Dù chưa có quyết định thu hồi đất nhưng xã Mỹ Lộc đã điều động gần như toàn lực lượng đi “bảo vệ thi công”. Xã Mỹ Lộc đang làm trái luật nhưng lãnh đạo huyện Can Lộc vẫn chưa có động thái giải quyết tình hình.
Xã Mỹ Lộc đang làm trái luật nhưng lãnh đạo huyện Can Lộc vẫn chưa có động thái giải quyết tình hình. |
Có một vấn đề rất cơ bản rằng, chính quyền xã Mỹ Lộc tiến hành thi công trên đất có sổ đỏ của gia đình ông Thứ mà không có quyết định thu hồi đất và đền bù GPMB nhưng lại cử cả lực lượng công an xã lẫn quân sự (dân quân xã) bảo vệ thi công. Càng khó hiểu hơn khi lực lượng công an huyện được điều động bám trụ tại hiện trường nhiều ngày nay dù không hề có một quyết định cưỡng chế đất nào. Điều này rõ ràng trái luật hoàn toàn nhưng huyện Can Lộc vẫn bất chấp và cho chính quyền cấp xã làm càn.
Để thể hiện rằng việc tiến hành làm đường là đương nhiên khi có nhiều sai trái đang xảy ra, ông Bùi Huy Cường cho rằng, có rất nhiều người dân tự nguyện hiến đất (phần lớn trong đó đất chưa có sổ đỏ-PV) nhưng chỉ còn gia đình ông Thứ (đất đã có sổ đỏ) không chịu hiến đất thì cần xem lại. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề có dấu hiệu chữ ký của ông Nguyễn Thứ bị làm giả trong quá trình làm thủ tục hiến đất thì ông Cường nói không biết.
Dù chưa có quyết định thu hồi đất nhưng xã Mỹ Lộc đã điều động gần như toàn lực lượng đi “bảo vệ thi công”. |
“Xã làm đúng hay sai thì chưa biết. Nếu xã làm sai thì xã phải chịu trách nhiệm”,ông Bùi Huy Cường nói.
Về vấn đề số tiền 4 tỉ đồng được UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định trong văn bản quyết định phê duyệt dự án không được sử dụng, ông Cường cho hay: “Do hiện tại tình hình kinh tế khó khăn, nguồn vốn quy định như vậy nhưng không phải rút dễ dàng. Người dân nên đối ứng bằng việc hiến đất để phục vụ quyền lợi cho mình. Làm như vậy thì tiết kiệm tiền cho nhà nước nữa”.
Việc “bảo vệ thi công” có cả lực lượng quân sự và công an huyện tham gia. |
Trong lúc đó, ông Nguyễn Thứ cho biết, gia đình rất ủng hộ việc giao nộp đất để làm đường. Tuy nhiên, có nhiều việc chính quyền làm thể hiện sự sai trái khiến ông không thể chấp nhận, ví như có chữ ký giả của ông trong các văn bản; xã Mỹ Lộc tiến hành thi công kiểu cưỡng chế khi không có quyết định thu hồi đất, không đền bù GPMB; đất của ông Thứ đang trong quá trình tranh chấp chờ TAND huyện Can Lộc xét xử nhưng chính quyền vẫn tiến hành lấy đất làm đường…
Phải chăng, UBND huyện Can Lộc đang làm ngơ cho cấp xã tiến hành làm việc trong lúc có nhiều sai trái đang diễn ra?
Điều 39 Luật đất đai 2003:
Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
2. Trước khi thu hồi đất, chậm nhất là chín mươi ngày đối với đất nông nghiệp và một trăm tám mươi ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người bị thu hồi đất biết lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
3. Sau khi có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, được công bố công khai, có hiệu lực thi hành, người bị thu hồi đất phải chấp hành quyết định thu hồi đất.
Trường hợp người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Người bị cưỡng chế thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại.
Điều 32 Nghị định 69/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật đất đai: Cưỡng chế thu hồi đất
1. Việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 38 Nghị định này;
b) Quá ba mươi (30) ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định tại khoản 6 Điều 29 Nghị định này mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
c) Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước;
d) Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành;
đ) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.
2. Sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Theo ngaynay.vn