Tin Hà Tĩnh

Nhiều diện tích nông nghiệp ở Hà Tĩnh có nguy cơ mất trắng do hạn hán ​

Nắng nóng kéo dài, nông dân Hà Tĩnh đang “căng mình” chống hạn cứu các loại cây trồng.

Dự báo, đợt nắng nóng ở Hà Tĩnh có thểkéo dài đến ngày 2/7 tới, nguy cơ hạn hán xảy ra trên diện rộng, đặc biệt trên cây ăn quả có múi, cây trồng cạn, chè.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Công điện số 12 và nêu rõ Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã nào thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo chống hạn, phòng chống, cháy rừng, để thiệt hại xảy ra đối với sản xuất phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hạn hán. (Ảnh minh họa)

Các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang là địa phương xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. Những ngày tới nếu trời không có mưa thì các loại cây trồng khó có khả năng phục hồi và nguy cơ mất mùa vụ hè thu là rất lớn. Cụ thể: tại huyện Vũ Quang, đến nay, đã có trên 30% cây trồng vụ hè thu bị hạn. Nắng nóng làm ảnh hưởng 400ha diện tích lúa hè thu, gần 1.000ha cây ăn quả ở Hương Sơn bị thiếu nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng...

Còn tại huyện Hương Khê đã có 942ha cam, bưởi bị thiếu nước, trong đó, 7ha bị héo chết không có khả năng phục hồi. Người dân cho biết chưa năm nào thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Những ngày qua, dù tốn kém, vất vả nhưng các hộ dân phải dùng máy bơm nước tận dụng nguồn nước tại chỗ ở các ao, hồ, sông suối và thậm chí khoan giếng tại chỗ để bơm tưới vì những vườn cây này là nguồn thu nhập chính của gia đình:

Tỉnh Hà Tĩnh có 10.000 ha trồng cây ăn quả, trong đó 7.000 ha trồng cam, chanh và 3.000 ha bưởi. Diện tích trồng cây ăn quả chủ yếu ở khu vực miền núi, nên ngành nông nghiệp và người dân gặp khó khăn trong việc chủ động nguồn nước bơm tưới.

Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai biện pháp tưới tiết kiệm nhưng chưa được phủ rộng khắp các địa phương. Nguyên nhân là hạ tầng cơ sở về đường điện, cấp nguồn nước chưa đáp ứng được công nghệ tưới tiết kiệm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, vụ hè thu năm 2020, toàn tỉnh gieo cấy hơn 44 nghìn ha lúa và hiện bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ. Đến nay, các diện tích lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước là 650 ha, trong đó Hương Sơn 400 ha, Hương Khê 200 ha, Kỳ Anh 20 ha, Can Lộc 30 ha; khoảng 1.500 ha đậu, ngô có nguy cơ chết cục bộ do hạn. Do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài liên tục trong gần 1 tháng, gió phơn Tây Nam thổi mạnh làm nước bốc hơi nhanh... nên nước ngầm bị tụt, nguồn nước ở các kênh mương, hồ đập xuống thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến các loại cây trồng và việc chống hạn.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, các công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức đắp chặn các trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch để giữ nước. Mặt khác, bơm tát, lắp đặt thêm các máy bơm dã chiến, thực hiện phương án chuyển nước tạo nguồn từ các hồ chứa để chống hạn. Chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý điều tiết nguồn nước một cách linh hoạt và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích nước, tiết kiệm nước chống hạn có hiệu quả.

Ông Đoàn Tiến Đạt, Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Hà cho biết: "Huyện Thạch Hà có vùng trồng rau các loại của huyện hàng năm 1600 ha. Trước khi bước vào mùa khô, các lực lượng đã tổ chức ra quân nạo vét kênh thủy lợi, kênh dẫn dòng. Ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân tưởi nhỏ giọt , tưới bén. Đồng thời tranh thủ các nguồn nước hiện có cung cấp sản xuất nông nghiệp, khuyến cáo người dân sử dụng nước hiệu quả duy trì vùng sản xuất rau cung cấp thành phố Hà Tĩnh".

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, UBND tỉnh Hà yêu cầu các đơn vị, chính quyền địa phương các cấp tập trung chỉ đạo điều tiết, phân phối nguồn nước và bố trí đủ lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ dẫn nước, ép nước tưới cho các vùng cuối kênh, vùng cao, vùng xa đã thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước; Phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác chống hạn, đảm bảo nước phục vụ sản xuất. Điện lực Hà Tĩnh ưu tiên nguồn điện phục vụ trạm bơm trên địa bàn cấp điện ổn định 24/24 giờ, để chủ động bơm nước phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 2020./.

Tác giả: Sơn Lâm

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP