Nghệ An cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ phụ trợ vào mùa thấp điểm để hướng tới du lịch 4 mùa |
Có thể nói, loại hình du lịch biển bấy lâu nay vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu ngành du lịch tỉnh Nghệ An. Trong đó, có nhiều điểm du lịch lớn, đẹp và thơ mộng nằm dọc các địa phương ven biển như: Cửa Lò, Diễn Thành, biển Quỳnh, Vinpearl Cửa Hội,… tạo nên nhiều “điểm nhấn” nổi bật, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham quan, trải nghiệm.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, kết cấu hạ tầng cũng được các cấp chính quyền địa phương quan tâm chú trọng đầu tư, xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu liên kết vùng và giao thông cho các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như tại phố biển TX Cửa Lò – một điểm đến quen thuộc, luôn được khách du lịch quan tâm mỗi khi về Nghệ An khi sở hữu bãi biển đẹp, hệ thống cảnh quan môi trường đô thị hiện đại cùng nhiều tổ hợp khách sạn, khu đô thị, biệt thự nghỉ dưỡng, homstay,… có thể phục vụ hàng chục nghìn lượt khách lưu trú mỗi ngày.
Chiều hướng tích cực trên cũng được phản ánh rõ nét qua số liệu thống kê mà ngành du lịch tỉnh nhà đưa ra mỗi năm khi có mức tăng trưởng dương cả về doanh thu lẫn lượng khách du lịch kể từ sau đại dịch Covid-19. Hay như trong một báo cáo gần đây của ngành du lịch Nghệ An cho thấy: chỉ tính riêng trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, địa phương đã đón và phục vụ khoảng 950.000 lượt khách du lịch, bằng 122% so với năm 2023; trong đó, khách lưu trú ước đạt 350.000 lượt, công suất phòng bình quân đạt trên 90% và đặc biệt là tổng doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 1.700 tỷ đồng. Riêng tại phố biển Cửa Lò đón 300.000 lượt khách du lịch, trong đó có 140.000 lượt khách lưu trú; doanh thu đạt 600 tỷ đồng.
Vậy nhưng, qua góc nhìn thực tiễn, các chuyên gia, nhà đầu tư du lịch trên địa bàn lại có ý kiến trái chiều rằng, thời điểm hiện tại, tỉnh Nghệ An vẫn chưa tạo sự bứt phá vượt trội từ loại hình du lịch biển, chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có của địa phương. Cụ thể là, hiệu quả khai thác loại hình du lịch này vẫn chưa cao, sản phẩm đặc trưng chưa có nhiều, các khu du lịch biển vẫn chưa thực sự nổi bật trên bản đồ du lịch toàn quốc, nhất là khi so sánh với các tỉnh, thành ven biển có điều kiện tự nhiên tương đồng.
Bởi, đơn giản chỉ cần so sánh với người hàng xóm Thanh Hóa, du lịch biển Nghệ An tỏ ra “lép vế” hơn hẳn. Cụ thể, tính riêng trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Thanh Hóa đón, phục vụ khoảng 1,52 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 3.805 tỷ đồng. Hay như phố biển Sầm Sơn cũng đón hơn 900.000 lượt khách du lịch trong 5 ngày nghỉ lễ, cao gấp 3 lần địa bàn cấp huyện có điều kiện tương đồng là TX Cửa Lò của tỉnh Nghệ An.
Tháo gỡ những “điểm nghẽn”
Nguyên do có sự vượt trội nêu trên, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch chỉ ra rằng, Thanh Hóa có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông rất thuận lợi; các sản phẩm trong loại hình du lịch biển rất đa dạng, giá cả thì công khai, minh bạch và đặc biệt là du khách khi đến trải nghiệm sẽ được đặt ở vị trí người lựa chọn và làm chủ mọi dịch vụ. Không chỉ vậy, sự đầu tư đến từ các “ông lớn” trên lĩnh vực du lịch cũng đã góp phần quan trọng giúp Thanh Hóa hơn hẳn Nghệ An về du lịch biển khi có hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp và hiện đại… đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Quốc Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Song Ngư Sơn cho biết: trên thực tế, Nghệ An là địa phương sở hữu nhiều bãi biển đẹp và thơ mộng cùng một kho tàng đồ sộ về danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, lịch sử phong phú… Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch biển của địa phương này vẫn còn khá chậm, chưa đạt hiệu quả khai thác cao nhất.
“Hiện tại thì du lịch biển Nghệ An vẫn còn mang tính thời vụ, thời gian hoạt động kinh doanh du lịch biển mỗi năm chỉ rơi vào khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng mùa hè. Do vậy, điều tôi trăn trở và mong muốn, đó là Nghệ An cần tăng tốc thực hiện đồng bộ các giải pháp để quảng bá du lịch 4 mùa. Trong đó, cần tập trung khai thác và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ phụ trợ vào mùa thấp điểm, nhất là vào mùa đông như: tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, đám cưới, ăn uống, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng,…” – ông Lâm cho biết thêm.
Ngoài ra, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, việc hàng loạt dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch cao cấp, nhất là khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển bị chậm tiến độ chính là “điểm nghẽn” cản bước sự phát triển của ngành du lịch tỉnh. Do đó, các cấp ngành, chính quyền tỉnh Nghệ An cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý đất đai, đôn đốc nhà đầu tư triển khai xây dựng, sớm đưa dự án vào hoạt động nhằm đưa du lịch biển địa phương phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong tương lai gần.
Tác giả: Hồng Quang – Ngọc Thái
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn