Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện Việt Nam cũng đối mặt tới tình trạng gia tăng số lao động Việt Nam đi làm việc tự do tại Lào theo con đường tiểu ngạch, vượt biên trái phép, không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng hai nước, chủ yếu xảy ra tại các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, những năm gần đây, mỗi năm Nghệ An có từ 5.000 – 6.000 lao động tự do đi làm việc tại Lào, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác, nông nghiệp, buôn bán nhỏ và các lĩnh vực khác. Thu nhập bình quân của những lao động này đạt khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số lao động có việc làm ổn định, mang tính lâu dài chỉ chiếm khoảng 30%; số lao động còn lại làm việc chủ yếu mang tính mùa vụ.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào được phép tuyển dụng lao động sang Thái Lan làm việc theo con đường chính thống, nhưng thống kê của các cơ quan chức năng, số lao động sang Thái Lan đã lên đến hàng chục nghìn người, chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Người lao động cần phải được đào tạo bài bản và trang bị kỹ năng để giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu lao động. |
Và có một thực tế đáng buồn là 80% số lao động đó về nước vẫn chưa thể thoát nghèo. Lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Thái Lan đều được môi giới hứa hẹn những công việc tốt với mức lương cao.
Tuy nhiên, thực tế khi sang, tất cả đều phải sống chui lủi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của chính quyền sở tại và khi bị công an sở tại bắt, trục xuất về nước thì tiền mất mà nợ vẫn phải gánh. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, địa phương này đang có trên 15.000 lao động trái phép ở Thái Lan.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc lao động chui ở địa phương này sang Thái Lan đang ngày càng gia tăng là do việc xuất cảnh bằng đường bộ dễ dàng. Những người có hộ chiếu sẵn trong tay khi đi và về không cần trình báo địa phương, do đó rất khó kiểm soát.
Tạo cơ hội cho nhiều lao động có nhu cầu
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động “chui” sang Lào ngày càng gia tăng là do Hiệp định hợp tác lao động năm 1995 và Nghị định thư sửa đổi năm 1999 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, không điều chỉnh hết các hình thức lao động của nước này sang làm việc tại nước kia.
Vì vậy, vào tháng 7 năm 2013, Bộ Lao động hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào. Hiệp định mới đã điều chỉnh được các hình thức lao động phù hợp với tình hình thực tế, quy định cụ thể về thủ tục xin cấp giấy phép lao động, đăng ký lưu trú, các loại phí liên quan, chế độ bảo hiểm, y tế, xử lý tranh chấp… đảm bảo được yêu cầu quản lý và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trong những năm gần đây, nhiều lao động Việt Nam đã sang Thái Lan làm việc, nhưng chủ yếu là lao động tự do, theo mùa vụ; trình độ văn hóa, chuyên môn thấp. Phần lớn những lao động này đến từ các tỉnh Tây Bắc, miền Trung Việt Nam như tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, tiếp đó là Nghệ An, Điện Biên và Huế.
Trước tình hình trên cùng với thực tế nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của Thái Lan ngày càng cao, Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã đàm phán để tiến tới ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác lao động để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc người lao động Việt Nam sang làm việc hợp pháp tại Thái Lan. Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Lao động Thái Lan đã làm việc với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và cùng đàm phán các nội dung hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa 2 nước.
Trong thời gian tới, khi thỏa thuận hợp tác lao động giữa 2 nước chính thức được ký, lao động Việt Nam sẽ được sang làm việc tại Thái Lan theo đường chính thống. Trong lúc Việt Nam và Thái Lan chưa ký kết thỏa thuận hợp tác lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khuyến cáo lao động có nhu cầu đi làm việc tại Thái Lan cần thận trọng, không nên đăng ký qua môi giới đi làm việc tại Thái Lan, bởi quyền lợi của họ sẽ không được đảm bảo khi không có hợp đồng và không có bảo hiểm hợp pháp.