Công an TP Pleiku (Gia Lai) đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ va chạm giao thông xảy ra tại ngã tư đường Hùng Vương giao với Nguyễn Viết Xuân (TP Pleiku) liên quan đến một nữ thiếu tá công an.
Khoảng 18h ngày 26/10, Thiếu tá Trần Thị L. (SN 1984, công tác tại Công an huyện Đăk Đoa) đi xe ô tô lưu thông trên đường Hùng Vương, khi đến ngã tư giao với đường Nguyễn Viết Xuân đã va chạm với xe mô tô BKS 81P1-218.21 do anh Trần Quốc Thịnh (phường Trà Bá, TP Pleiku lưu thông cùng chiều. Sau cú va chạm giao thông, nữ thiếu tá tiếp tục lùi xe và tông vào xe ô tô 81A-097.21 của chị Phan Ngọc Thu (SN 1982, trú tại thành phố Pleiku).
Hình ảnh vụ việc được người dân ghi lại. |
Vụ tai nạn giao thông không thiệt hại về người, các phương tiện tham gia giao thông bị hư hỏng nhẹ. Tuy nhiên, hình ảnh clip người dân quay lại vụ việc, nữ thiếu tá có dấu hiệu say xỉn, ói mửa cả ra người.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khi nêu ý kiến về hành vi của nữ thiếu tá trong vụ việc trên, cho biết hành vi điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn của nữ thiếu tá công an là rất nguy hiểm. Rất may sự việc chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể có vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Hành vi điều khiển xe ô tô trong tình trạng say xỉn là vi phạm quy định về đạo đức lối sống của người chiến sĩ công an nhân dân nên nữ thiếu tá này sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành công an. Mức độ hình thức kỷ luật sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật trên cơ sở đánh giá nguyên nhân sự việc, tính chất và hậu quả của sự việc.
Các hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp chức vụ sau khi giáng chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ);
Cách chức và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp chức danh sau khi bị cách chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ) hoặc cách chức và hạ bậc lương và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm và các trường hợp chức danh sau khi bị cách chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ); Tước danh hiệu Công an nhân dân.
Rất may mắn là hậu quả vụ tai nạn chưa nghiêm trọng, nếu không may vụ tai nạn xảy ra khiến nạn nhân tử vong hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây thương tích 61% trở lên, người điều khiển phương tiện say xỉn sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự còn quy định trường hợp vi phạm quy định về giao thông đường bộ có khả năng gây ra tai nạn giao thông nếu không được ngăn chặn kịp thời, dù hậu quả chưa xảy ra, người vi phạm giao thông vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nội dung này chưa có hướng dẫn cụ thể, nếu không những trường hợp như thế này cũng có thể bị xử lý hình sự dù hậu quả chưa xảy ra.
Cụ thể, khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự nêu rõ: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.
Trong vụ việc này, trường hợp xác định vụ tai nạn giao thông chưa gây hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ căn cứ áp dụng khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi của nữ thiếu tá công an này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xem xét kỷ luật theo quy định về kỷ luật công an nhân dân.
Hành vi bị xử phạt là hành vi gây tai nạn giao thông và hành vi tham gia giao thông khi sử dụng rượu bia. Riêng với hành vi sử dụng rượu bia, có thể bị phạt đến 40 triệu đồng và tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe đến 24 tháng.
Ngoài ra, đảng viên vi phạm đạo đức lối sống cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của điều lệ Đảng và Quy định 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ cán bộ cảnh sát này nhậu với ai, những người nhậu cùng có là cán bộ vi phạm đạo đức lối sống hay không, nguyên nhân nào dẫn đến sự việc nữ thiếu tá này đã say rượu mà còn lái xe, những người nhậu cùng cũng có được bài học khi không khuyên can, thiếu trách nhiệm với bạn bè, người thân của mình sau cuộc nhậu.
Với người quay clip sự việc đăng tải lên mạng xã hội nếu nội dung chỉ là đưa thông tin phản ánh về sai phạm của nữ thiếu tá công an này, việc đăng tải clip là phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp lợi dụng thông tin sự việc để xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, mới là vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, việc người dân giám sát lực lượng công an nhân dân, phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật để phản ánh, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là pháp luật cho phép. Những clip như thế này còn có tính chất cảnh báo, phòng ngừa vi phạm góp phần xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, thượng tôn pháp luật.
Tác giả: Tâm Đức
Nguồn tin: kienthuc.net.vn