Bữa ăn cho trẻ trường công lập 22.000 đồng/suất hay trường dân lập quốc tế trị giá 160.000 đồng/ngày đều bị phụ huynh tố cắt xén.
Nhiều người đặt câu hỏi phụ huynh tham gia quá trình giám sát bữa ăn của trẻ ở trường như thế nào? Quy định hiện nay về tiêu chuẩn của bữa ăn ra sao?
"Thiếu dinh dưỡng, thiếu trách nhiệm"
Ngày 2/10, một tài khoản Facebook đăng tải hình ảnh bữa ăn của trẻ được cho là ở trường tiểu học ở quận Long Biên, Hà Nội. Bữa ăn được chụp ngày 1/10, mỗi suất trị giá 22.000 đồng, nhưng chỉ có rau muống luộc, nước rau, vài miếng trứng rán cùng đậu phụ.
Nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc về bữa ăn "đạm bạc". Họ mong muốn không cho con ăn bán trú tại trường mà tự nấu cơm cho trẻ. Tuy nhiên, cùng ngày, hình ảnh đã bị xóa trên mạng xã hội.
Hình ảnh bữa ăn được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 2/10. |
Trước đó, một phụ huynh của trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) tại cơ sở Sala (quận 2, TP.HCM) tố nhà trường cắt xén khẩu phần ăn trưa của học sinh.
Nữ phụ huynh này khẳng định: "Ăn bớt phần ăn của trẻ là tội ác. Chúng tôi đã khóc khi nhìn thấy những phần ăn này của các con. Chúng tôi không chấp nhận một trường quốc tế hơn 20 năm kinh nghiệm ở Việt Nam làm ăn như thế này. Ban giám hiệu tại sao không dám gặp chúng tôi? Giải thích về một bữa ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu trách nhiệm và vô tâm như vậy với con chúng tôi".
Suất cơm trưa của học sinh Việt Úc tại cơ sở Sala. Ảnh: Phụ huynh cung cấp. |
Một phụ huynh chia sẻ tiền ăn mỗi ngày của trường là 160.000 đồng, cả năm hơn 30 triệu đồng, mà nhìn bữa ăn không khác cơm bụi.
Ngày 20/9, trường Dân lập Quốc tế Việt Úc thừa nhận có sơ suất trong khâu quản lý và kiểm tra định lượng suất ăn của học sinh tại cơ sở Sala. Nhà trường đã xin lỗi nhưng sau đó vẫn chưa làm rõ phản ánh của phụ huynh là có việc cắn xén suất ăn hay không.
Ngày 19/9, báo Hà Tĩnh đăng tải thông tin về suất cơm bán trú của học sinh trường Tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) giá 27.000 đồng. Suất ăn gồm một phần cơm, ít rau bắp cải xào thịt bò, canh bí và 4-5 con tôm nõn rim.
Một phụ huynh có con học lớp 2 tại trường cho hay chị thất vọng khi nhìn thấy suất ăn quá ít so với độ tuổi đang phát triển thể chất như các cháu.
Trước những áp lực của dư luận, ngày 18/9, trường Tiểu học Thạch Linh phát thông báo tạm ngừng phục vụ ăn bán trú, đề nghị phụ huynh đón trẻ vào 10h30 phút và trở lại trường trước 14h.
Đồng thời, bà Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, xin lỗi vì có sơ suất trong bữa ăn của trẻ. Nữ hiệu trưởng cho hay thực tế, bữa cơm chỉ 22.000 đồng, vì phải trích ra 5.000 đồng cho công tác phục vụ, vận chuyển.
Suất cơm của học sinh trường Tiểu học Thạch Linh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh. Tiêu chuẩn của bữa ăn học đường |
Theo thông tin từ Dự án bữa ăn học đường do Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện, hiện nay, Việt Nam phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Đó là tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì.
Theo đó, nguyên tắc xây dựng thực đơn bữa ăn học đường là mỗi loại thức ăn có chứa một số chất dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau. Bữa ăn hợp lý là cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể (đường bột, đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng).
Bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 8 nhóm thực phẩm: Lương thực, các loại đậu, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt cá, trứng và các sản phẩm từ trứng, củ quả, thức ăn dầu mỡ, axit béo.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết bữa ăn tiêu chuẩn của học sinh tiểu học (gồm ăn trưa và xế), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ dinh dưỡng theo thực đơn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đề xuất, khoảng 30.000 đồng/ngày.
Bữa ăn của trẻ mầm non trên địa bàn thành phố được thực hiện theo chế độ dinh dưỡng do Bộ GD&ĐT quy định. Đối với bậc tiểu học, bộ thực đơn được Bộ GD&ĐT và Viện Dinh dưỡng Quốc gia thẩm định.
Trong khi đó, bậc THCS và THPT chưa có quy định cụ thể về dinh dưỡng bữa ăn nhưng trong chiến lược quốc gia của Chính phủ đã đề nghị các đơn vị phải quan tâm chế độ dinh dưỡng đối với học sinh.
Từng trả lời Zing.vn liên quan vấn đề phụ huynh trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (cơ sở Sala, quận 2, TP.HCM) phản ánh khẩu phần ăn trưa của học sinh bị cắt xén, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay bữa ăn của các em học sinh, dù ngoài công lập hay công lập, đều phải đảm bảo theo quy định chung, chứ không có sự phân biệt nào. Hiện, một số trường ngoài công lập, dựa vào mác quốc tế hay trường chất lượng cao tự phong, thu tiền ăn rất cao. |
Tác giả: Huỳnh Anh
Nguồn tin: zing.vn