Trong nước

“Nhiều công chức cứ ngồi ì, không đuổi được”

Có nơi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu thực trạng này trong buổi thảo luận hội trường về Báo cáo của Chính phủ việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)  – Ảnh: Hoàng Nam

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói: “Công chức nhà nước bây giờ nhiều ông toàn chơi không, phải kiểm tra lại một cơ quan cần bao nhiêu người, điều kiện sa thải viên chức nhà nước phải mạnh mẽ hơn. Bây giờ cứ tuyển vào rồi ngồi ì ra, không cách nào đuổi được. Thế thì làm sao?”

Đại biểu Thuyền cho rằng cải cách hành chính đang diễn ra nhằm giảm nhiều thủ tục, nhưng giải quyết gì? Chỉ thấy rõ ràng bộ máy ngày càng phình ra, có nơi lãnh đạo lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Sử dụng tiền thuế của dân như vậy quá lãng phí.

“Tôi đề nghị chỉ một đến hai phó để ông trưởng vắt chân lên đầu mà làm, nhiều ông trưởng giao hết cho phó có làm đâu. Đúng như các nghị quyết nói là có việc gì thì cứ “giao phó” – Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền hài hước.

Đại biểu Thuyền đặt vấn đề là hiện chúng ta đang bảo vệ người dân hay bảo vệ cán bộ mà để bộ máy quá cồng kềnh. Nếu bảo vệ lợi ích người dân thì phải kiên quyết sa thải bớt cán bộ yếu kém năng lực.

Đảng viên, cán bộ giữ tài sản sao mất nhiều thế

Nói về việc đấu tranh chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng quyết tâm chính trị là rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Vì sao chưa cao? Ông Thuyền cho rằng đó là vấn đề con người và kể ra một câu chuyện ông chứng kiến.

Đó là dịp ông đi kiểm tra Dinh 3 Bảo Đại ở Đà Lạt, được biết từ năm 1949 đến 1975 chỉ một quản gia quản lý tài sản nhưng đến khi kiểm kê tài sản không thiếu một cái gì. Nhưng khi chuyển giao cho chính quyền, có bao nhiêu đợt kiểm kê, bao nhiêu con dấu nhưng tài sản cứ mất dần.

“Toàn là Đảng viên, cán bộ giữ tài sản sao mất nhiều thế?” – Đại biểu Thuyền chua xót. Theo ông, rõ ràng là do yếu tố con người. Trước kia chỉ một người giữ nhưng không mất gì, nhưng nay nhiều người giữ mà tài sản mất dần.

“Do đó chúng ta phải xây dựng lòng tin cho dân. Có người nói trên truyền hình cán bộ của chúng tôi chưa bao giờ đòi dân một đồng nào, tại dân cứ đưa. Vậy vì sao dân đưa, phải xem lại cán bộ mình. Vì người ta không còn niềm tin, chữa bệnh phải đưa tiền vì họ tin rằng không đưa tiền sẽ không được chăm sóc tốt” – ông Thuyền nói.

Đại biểu Thuyền cho rằng chưa xây dựng được lòng tin cho dân thì tiêu cực còn phát triển, người dân còn đưa tiền cho cán bộ là vì họ không còn niềm tin vào cán bộ nữa.

Chưa có kết luận về vụ ông Trần Văn Truyền

Đây là trả lời của Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trước Quốc hội. Trước đó Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã yêu cầu ông Huỳnh Phong Tranh trả lời vấn đề liên quan đến tài sản và việc bổ nhiệm cán bộ của ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng thanh tra chính phủ.

Tuy nhiên trong phần trả lời của mình, ông Huỳnh Phong Tranh đã “quên” không trả lời và Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đã yêu cầu ông Tranh tiếp tục trả lời.

Ông Huỳnh Phong Tranh nói: “Việc của ông Trần Văn Truyền thuộc  thẩm quyền quản lý Ban Bí thư. Ban Bí Thư đã chỉ đạo Ủy ban kiểm tra trung ương kiểm tra quy trình, dấu hiệu vi phạm, đến nay chưa có kết luận nên chưa báo cáo cho đại biểu Quốc hội được”.

VIỄN SỰ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP