Theo UBND thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), do ở trung tâm của tỉnh, nên khối lượng công việc tại các đơn vị giáo dục và đào tạo rất nhiều, buộc địa phương phải hợp đồng thêm lao động. Từ năm 2014 đến nay, thị xã chỉ được giao 819 biên chế giáo viên, so với thực tế, số lượng biên chế này không đáp ứng nhu cầu giảng dạy trên địa bàn.
Hàng năm, các xã, phường trên địa bàn đều tăng trường, lớp, học sinh, do đó UBND thị xã Gia Nghĩa phải hợp đồng thêm giáo viên để phục vụ cho việc dạy và học. Năm học 2016-2017, UBND thị xã Gia Nghĩa đã phải hợp đồng thêm 80 giáo viên. Năm học 2017-2018, địa phương cũng phải hợp đồng 111 giáo viên, trong số này, chỉ có 22 giáo viên được chi trả lương bằng ngân sách tỉnh.
UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết, toàn bộ số viên chức hợp đồng nói trên hiện nay vẫn làm việc bình thường. Nhưng từ tháng 4/2017 đến nay, thị xã chưa thể chi trả lương cho họ, nguyên nhân là bị "vướng" về quy định.
Theo đó, tại Công văn số 989/UBND-NC, ngày 3/3/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các huyện, thị xã không được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào công văn này, mỗi lần UBND thị xã Gia Nghĩa thực hiện thủ tục trả lương cho nhân viên, giáo viên hợp đồng đều bị phía kho bạc từ chối giải quyết.
Tính đến nay, có những trường hợp trải qua 7 tháng làm việc liên tục mà vẫn chưa được trả lương, còn trường hợp ít nhất cũng từ 2-3 tháng bị chậm lương.
Nhiều giáo viên hợp đồng hiện chưa được nhận lương, có người bị chậm 7 tháng (ảnh minh họa) |
Làm việc nhưng chưa được trả lương nên nhiều giáo viên không khỏi hoang mang, lo lắng. Cô Hà Thị Huyền Trang, giáo viên hợp đồng tại một trường tiểu học thị xã Gia Nghĩa than phiền: “Tôi ký hợp đồng đi dạy từ đầu năm học 2017-2018 đến nay, nhưng vẫn chưa nhận được bất cứ đồng lương nào. Để có chi phí cho ăn uống, trả tiền nhà trọ, xăng xe đi lại… tôi phải đi vay mượn. Nếu sự việc này tiếp tục kéo dài thì tôi đành phải xin nghỉ việc chứ không thể cầm cự thêm được nữa”.
Tương tự, cô H’Bé Lem, giáo viên hợp đồng trường nầm non Họa Mi (xã Đắk Nia, TX.Gia Nghĩa) cũng phải vay mượn bạn bè và sống nhờ tiền của bố mẹ hơn nửa năm nay.
Cô Lem cho biết, trong trường có 7 giáo viên hợp đồng đều chưa được nhận lương, nhưng các cô khác chỉ bị nợ lương 4 tháng, riêng cô bị nợ lương từ tháng 1/2017 đến nay. “Năm ngoái chúng tôi được 900 ngàn đồng/ tháng còn năm nay mỗi tháng được trợ cấp 1 triệu tiền bảo mẫu. Hàng tháng, ngoài số tiền trợ cấp trên chúng tôi không được nhận bất cứ đồng lương nào khác. Xin tiền gia đình để tiêu mãi cũng ngại nên tháng nào tôi cũng phải đi vay mượn bạn bè, người thân để sinh hoạt, số tiền nợ cũng lên đến cả chục triệu đồng”.
Nữ giáo viên này lo lắng: “Không có công ăn việc làm ổn định, gia đình lại không khá giả, đi dạy học với mong muốn là nuôi sống được bản thân, nhưng trông chờ đến ngày trả lương thì chúng tôi lấy gì để sinh hoạt. Lần nào họp, giáo viên hợp đồng chúng tôi đều kiến nghị với hiệu trưởng, nhưng cô hiệu trưởng cũng lực bất tòng tâm vì việc chi trả lương do thị xã quản lý".
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo TX. Gia Nghĩa cho biết, từ năm học 2013- 2014, thị xã không được cấp thêm biên chế giáo viên, song mỗi năm tỷ lệ học sinh địa phương này lại tăng 7% (tương đương với 1000 học sinh) khiến cho ngành giáo dục rơi vào cảnh thiếu giáo viên. Để tránh tình trạng một lớp 70-80 học sinh, TX. Gia Nghĩa phải ký hợp đồng thời vụ với giáo viên. Hiện nay để khắc phục vấn đề này, UBND thị xã đã trích ngân sách địa phương để chi trả lương cho một số thầy cô, nhưng phần lớn là chưa có.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Tùng, Trưởng Phòng Nội vụ TX. Gia Nghĩa cho biết, hiện nay UBND thị xã Gia Nghĩa đang ký hợp đồng lao động với 101 người. Phần lớn những trường hợp này đều có hoàn cảnh tương đối khó khăn, ở nhà trọ, thu nhập thấp… Trước thực tế này, UBND thị xã Gia Nghĩa đã kiến nghị lên Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông để Sở có ý kiến lên UBND tỉnh mong có hướng giải quyết hợp lý, giúp thầy cô giáo yên tâm công tác.
Tác giả: Dương Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí