Số người hưởng lương, phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước là 11 triệu người. Bình quân, cứ 9 người dân Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách-Thông tin từ PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam, đưa ra trong một bài báo trên VietNamNet.
9 người dân phải nuôi 1 “người nhà nước”, khi đa số người dân còn ở mức sống nghèo khó, thu nhập bình quân theo đầu người vào loại thấp?
Không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như thế này-GS TS Hoàng Chí Bảo, nguyên uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương , nhận xét.
Nếu không quyết liệt điều chỉnh, nguy cơ vay nợ nuôi bộ máy, đẩy nợ công tăng thêm, không còn là cảnh báo. Bộ máy hành chính phình ra, số lượng người ăn lương hoặc phụ cấp từ ngân sách tăng lên, khiến những lo toan của nền kinh tế vốn chưa hề thanh thoát càng thêm rối bời và đôi vai đa số người dân vốn đang nặng gánh, dù muốn cũng không thể nhẹ bớt. Mục tiêu cải thiện mức sống của người làm công ăn lương sẽ khó mà như ý, và nạn nhũng nhiễu, tham nhũng, tìm mọi kẽ hở để “ăn không từ một thứ gì” có cơ nghiêm trọng hơn. Và đáng lo hơn, đất nước này khó mà tiến nhanh tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dân không giàu, nước không mạnh thì sự nghiệp đấu tranh bảo toàn cương vực, lãnh thổ quốc gia, đòi lại phần đất đai, biển đảo bị ngoại bang xâm lấn, cưỡng đoạt khó mà trọn vẹn.
Một con số khác: Tỷ lệ công chức và viên chức trên tổng số dân toàn quốc của Việt Nam là 4,8%, cao nhất trong các quốc gia khu vực Đông Nam á. So với nước Mỹ, dân số Việt Nam không bằng 1/3, nhưng số lượng công chức thì nhiều hơn họ. Nếu xem những ai giữ chức vụ từ phó phòng trở lên là quan chức, thì tỷ lệ quan chức ở nước ta cũng thuộc hàng hùng hậu! Không chỉ ở Hải Dương mới có tình trạng một sở hầu hết là quan chức, mà gần đây, “phát lộ” Thanh Hoá, Quảng Bình cũng tồn tại những đơn vị “đồng bệnh tương liên”. Nhiều cơ quan Trung ương ở ta còn vận dụng sáng tạo chức “hàm” để ban phát chức tước, “quan hoá” đồng loạt: Có vụ trưởng, phó vụ trưởng, lại có “hàm” vụ trưởng, “hàm” phó vụ trưởng. Thêm “hàm” là thêm chi tiêu ngân sách, là tăng tính quan liêu trong bộ máy, thêm khó cho tổ chức và thêm gánh nặng cho người dân.
Số người hưởng lương, phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước là 11 triệu người. Ảnh minh họa |
Tỷ lệ công chức, quan chức cao nhất khu vực và số lượng nhiều hơn công chức của cường quốc số 1 thế giới, nhưng liệu chất lượng công chức, trách nhiệm công vụ có ở mức tương xứng?
Quốc gia nào, thời đại nào thì người dân cũng phải đóng góp đồng tiền bát gạo, mồ hôi công sức nuôi bộ máy công quyền. Đổi lại, những người được dân nuôi ấy phải biết lo toan, quản trị đất nước, phục vụ người dân, phụng sự Tổ quốc. Họ tận tâm, mẫn cán, thượng tôn quốc gia, đồng bào, thì đấy là phúc cho dân tộc. Ngược lại, đó là cái hoạ.
Ở ta, từ đội ngũ công chức viên chức “không một nền kinh tế nào nuôi nổi”, phúc, cũng có, mà họa, cũng nhiều.
Một bộ phận không nhỏ, thậm chí rất lớn trong số đó , bằng mọi giá để được làm “người nhà nước” để không làm gì hoặc làm cho có, để tháng tháng lĩnh lương. Thành “người nhà nước” để “chân ngoài dài hơn chân trong”, để có thêm mối quan hệ thực hiện các phi vụ mai mối, mánh mung, kể cả hợp sức giành giật tài nguyên, công sản, mua quan bán chức. Làm “người nhà nước” để dễ bề thăng tiến, ngồi cái ghế “quan cách mạng” để hành dân, móc hầu bao dân, xà xẻo của công nhằm vinh thân phì gia.
Với ngần ấy công chức, viên chức, người hưởng phụ cấp từ ngân sách, chỉ cần họ hướng về người dân, làm việc đúng chức phận, tương xứng với đồng tiền bát gạo dân gom góp nuôi họ, đã là phúc cho nước, lợi cho dân. Nhưng, trong số công chức, viên chức chiếm 4,8% dân số cả nước đó, được bao nhiêu phần trăm được như thế, bao nhiêu phần trăm là liêm chính, mẫn cán, thực thi công vụ đúng chức phận?
Người dân không thể hiểu, trong ngày làm việc, cơ quan công quyền có thể đóng cửa không phục vụ người dân vì lý do “giao lưu”, “nghỉ mát”, “tổ chức sinh nhật”, “cổ vũ bóng đá”, “du lịch tập thể nước ngoài”?
Người dân không thể hiểu, một cơ quan chuyên ngành lại có thể cấp nhầm sổ đỏ cho đối tượng không có quyền sở hữu như câu chuyện xảy ra ở dinh thự họ Vương , Đồng Văn, Hà Giang vừa qua?
Người dân không thể hiểu, những hiện tượng không là đơn lẻ, khi những người ăn lương của dân để phục vụ dân theo đúng đọo lý “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày” thì lại giở thói kẻ cả, ban ơn, gây khó dễ với dân?
Kết quả kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư trong năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hiện 1.600 dự án chậm tiến độ; 840 dự án có thất thoát, lãng phí. Đó là chưa kể hàng chục dự án nghìn tỷ khác với điểm đến là không hiệu quả, thua lỗ, “đắp chiếu” kéo dài trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo đánh giá mới đây của các định chế tài chính quốc tế, một loạt các dự án đường sắt đô thị đang triển khai bằng nguồn vốn ODA ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chậm tiến độ nhiều năm và đội vốn đến hơn 2 lần. Người ta ước tính, nếu một dự án như dự án đường sắt đô thị kia chậm tiến độ đến 5 năm, thì số tiền phát sinh đủ để xây dựng một công trình tương tự theo dự toán ban đầu.
Trong những nguyên nhân chính khiến các dự án nghìn tỷ thua lỗ “đắp chiếu”, chậm tiến độ, thất thoát lãng phí, có nguyên nhân nào nằm ngoài nguyên nhân do con người - cán bộ, công chức yếu kém năng lực, sa sút phẩm cách?
Không hề quá, khi nói rằng, những công chức-quan chức như thế đang là lực cản, thậm chí là nhân tố làm méo mó hình ảnh thể chế, làm nghèo đất nước, khiến niềm tin của nhân dân vào chế độ sụt giảm nhiều phần. Đội ngũ công chức, viên chức gọi là rường cột nước nhà mà như thế, làm sao dân giàu, nước mạnh!
Không thể khác, phải quyết liệt thực hiện tinh giản, tinh gọn, sàng lọc bộ máy, đội ngũ, thay đổi cách thức tuyển chọn công chức, viên chức, làm thay đổi hình ảnh công chức, viên chức - “người nhà nước” một cách tích cực. Bắt đầu từ cuộc cách mạng sáp nhập thôn, xã, thị trấn và giảm cán bộ bán chuyên trách, thực hiện nhất thể hoá một số chức danh. Bắt đầu từ cuộc cách mạng bỏ cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, mà Bộ Công an đang lĩnh ấn tiên phong bỏ cấp tổng cục, xây dựng mô hình “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” là ví dụ mang tính thực tiễn sinh động. Cấp thôn xã làm được, Bộ Công an làm được, sao các cấp huyện, tỉnh và các bộ, ngành khác lại không mảy may động cựa?
Không thể khác, phải xác lập cơ chế để người dân trực tiếp thực hiện các quyền và chức năng giám sát, phản biện nhiều hơn, thực chất hơn. Lẽ thường, người dân đóng góp tiền thuế nuôi bộ máy, thì họ phải được quyền tham gia giới thiệu, tuyển chọn và sàng lọc bộ máy.
Và, cuối cùng, không thể khác, mạnh mẽ đưa công nghệ thông tin vào các khâu điều hành, quản trị ở mọi lĩnh vực của đất nước. Công nghệ thông tin tăng cường tính dân chủ, minh bạch, và cũng là thước đo, bộ lọc đánh giá chất lượng, sàng lọc đội ngũ công chức, viên chức nước nhà./.
Tác giả: Uông Ngọc Dậu
Nguồn tin: Báo VietNamNet