM để làm thợ hồ. Lúc đầu làm ở công ty, nhưng đứa con gái bị mổ ruột thừa cần tiền, anh xin ra ngoài làm cho một nhà thầu tư nhân. Trong lúc gỡ cốppha, nguyên khối bêtông đổ sụp, đè anh trở thành một người tàn phế.
Trở về quê không ruộng đất, nhà cửa, anh ở nhờ trong một căn chòi lá của người cậu vợ tên Nguyễn Đức Thắng. Lúc đầu, người vợ đầu ấp tay gối còn chăm sóc, nhưng sau đó thấy anh không thể tiêu, tiểu được, nửa thân dưới hoàn toàn bất động, người vợ cũng bỏ đi không một lời từ giã. Con trai anh – cháu Lê Chí Bảo mới 15 tuổi (học lớp 7) bất đắc dĩ trở thành người trụ cột gia đình, cháu vừa đi học vừa chăm sóc cho cha. Mọi sinh hoạt cá nhân từ vệ sinh, tiểu tiện của cha, rồi cơm nước hàng ngày đều do một mình cháu Bảo gánh lấy. Anh ngậm ngùi “mình không trách hờn chi vợ mình cả. Anh xem nằm như vầy mà níu kéo cô ấy làm gì. Bây giờ sống vì con, nhờ vào con chăm sóc là vui lắm rồi”.
Anh Nguyễn Đức Thắng – Phó Bi thư Chi bộ ấp cho biết, thấy hoàn cảnh của Thang như vậy, một doanh nghiệp tại Bạc Liêu hỗ trợ gạo cho gia đình suốt đời. Còn thức ăn thì nhờ bà con ở đây giúp. Ông Thắng cho biết, do anh Thang không có bảo hiểm nên không được xem là trường hợp bị tai nạn lao động, bà con trong ấp kiến nghị mãi mới được một suất 403.000 đồng/tháng tiền khuyết tật. Cháu Lê Chí Bảo học giỏi có hoàn cảnh khó khăn nên cũng được địa phương và nhà trường giúp đỡ thêm 200.000 đồng/tháng.
Vừa rồi, thông qua chương trình từ thiện của một tờ báo, bạn đọc hỗ trợ xây được căn nhà còn dư ra 40 triệu đồng gửi ngân hàng hằng tháng lấy lãi để chi tiêu. Anh Thang ứa nước mắt khi nói về căn bệnh của mình “các bác sĩ bảo rằng không có thuốc trị, tùy theo cơ thể có phục hồi hay không. Các bác ấy nói thế chớ em biết vô phương cứu chữa, không bao giờ em bước xuống đất được, cứ sống không bằng chết thế này…”.
Dẫu sau thì anh Thang vẫn còn có căn nhà, còn đứa con để làm điểm tựa cho những ngày nằm trên giường bệnh. So với Quách Minh Đương, xem ra còn ít khổ hơn nhiều. Chẳng lẽ để con mình từ từ tắt liệm như đèn hết dầu, mẹ Đương vay 4 triệu đồng tiền nóng và biểu đứa con trai mượn chủ 5 triệu nữa để đưa con đi TPHCM mổ vết thương. Đi thì đi vậy, chứ bà thừa biết bệnh tình của Đương không bao giờ được chữa khỏi. Quệt nước mắt đưa con ra xe, bà sụt sùi “Người sống không bằng chết. Mai mốt về biết đào đâu ra tiền mà trả cho người ta”…
(Còn nữa)
Nhóm PV Lao Động