Dù chỉ kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ, nhưng cơn lốc xoáy vào chiều ngày 30/4 đã khiến vụ mùa của gia đình anh Trần Văn Phượng, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân thêm bội phần khó khăn. Hơn 5 sào ruộng hạt vàng ươm đã có thể thu hoạch bỗng chốc đổ sạp xuống. Theo dự kiến, toàn bộ số diện tích trên sẽ được thu hoạch bằng máy và thời gian chỉ cần 1-2 ngày. Thế nhưng, con lốc đã buộc gia đình anh Phượng phải thay đổi phương án thu hoạch từ máy sang gặt tay.
Lúa vàng óng đến kỳ thu hoạch bị đổ sạp sau cơn lốc xảy ra vào chiều 30/4. |
“Phải mất ít ngày và phải mượn thêm nhân lực mới có thể thu hoạch được số lúa bị đổ sạp này. Vừa mất công, mất thời gian và thêm chi phí, đúng là cơn lốc đang làm khó bà con”- anh Phượng thở dài ngao ngán.
Tại xã Xuân Lam nói riêng và huyện Nghi Xuân nói chung, những người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi lốc xoáy như gia đình ông Phượng là rất nhiều. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Nghi Xuân có trên 300 ha lúa và hoa màu của địa phương bị đổ ngã, hư hại.
Tại huyện miền núi Hương Sơn, hàng ngàn hộ nông dân ở nhiều xã cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi lốc xoáy khiến đợt thu hoạch vụ lúa Xuân thêm vất vả, khó khăn. Nhiều hộ nếu không kịp thu hoạch trong những ngày tới khả năng thất thu là rất cao.
|
“Trời đang nắng, bất ngờ mưa, gió ập xuống ào ào, chẳng kịp trở tay. Lúa gặt xong đang dựng hết bên bờ, đành chịu mưa gió quật chứ không đưa về nhà được. Sau cơn lốc gia đình mới bắt đầu ra đồng trở lại để thu gom và đổ phơi, mong có nắng lên sớm chứ nếu không gạo sẽ bị đen, kém chất lượng”- chị Phan Thị Ngọc, thôn Tây Hà, Sơn Hà (Hương Sơn)- chủ hộ có tới 7 sào ruộng bị lốc quật đổ thở dài, nói.
Cũng theo chị Ngọc, với số diện tích bị đổ còn lại, gia đình phải chi thêm tiền công thu hoạch. Việc thu hoạch hoàn toàn phải thực hiện bằng tay nên sẽ rất mất thời gian.
Tại xã Sơn Lâm, một địa phương của huyện Hương Sơn có đến 55 ha lúa bị đổ sạp, nhiều diện tích tạo thành những vòng xoáy xơ xác, người dân cũng đang căng mình thu hoạch lúa. Là một địa phương miền núi, nhưng nhiều thửa ruộng trong số diện tích bị lốc quật đổ nằm ở vùng sâu trũng, nguy cơ lúa hỏng nếu không được thu hoạch kịp thời là rất cao.
Nhiều diện tích lúa bị đổ tạo thành những vòng xoáy xơ xác sau cơn lốc. |
Lúa đổ, không thể gặt máy, nông dân Hà Tĩnh phải gặt gấp bằng tay để tránh hư hỏng. |
Theo lãnh đạo xã Sơn Lâm, chắc chắn những diện tích bị lốc xoáy quét qua sẽ bị hư hỏng, rụng hạt, ảnh hưởng đến năng suất. Hiện xã đang gấp rút chỉ đạo các thôn phải thu hoạch luôn để chờ nắng phơi, vớt vát được chừng nào hay chừng đó. Những nơi chưa chín hẳn thì đành phải dựng lên thành bó, cố định giữa đồng ít hôm, tránh lúa bị nảy mầm.
Tại TP Hà Tĩnh, một diện tích lớn của nông dân các phường Thạch Quý, Đại Nài, các xã Thạch Trung, Thạch Hưng cũng bị lốc xoáy quật đổ. Hiện các hộ dân đang phải dốc sức gặt bằng tay, hoặc dựng dậy cột thành bó chờ thu hoạch.
Ông Phan Văn Huân - Trưởng phòng Trồng trọt thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh cho hay, cơn lốc mạnh nhưng thời gian ngắn, lượng mưa không đáng kể nên các chân ruộng chưa kịp tích trữ nhiều nước nên hạn chế được hạt lúa nảy mầm trên ruộng. Đối với số lúa đã gặt thì trong điều kiện nắng trở lại, bà con kịp thời phơi thì sẽ không ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt gạo.
Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Huân, cơn lốc vào chiều 30/4 chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất trung bình lúa Xuân của toàn tỉnh Hà Tĩnh.
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm trước khi xảy ra lốc xoáy, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch được 20.000/60.000 ha (1/3 diện tích) lúa Xuân.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Dân trí