Chân Tiên là một ngôi chùa cổ niên đại hàng trăm năm tuổi, tọa lạc trên núi Am Tiên, cuối dãy Hồng Lĩnh. |
Dọc theo bờ biển, nằm trên tỉnh lộ 22/12 nối Lộc Hà với Nghi Xuân, Thịnh Lộc được biết đến là một địa danh được thiên nhiên, tạo hóa ban tặng nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Núi Am Tiên – một trong 99 đỉnh của dãy Hồng Lĩnh thuộc địa phận xã Thịnh Lộc – nơi được người đời tôn xưng “đệ nhất kỳ quan” không chỉ bởi sông nước và núi non kỳ vĩ, mà tương truyền là nơi dừng chân của các nàng Tiên trong những lần du ngoạn trần thế.
Chân Tiên là một ngôi chùa cổ niên đại hàng trăm năm tuổi, tọa lạc trên núi Am Tiên, cuối dãy Hồng Lĩnh, đoạn nhô ra biển. Đứng trên chùa nhìn xuống là rừng thông tự nhiên xanh trùng điệp. Đi về bốn phía chùa, du khách sẽ được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp và chứng tích gắn với những điển tích huyền thoại như: cây đa nơi Thái Thượng Lão Quân nghỉ mát, dấu chân Tiên, giếng Tiên, chùa Vồn Sơn thờ Phật Tổ, bàn cờ Tiên, Thần Kim Quy, nền Sơn Tinh, Hoàng Thạch, chùa Long Hội, chùa Hang, đá 12 cửa, đá Ông Bà… tất cả được soi mình dưới Bàu Tiên trong vắt như chiếc gương khổng lồ bên rừng thông xanh ngắt, quanh năm vi vu gió.
Trước mặt chùa là biển cả mênh mông với bờ cát mịn màng, chạy dài cùng rừng dương xanh như dải lụa. Tất cả những di tích huyền bí trên đã góp phần làm cho quần thể nơi đây trở thành một trong những địa điểm du lịch lý tưởng.
Con người được hòa nhập vào thiên nhiên; vãn cảnh chùa, leo núi khám phá hang động… tạo ra sự kỳ vọng, muốn vươn đến cái đẹp, thêm tin yêu cuộc đời này hơn. Một vị lão bối tên hiệu Thạch Đường (Võ Hoàng Hóa) đã cảm khái sáng tác:
“Non tiên đâu đó
Núi Am đây nào có kém xa chi,
Cảnh thiên nhiên cũng lắm thú thanh kỳ
Khách phong nhã không xem thì cũng thiệt
Chót vót đầu non cài bóng nguyệt
Gập ghềnh lối đá uốn thang mây,
Khách trèo non mỗi bước thêm say
Đó cảnh lạ nhìn đây thêm cảnh lạ
Người đá, ngựa, thuyền, voi, lợn đá
Đá bàn cờ, đá cối giã cối xay
Đá vợ chồng tình son sắt cũng hay hay,
Đá mười hai cửa xưa nay chừng hiếm có…”.
Lễ hội chùa Chân Tiên. Ảnh: Tiến Dũng |
Di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Chân Tiên còn là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Vào những năm 1885-1896, hưởng ứng phong trào Văn thân Cần Vương, xã Thịnh Lộc có nhiều người con tham gia vào nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng như: Trần Quang Tụ, Nguyễn Đăng Thiện, Phạm Môn… Núi Am Tiên, chùa Chân Tiên lúc bấy giờ là một trong những căn cứ luyện tập của nghĩa quân. Khi phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 nổ ra và lan đến Hà Tĩnh, ông Nguyễn Hằng Chi đã chọn vùng này làm nơi tập trung nho sỹ đi biểu tình…
Năm 1928, Đại tổ Tân Việt huyện Can Lộc tổ chức họp tại chùa Chân Tiên. Các đồng chí: Võ Quế, Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Cứ, Hồ Ngọc Tàng, Trần Xu, Trần Hoặc, Sư Bảy… đã ngụy trang bằng màn cầu tiên để che mắt địch. Năm 1929, tổ chức Tân Việt phát triển nhanh chóng, Tổ Tân Việt ở Thịnh Lộc được thành lập, đánh dấu một bước tiến mới trong tiến trình cách mạng của địa phương.
Với vị trí thuận lợi, chùa Chân Tiên đã trở thành địa điểm quan trọng góp phần vào thắng lợi của nhân dân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931: Ngày 25/4/1930, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Phan Gần, Hoàng Liệu, Nguyễn Cứ, Nguyễn Trạc (đại diện cho Huyện ủy và Tổng bộ), Chi bộ Đảng Yên Điềm được thành lập. Chùa Chân Tiên còn là nơi liên lạc, hội họp, soạn thảo, cất giấu tài liệu an toàn của Tổng bộ và chi bộ Đảng ở vùng hạ Can Lộc để từ đây phát lệnh các cuộc biểu tình, rải truyền đơn, treo cờ Đảng.
Ngày 28/7/1930, tại chùa đã diễn ra cuộc họp bàn kế hoạch hành động kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc với sự tham gia của các đồng chí Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Liêu, Phan Gần. Sáng 1/8/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Can Lộc và Chi bộ Đảng Yên Điềm, 350 nông dân xã Thịnh Lộc cùng các xã lân cận đã tập trung đi biểu tình. Đoàn biểu tình kéo đến truông gió Hồng Lộc, nghe đồng chí Hoàng Khoái Lạc diễn thuyết rồi nhập với đoàn biểu tình của thượng Can, tiến thẳng vào huyện lỵ. Khí thế của đoàn biểu tình khiến Tri huyện Trần Mạnh Đàn và bọn nha lại hoảng sợ, phải cúi đầu nhận bản yêu sách của quần chúng nhân dân.
Lễ hội truyền thống chùa Chân Tiên là dịp để người dân bày tỏ niềm thành kính, tôn vinh, tưởng nhớ công đức các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền bối, các vị thánh thần đã có công xây dựng, lập nên bờ cõi. Lễ hội năm nay diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao giải trí như: hội trại trên núi Am Tiên; đua thuyền trên hồ Tiên; đi kheo trên cạn; các giải: cờ thẻ, kéo co nữ, bóng chuyền nam thanh niên toàn huyện… Đây là hoạt động văn hóa truyền thống dân gian được gìn giữ, phát huy qua nhiều thế hệ.
Nguyễn Khắc Duyên / Báo Hà Tĩnh