Xe

Nhiều cơ quan Trung ương, địa phương sử dụng ôtô vượt quy định

Đó là một trong những nội dung quan trọng mới được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra trong bản báo cáo tổng hợp kết quả chính từ 360 báo cáo kiểm toán của 190 nhiệm vụ kiểm toán tổ chức trong năm 2022 đối với niên độ ngân sách năm 2021.

Cụ thể, liên quan đến quản lý, sử dụng ôtô tại một số cơ quan trung ương, địa phương, KTNN phát hiện nhiều nơi số lượng xe vượt quy định như Bộ Tài nguyên và Môi trường 11 xe; Bộ Xây dựng 7 xe; Bộ Giáo dục và Đào tạo 4 xe chuyên dùng trên 16 chỗ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 22 xe chuyên dùng và 19 xe dùng chung; Bộ Ngoại giao 8 xe phục vụ công tác chung và 25 xe chuyên dùng, 10 xe phục vụ lễ tân nhà nước; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 7 xe; Bộ GTVT có số xe dôi dư đang xử lý 45 xe.

Kiểm toán viên nhà nước phải vận dụng phù hợp các phương pháp, thủ tục kiểm toán trong quá trình thực hiện công việc.


Bên cạnh các bộ, còn có một số đơn vị như Bảo tàng Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Xã hội học chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn sử dụng xe ôtô dùng chung theo quy định nhưng vẫn được trang bị… Ngoài ra, tại tỉnh Thái Bình, KTNN cũng chỉ ra 4 xe vượt quy định; Đồng Tháp 7 xe; TP Hà Nội 14 xe; An Giang 80 xe; Bắc Ninh 96 xe; Cao Bằng 2 xe (huyện Quảng Hòa); Ninh Bình 3 xe; Bến Tre 4 xe; Thanh Hóa 5 xe; Bình Thuận 26 xe; Quảng Bình 7 xe; Vĩnh Phúc 2 xe. Cùng đó, nhiều đơn vị chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý xe ôtô đến thời điểm ngày 31/12/2021.

Về vấn đề quản lý, sử dụng tài sản là nhà, đất, kết luận kiểm toán cho rằng, nhiều nơi chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định, điển hình là Bộ Xây dựng. Còn tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ có nhiều cơ sở nhà, đất được phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng nhưng chưa hoàn thành phương án và chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Bộ Tài chính. Cùng nội dung này còn có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng không đề xuất phương án sắp xếp lại 62 cơ sở nhà, đất đã phê duyệt.

Tương tự, tại Bộ GTVT, KTNN cũng nêu rõ, tại thời điểm kiểm tra, đơn vị chưa thực hiện sắp xếp 29 cơ sở nhà, đất theo phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; 114 cơ sở nhà, đất chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định. Còn ở Bộ GD&ĐT, tình hình cũng không khả thi hơn khi có tới 63 cơ sở nhà đất, trong đó 43 cơ sở nhà đất đã được Bộ kiểm tra hiện trạng, 20 cơ sở chưa được kiểm tra hiện trạng…

Nghiêm trọng hơn, khi vào cuộc kiểm tra, KTNN cũng phát hiện một số cơ sở nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn được sử dụng. Cụ thể, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường có Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia. Tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ còn 31 cơ sở. Tại Bộ GTVT có một số cơ sở thuộc Cục Đường thủy nội địa, Ban quản lý Dự án 6, Ban quản lý Dự án Hàng hải, Ban quản lý Dự án 85, Các Cảng vụ hàng hải, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tại Trung ương Đoàn có 10 cơ sở; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có 6 cơ sở nhà, đất. Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 6 cơ sở ở Cục Bảo vệ thực vật, 6 cơ sở ở Văn phòng Bộ và 14 cơ sở thuộc Cục Thú y.

Ngoài ra còn có tình trạng đất cơ quan nhà nước bị lấn chiếm. Cụ thể, qua kiểm toán cho thấy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa thực hiện di dời các hộ dân (diện tích khu dân cư là 2.753m2 tại cơ sở nhà đất 98 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội); tại Đại học Công đoàn (2 tòa nhà 5A, 4B), một số phòng bị lấn chiếm trái quy định (tại tòa nhà 5A diện tích bị các hộ dân được giao nhà tại tầng 1 lấn chiếm đất ra phía sau (diện tích lưu không của tòa nhà) tổng diện tích 423m2)…

Tại Bộ GTVT, còn 8 cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, gồm 7 cơ sở chưa được Bộ GTVT và các đơn vị xử lý dứt điểm. Bộ GTVT cũng chưa thực hiện việc thu hồi 9.075,8m2 đất tại địa chỉ số 200/10/2 Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội của Cục Hàng không Việt Nam. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng có 2 đơn vị đang bị lấn chiếm đất. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có 2 cơ sở nhà đất bị lấn chiếm nhiều năm nay chưa được giải quyết. Bộ NN&PTNT cũng có 19 cơ sở với tổng diện tích đất bị lấn chiếm 2.366.991,7m2.

Ngoài các mục trên, KTNN cũng chỉ ra một số đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan trung ương mua sắm tài sản không có trong danh mục được phê duyệt, chưa thực hiện thủ tục thanh lý tài sản theo quy định như Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện công khai tài sản theo quy định. Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ chưa xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công.

Áp dụng quy trình mới về kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng từ 30/6

Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa ký Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quy trình nêu rõ, trong quá trình thực hiện kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán - Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) phải vận dụng phù hợp các phương pháp, thủ tục kiểm toán, kiến thức và xét đoán chuyên môn, các văn bản quy phạm pháp luật để tiến hành kiểm toán các nội dung công việc được giao; chủ động, tích cực trong việc phát hiện gian lận, sai phạm, nhất là các dấu hiệu tham nhũng, tội phạm.

Để nâng cao khả năng phát hiện gian lận, sai phạm, nhất là các dấu hiệu tham nhũng, tội phạm, KTVNN phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt cuộc kiểm toán, phải nhận thức được khả năng có thể tồn tại sai sót trọng yếu do gian lận; trách nhiệm của KTVNN liên quan đến gian lận trong cuộc kiểm toán tài chính...

Khi xem xét, xác định có hay không dấu hiệu tham nhũng, tội phạm, KTVNN cần phải đối chiếu với các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định pháp luật khác có liên quan về hành vi tham nhũng, tội phạm. Quyết định này có hiệu lực từ 30/6/2023.


Tác giả: Đặng Nhật

Nguồn tin: cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP