|
Cuối năm 2017, một cuộc tấn công quân sự phủ đầu của Mỹ vào Triều Tiên trở thành khả năng rất dễ xảy ra. Washington đi đầu trong chiến dịch vắt kiệt Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, và được cả Trung Quốc ủng hộ.
Nhưng khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn quyết tiếp tục thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa để cuối cùng chứng tỏ rằng tên lửa của nước này có thể vươn đến tận Mỹ đại lục. Điều này đưa Triều Tiên đến gần mục tiêu làm chủ năng lực mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hứa “sẽ không xảy ra”.
Điều này khiến ông Kim đối mặt với 2 vấn đề cấp bách.
Thứ nhất, các biện pháp thắt chặt trừng phạt kinh tế sẽ khiến đất nước của ông phải gánh thêm nhiều khó khăn lớn nữa. Thứ hai là khả năng Mỹ tấn công vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nếu điều này xảy ra, ông Kim sẽ có hai lựa chọn. Ông có thể đáp trả bằng một cuộc tấn công quân sự trả đũa xuống Hàn Quốc hoặc căn cứ quân sự nào đó của Mỹ ở khu vực.
Thứ hai, ông sẽ không đáp trả, từ đó cho thấy Triều Tiên không có năng lực thực sự có thể chống trả các cuộc tấn công của Mỹ.
Những điều này lý giải bước chuyển của ông Kim trong năm 2018. Tháng 1 năm nay, ông tuyên bố chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên “đã hoàn tất” và từ đó nước này chưa thực hiện một vụ thử hạt tên lửa hay tên lửa nào.
Sử dụng các quan chức Hàn Quốc làm trung gian, ông Kim đề xuất gặp ông Trump để đàm phán về “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Ông nhắc lại thông điệp này trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4. Cụm từ đó khiến cuộc gặp với Tổng thống Mỹ trở nên có thể, vì nó đáp ứng được điều kiện tiên quyết mà Mỹ đặt ra từ lâu là Triều Tiên phải sẵn sàng đặt vũ khí hạt nhân của họ lên bàn đàm phán.
Thượng đỉnh Kim – Trump dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Ông Kim có một lợi thế lớn: đạt được điều mình muốn khá dễ dàng. Chính phủ Trung Quốc đã nói rằng các nước bên ngoài nên thưởng cho Bình Nhưỡng vì nỗ lực ngoại giao của họ, cho thấy rằng Trung Quốc đã sẵn sàng giảm bớt thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.
Vì Trung Quốc chiếm đến 90% lượng thương mại quốc tế của Triều Tiên nên thật đáng kể khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp cấm vận. Điều này xảy ra trước khi Triều Tiên có bất kỳ bước đi thực chất nào nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa.
Quan trọng hơn, khó có khả năng Washington sẽ tấn công phủ đầu Triều Tiên trong khi ông Kim đang kêu gọi hòa bình. Vì thế, ông Kim đã giải quyết được hai vấn đề cấp bách và mở cánh cửa để theo đuổi 2 mục tiêu tiếp theo: khiến Hàn Quốc tái khởi động chương trình hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên; và làm suy yếu liên minh Mỹ - Hàn nhằm mục tiêu cuối cùng là đẩy Mỹ ra khỏi bán đảo.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ chưa đạt được gì ngoài một giai đoạn Triều Tiên tạm hoãn thử hạt nhân và tên lửa. Có một cơ hội nhỏ rằng thượng đỉnh Trump – Kim có thể trở thành bước đi đầu tiên để cải thiện tình hình đáng kể có lợi cho Mỹ. Nhưng khả năng lớn hơn là cuộc gặp sắp tới có thể chẳng mang lại lợi ích lâu dài nào hoặc thậm chí khiến tình hình tồi tệ hơn, đặc biệt đối với các đồng minh của Mỹ.
Người ta vẫn cực kỳ hoài nghi về sự sẵn lòng phi hạt nhân hóa của ông Kim. Trong quá khứ, “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” từng là lá bài được Triều Tiên sử dụng nhiều lần. Năm 2018, cái giá mà ông Kim đề cập để mặc cả vấn đề hạt nhân có vẻ cực kỳ thấp. Đó là Mỹ phải hứa chấm dứt thù địch với Triều Tiên, điều mà Washington từng làm rất nhiều lần trước đây.
Ngay cả khi đề xuất của ông Kim là thực lòng thì phi hạt nhân hóa sẽ đòi hỏi nhiều bước đi và nhiều năm đàm phán. Nhà lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn sẽ đòi hỏi nhượng bộ trên mỗi bước đi.
Các cuộc đàm phán có thể nhanh chóng thất bại nếu một bên đòi hỏi quá nhiều hoặc quá sớm, khiến tình hình trở lại thời điểm cuối năm 2017. Hoặc ông Kim có thể tận dụng những điểm yếu nổi tiếng của ông Trump: thiếu kiên nhẫn; không coi trọng lợi ích của Mỹ trong các mối quan hệ đồng minh ở châu Á; không hiểu rõ các vấn đề liên Triều; mẫn cảm với những lời nịnh hót; khao khát giành được chiến thắng để chứng minh mình là bậc thầy đàm phán.
Ông Trump tìm kiếm chiến thắng, nhưng ông Kim đã có được nó và còn có cơ hội để có nhiều hơn nữa. Một lần nữa Bình Nhưỡng đã xử lý quá tốt. Đối với người Mỹ, ít nhất sự cải thiện về ngoại giao mang lại vài tháng giảm căng thẳng và Triều Tiên trì hoãn tiến trình phát triển tên lửa hạt nhân thông qua các vụ thử nghiệm. Mỹ nên tận hưởng điều này vì nó có thể không kéo dài.
Denny Roy
(Nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh Đông Á và quan hệ quốc tế tại Trung tâm Đông – Tây, Mỹ)
Tác giả: Bình Giang
Nguồn tin: Báo Tiền phong