"Những thông tin này có thể tra cứu bằng cách nhập mã lên trang web của hiệp hội"- người đứng đầu IOA Reza Nourani nói với trang Financial Tribune. Cũng theo lời ông Nourani, theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Liên đoàn Thế giới các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) mà Iran là thành viên, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học không được sử dụng trong canh tác các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Sản xuất loại thực phẩm sạch này chỉ được dùng các nguyên liệu thô dưới sự quản lý của các công ty kiểm tra quốc tế. Các sản phẩm hữu cơ cần phải được giám sát và quản lý từ 2-4 năm để bảo đảm được sản xuất tự nhiên với các nguyên liệu sạch và tránh xa bất cứ hóa chất nào. Ngoài ra, không được canh tác các sản phẩm cải biến gien bên cạnh các sản phẩm organic.
Nhu cầu tiêu thụ đối với thực phẩm hữu cơ tại châu Âu và châu Mỹ tăng từ 20%-25% mỗi năm Ảnh: Fotolia |
IFOAM vốn là một tổ chức bao trùm khắp thế giới về các hoạt động nông nghiệp hữu cơ, với gần 800 chi nhánh trên 117 quốc gia. IFOAM khẳng định sứ mệnh của họ là "dẫn dắt, đoàn kết và trợ giúp các phong trào hữu cơ phát triển đa dạng; áp dụng trên toàn thế giới các hệ thống sinh thái, xã hội và kinh tế bền vững dựa trên các nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ.
Theo định nghĩa của IFOAM, nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất duy trì sức khỏe của đất đai, hệ sinh thái và con người. Nó dựa vào những quy trình sinh thái, đa dạng sinh học và chu kỳ thích nghi với điều kiện địa phương chứ không phải sử dụng các đầu vào gây tác động bất lợi. Nông nghiệp hữu cơ kết hợp với truyền thống, đổi mới và khoa học mang lại lợi ích cho môi trường, thúc đẩy quan hệ cân bằng và chất lượng cuộc sống tốt cho tất cả các bên liên quan.
Theo ông Hossein Mahmoudi, người đứng đầu Ủy ban Đào tạo của IOA, những dữ liệu mới nhất cho thấy 49.000 ha đất nông trại của Iran đang dành cho canh tác nông nghiệp. Nhờ những nỗ lực của hiệp hội này, Tehran đã gia nhập hàng ngũ các nhà sản xuất hữu cơ thế giới, xếp thứ 43 trong 176 nhà sản xuất hữu cơ lớn nhất thế giới. Các sản phẩm hữu cơ của Iran khá đa dạng, trong đó phải kể tới các loạt hạt, nho khô, lựu, dầu ô-liu, dầu hướng dương, dầu mè, gạo, đậu lăng, ngũ cốc, mật ong và thịt.
Theo lãnh đạo của IOA, các tỉnh Fars và Khorasan Razavi có tiềm năng sản xuất sản phẩm hữu cơ cao. "Tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ đang ngày càng gia tăng trên thế giới. Nhu cầu tiêu thụ đối với dòng sản phẩm sạch tại châu Âu và châu Mỹ tăng từ 20%-25% mỗi năm" - ông Nourani cho hay. Hiện Đan Mạch, Thụy Sĩ, Đức và Áo đang nằm trong tốp những nước tiêu thụ sản phẩm hữu cơ mạnh nhất.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo Người lao động