Giáo dục

Nợ lương giáo viên do lãnh đạo địa phương "xé rào" tuyển dụng?

UBND thị xã Gia Nghĩa đã “xé rào” tuyển dụng khiến lượng giáo viên hợp đồng bị dư ra gần 100 người.

Để giải quyết nhu cầu về việc thiếu giáo viên cấp học mầm non và tiểu học trong năm học 2017 – 2018, UBND thị xã Gia Nghĩa đã “xé rào” tuyển dụng khiến lượng giáo viên hợp đồng bị dư ra gần 100 người. Mặc dù vẫn đứng lớp, nhưng số lượng giáo viên này lại không được nhận lương trong nhiều tháng trời.

Tuyển thừa giáo viên khiến giáo viên hợp đồng lên lớp nhưng không có lương ở thị xã Gia Nghĩa.

Trước sự việc này, quan điểm của UBND tỉnh Đăk Nông sẽ tìm ra giải pháp trong thời gian sớm nhất để giải quyết những quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Cô giáo H’ Lang được nhận dạy hợp đồng tại trường mầm non Họa Mi, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa. Mặc dù có quyết định hợp đồng từ tháng 2/2017, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, cô H’ Lang chưa nhận được một đồng lương nào. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô giáo này thường xuyên phải vay mượn tiền từ người thân và bạn bè.

“Một tháng không có lương đã không chịu nổi rồi chứ huống hồ mấy tháng trời liên tiếp cũng rất khó khăn. Nhà có điều kiện thì không sao nhưng nhà tôi khó khăn nên tháng nào cũng phải cần tiền để đi lại, trong thời gian đó nhờ gia đình và bạn bè nhiều. Lương bổng của chúng tôi như thế này là rất khó khăn nên mong muốn trên xem xét để trả lương đều cho chúng tôi”

Tương tự, cô H’Bé Lem, giáo viên hợp đồng cùng trường cũng phải vay mượn bạn bè và sống nhờ tiền của bố mẹ hơn nửa năm nay. Cô Lem cho biết, trong trường có 7 giáo viên hợp đồng đều chưa được nhận lương, nhưng các cô khác chỉ bị nợ lương 4 tháng, riêng cô bị nợ lương từ tháng 1/2017 đến nay.

“Lúc cần tiền đi thăm người đau ốm thì không có, có đợt nọ mượn 3 triệu của nhà trường tưởng đâu sang tháng có lương mà cũng không có tiền để trả, đến dịp hè bắt buộc phải trả tiền lại cho nhà trường để nộp về ngân sách thì lại phải đi vay mượn nên cũng rất khó khăn”- Cô Lem nói.

Trong năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh Đăk Nông có gần 160 nghìn học sinh, tăng gần 3 nghìn em so với năm học trước. Do đó, UBND tỉnh Đăk Nông có chủ trương hợp đồng lao động với 385 giáo viên ở tất cả 7 huyện, thị xã. Trong đó, thị xã Gia Nghĩa được UBND tỉnh giao cho 22 chỉ tiêu giáo viên theo diện hợp đồng để đáp ứng công tác dạy và học. Nhưng trên thực tế, với lý do số lượng học sinh tại cấp tiểu học và mầm non tăng cao, nên UBND thị xã Gia nghĩa đã hợp đồng lên tới 111 giáo viên.

Việc tuyển thêm hàng trăm giáo viên so với chỉ tiêu được tỉnh giao đã vi phạm Công văn số 989, ngày 3/3/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông, công văn nêu rõ: các huyện, thị xã không được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào công văn này, từ tháng 4 đến nay, 89 giáo viên công tác tại các trường tiểu học và mầm non tại thị xã chưa được trả lương.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Trưởng phòng nội vụ thị xã Gia Nghĩa, nói: “Về chủ trương tinh giản biên chế của Trung ương và tỉnh thì thị xã hưởng ứng việc đó. Còn riêng với sự nghiệp giáo dục phải có đặc thù. 3 năm nay tỉnh không bổ sung biên chế nên thị xã phải hợp đồng thêm, vẫn biết là việc này không đúng theo quy định tuy nhiên vẫn phải đảm bảo cho giáo viên dạy và học để đảm bảo theo quy định chứ không thể để có học sinh mà không có người dạy được”.

Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, tinh thần chung của UBND tỉnh là sẽ tìm ra giải pháp sớm nhất để giải quyết quyền lợi chính đáng cho giáo viên. Hiện nay Trung ương yêu cầu tỉnh tạm dừng tuyển dụng viên chức nên cũng gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Nội vụ lập đề án báo cáo những khó khăn của địa phương để có giải pháp và tìm ra quyền lợi chính đáng cho người lao động.

“Vừa rồi Sở Nội vụ cũng đã báo cáo sự việc của thị xã Gia Nghĩa, nhưng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh là không riêng gì thị xã Gia Nghĩa đâu, còn cả Tuy Đức và Đăk Glong đang có tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Do đó để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, chúng tôi yêu cầu Sở Nội vụ rà soát toàn tỉnh xem có bao nhiêu trường hợp bị như thế này để có chủ trương giải quyết chung, chứ nếu tách thị xã Gia Nghĩa ra giải quyết mà các nơi khác không giải quyết được thì không ổn.Trước đây biên chế sự nghiệp thuộc thẩm quyền hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng hai năm gần đây thuộc thẩm quyền Bộ Nội vụ nên tỉnh sẽ làm đề án thuyết minh rất cụ thể về việc này với Chính phủ”./.

Tác giả: Hoàng Qui/VOV -Tây Nguyên

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP