Nguyễn Du không cất tiếng khóc chào đời “chôn rau cắt rốn” ở xã Tiên Điền. Thời gian Nguyễn Du về sống ở xã Tiên Điền không nhiều, chủ yếu là “10 năm gió bụi” thời biến loạn, trước khi ông ra làm quan cho triều Nguyễn vào năm 1802. Tuy vậy trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã dành nhiều tình cảm đặc biệt với quê nội Tiên Điền của mình.
Trở về quê nội trong thời biến loạn, Nguyễn Du ghi lại cảm xúc bằng những vần thơ trữ tình. Trong bài “Tạp ngâm II” do nhóm Bùi Kỷ, Phan Võ ,Nguyễn Khắc Hanh dịch có đề cập một số thông tin về hoàn cảnh sống của nhà thơ. Nguyễn Du có một gian nhà nhỏ đầu sông Long Vĩ (Đuôi Rồng) đoạn cuối của sông Thanh Long (Rồng Xanh) từ xã Tiên Điền đến cửa biển Hội Thống. Ông sống ẩn dật, cùng nỗi buồn cực độ, những ngày tháng trôi qua thật vô vị. Những ngày sống ẩn dật ở quê nhà, Nguyễn Du xa lánh việc đời xô bồ, đua chen của thời buổi loạn lạc. Nhà ở của ông đặt hướng nam, mở cửa bước ra ngõ thấy rõ sắc xanh của dãy núi Hồng Lĩnh. Mặc dù sống trong hoàn cảnh “ẩn dật” khổ hạnh, cảnh sắc tươi đẹp của quê hương Nghi Xuân đã thức tỉnh tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Du . Thi nhân tự cảm nhận bản thân là “bậc đại nhân gương lòng sáng như trăng”. Trong những ngày sống ở quê nhà, Nguyễn Du gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, phải ăn cả hoa dại để sống. Nguyễn Du đã ghi lại cuộc sống hàng ngày của mình bằng cảm xúc: “Bên gối có bó sách đỡ bộ xương gầy ốm. Trước đèn uống chén rượu để sắc mặt tiều tụy tươi lên. Trong bếp suốt ngày không khói lửa. Ngoài cửa sổ hoa cúc vàng tươi tốt có thể ăn”.(Bản dịch nguyên văn chữ Hán).
Nhà nho nghèo với cuộc sống ẩn thân trong ngôi nhà tranh vách đất tạm bợ bên sông Lam. Cuộc sống lặng lẽ cùng làng quê bình dị, trong không gian bao la với bối cảnh nên thơ: “Bên bãi sông Long Vĩ có nhiều chim âu trắng”. Chim âu là một loài cò biển thường trú ngụ ở bãi sông ven biển. Nguyễn Du biết rõ “đàn và sách chỉ tổ để làm ngu mình” “từ phú biết là vô ích”, nhưng Nguyễn Du vẫn thơ phú ngâm nga trong cảnh bần hàn. Trong bài “Mạn hứng”, Nguyễn Du tâm sự: “Cuộc sống làm người trong vòng trăm năm buồn vì chỉ như là nháy mắt. Cuộc hành lạc đến khi lớn tuổi, tiếc rằng chỉ được trong chốc lát .Đâu biết rằng một ngày khác, ở dưới gò phía tây có thể uống được giọt rượu nào trong tiết trùng dương hay không?”
Về quê nội Tiên Điền, thi hào Nguyễn Du sống chan hòa với những người dân lao động một nắng hai sương. Cùng những người thợ làm tơi nón, ông lên núi hái vọt, hái lá nón, hay chẻ tre vót vành nón, khâu nón thâu đêm suốt sáng. Nguyễn Du cũng từng làm ngư phủ, theo vạn chài ra sông, xuống biển đánh bắt tôm cá để mưu sinh. Ông trở thành lão ngư đánh cá ngoài biển, tự đặt biệt hiệu mình là Nam Hải điếu đồ. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Du từng mang cung kiếm theo phường săn Tiên Điền lên núi Hồng săn muông thú. Hóa thân thành thợ săn, tự đặt biệt hiệu Hồng Sơn liệp hộ. Thời gian sống cùng nhân dân lao động, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ, Nguyễn Du giúp họ viết “Văn tế thập loại chúng sinh” để tế lễ cô hồn vào tiết trùng dương. Thỉnh thoảng Nguyễn Du theo bạn bè đi hát phường vải, phường nón và sang thăm cháu gái là Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Thị Bành lấy chồng về làng Trường Lưu. Là con Nguyễn Nghiễm, quan Tể tướng triều Lê Hiển Tông, nhưng phong cách sống độ lượng, bình dân, chân chất, mộc mạc, có tình có nghĩa của Nguyễn Du được bà con nông dân lao động yêu mến, quý trọng. Tình cảm với quê hương, với bà con,bạn bè của Nguyễn Du và sự ngưỡng mộ của dân được ông ghi lại trong bài thơ “Độ Long Vĩ Giang”. Trong bối cảnh “gió tây thổi bụi đầy đường”, Nguyễn Du từ biệt quê hương ra Bắc Hà, trên đường quay đầu nhìn về quê cũ mà rơi nước mắt lã chã. Đò ngang đưa Nguyễn Du vượt qua bến đò sông Long Vĩ sang làng Yên Lưu, huyện Chân Phúc. Thế là thi nhân đã trở thành “khách tha hương” rồi. Cảnh đưa tiễn trên bến sông Long Vĩ được ông mô tả : “Trên bến người thân tiễn/Vì ta lệ vấn vương”(Kim Hưng dịch)
Những cảm xúc trào dâng rất thật của Nguyễn Du trong thời gian những ngày về quê nội sống ẩn thân ở xã Tiên Điền được Nguyễn Du chép lại trong tập thơ “ Thanh Hiên thi tập” viết bằng chữ Hán. Những bài thơ viết về xã Tiên Điền bình dị, buồn và đẹp, chứng tỏ tác giả rất tinh tế, am hiểu, có tình nghĩa với bà con, bạn hữu và yêu quê hương da diết. Từ những cảm xúc rất thật, bằng tâm sự day dứt của một nhà nho nghèo bên sông Lam, Nguyễn Du vẽ những bức tranh phong cảnh quê hương bằng ngôn ngữ trữ tình và ghi lại một số địa danh sông Long Vĩ, bãi Long Vĩ, thôn Nam Đài ở Tiên Điền thời cổ. /.
Đặng Viết Tường
Khối 1- Thị trấn Nghi Xuân
Huyện Nghi Xuân- Tỉnh Hà Tĩnh
Nghi Xuân