Danh Nhân

Nhà thơ thích ăn cơm chay

Anh Chính Hữu sinh ở thành Vinh, trong một gia đình bình dân, quê gốc ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Học xong chương trình tiểu học và thành chung tại Vinh anh tìm ra Hà Nội để tiếp tục học lên tú tài. Tú tài phần một anh hoàn thành ở trường Văn Lang, phần hai làm ở trường Louis Pasteur. Mười chín tuổi đã có tú tài toàn phần.

Anh Chính Hữu cầm mảnh bằng tú tài trở về nhà, tham gia phong trào Việt Minh, làm Bí thư thanh niên cứu quốc thành Vinh sau Cách mạng Tháng Tám. Được đúng một năm anh trở lại Hà Nội gia nhập Trung đoàn Thủ đô, đảm nhiệm công tác chính trị viên đại đội. Suốt chín năm kháng chiến lần thứ nhất anh hầu như chỉ ở Đại đoàn 308, chức vụ cao nhất khi về giải phóng Thủ đô là Chính trị viên Tiểu đoàn 322 của Trung đoàn 88. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đó là anh Tiến Trang, bạn chí cốt của Chính Hữu.


Có một lần tôi được mời ăn cơm ở nhà anh Chính Hữu, trong bàn có anh Trang, anh Hà Xuân Trường và anh Huy Cận. Tôi hỏi anh Trang, anh Chính Hữu mắt mũi thế thì hành quân xung trận làm sao, lúc còn trẻ đã phải đeo kính cận chưa? Anh Trang nói, cận nặng rồi, ấy thế mà vẫn mò mẫm ra tận chiến hào đấy, ở Điện Biên các cán bộ cấp tiểu đoàn chúng tớ đều phải có mặt trên tuyến đầu, lúc lao lên là người dẫn đầu.


Anh Trường kể, mình hơn Chính Hữu hai tuổi, hai thằng cùng dắt tay nhau ra Hà Nội làm tú tài, nhà nghèo nên vào trọ trong chùa Bà Đá, trước cổng tòa báo Nhân dân bây giờ, nhà sư quý mến, không lấy tiền, thỉnh thoảng còn được mời cơm chay. Chính Hữu rất thích ăn cơm chay.


Anh Huy Cận vốn là thầy dạy thêm tiếng Pháp của hai anh hồi đó, bây giờ họ ngồi với nhau như bạn bè, nhưng không phải vì thế mà thiếu sự quý trọng. Chính Hữu chín chắn từ trẻ, khả năng tự học tốt, anh Huy Cận nói, “lúy” là người sớm có tư chất, tư duy triết học giúp hắn có thơ hay.


Tôi có một người thầy, ông tên là Trần Bá Tuyền, nguyên là Hiệu trưởng trường Hàn Thuyên bên Bắc Ninh. Một hôm tôi nói với anh Chính Hữu là muốn đến thăm cụ Tuyền, anh Chính Hữu bảo cho mình đi với, mình biết cụ Tuyền, lâu lắm không gặp. Hai anh em đi vòng vo trên con đường lát gạch trong làng Ngọc Hà, gia đình cụ Tuyền lúc đó đã mua được một mảnh vườn, dựng một nếp nhà nhỏ ở đó. Vừa thấy anh Chính Hữu ông cụ đã ôm chầm lấy mà bảo: “Ồ anh Chính Hữu, xa nhau lâu quá rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn được đọc thơ của anh trên báo, nhưng sao làm ít thế, việc gì anh cũng muốn chậm. Bây giờ anh làm to, chắc bận nhỉ”.


Tôi ngồi nép bên cạnh nghe những bậc trên trò chuyện. Lúc sắp chia tay, cụ Tuyền quay sang tôi kể: “Sau Hiệp định Geneva thầy đang dạy học thì được điều động đi làm thông dịch cho phái đoàn quốc tế kiểm sát việc thực hiện Hiệp định đình chiến, đi suốt trong Nam ngoài Bắc, người ta đến đâu thì mình theo chân đến đó. Anh Chính Hữu làm thủ trưởng của thầy. Anh ấy làm việc giỏi lắm, tiếng Pháp rất tốt”.


Họ lại ôm lấy nhau một lần nữa, lúc ra ngoài ngõ anh Chính Hữu bảo, ông cụ là bậc đàn anh, một chuyên gia bậc thầy về tiếng Anh và tiếng Pháp, rất hiếm có một trí thức nhã nhặn mà sang trọng đến vậy.


Hôm đám tang nhà thơ Xuân Diệu tổ chức tại 51 Trần Hưng Đạo, tôi được cắt cử vào chân đứng canh linh cữu, đứng một mình, suốt buổi. Anh Nguyễn Đình Thi giải thích vì trong cơ quan cậu là người trẻ nhất, anh Xuân Diệu lại không con cái gì, vì thế cũng phải có một người làm mụ gậy cho anh ấy.


Còn rất sớm, ngoài sân chưa có khách, nhạc thiều chưa cử lên thì chợt thấy đồng chí Lê Đức Thọ bước vào, ông đi một mình. Ông đi thẳng đến chỗ anh Xuân Diệu nằm, nhưng tới đấy chỉ là để hỏi tôi, lúc anh Xuân Diệu mất lãnh đạo Hội Nhà văn có ai ở đấy không? Tôi thưa, có anh Chính Hữu, anh ấy đứng góc phòng đằng kia, để cháu gọi. Ông Thọ xua tay, thôi không cần, có Chính Hữu là tốt rồi, nói là tôi đã đến, cứ thế mà làm. .


Nói rồi ông cụ lại cửa ngách mà ra. Ông cụ đi rồi mới thấy anh Chính Hữu đến gần tôi hỏi, ông ấy có dặn gì không? Tôi phải nhắc lại lần lượt câu chuyện không sót một lời, lại đến lượt anh Chính Hữu gật đầu, thế là tốt rồi. Tôi hỏi lại, sao thấy ông cụ anh không chạy đến một chút, anh Chính Hữu hấp háy cười, việc ai người nấy làm. Anh Chính Hữu buổi ấy vận comple màu nâu sẫm, giày da đỏ, cà vạt đen, đứng lặng lẽ, bước đi cũng lặng lẽ, quanh quẩn ở đó suốt buổi.


Giữa buổi có Đoàn Trung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới viếng anh Diệu. Tôi để ý thấy anh Chính Hữu vẫn cứ một mình đứng nguyên ở góc đằng kia, giữa chỗ đông người, vốn đã ít lời anh lại càng ít lời và hình như không muốn làm bận, làm rối thêm mọi người.


Lần này anh ốm nặng, tôi vội vào viện thăm, cầm tay anh rất lâu, tay tôi đã lạnh, tay anh còn lạnh hơn. Lúc sắp ra về tôi ghé tai hỏi anh, anh có dặn gì bọn em không, anh Chính Hữu nháy nháy má mấy cái rồi bảo, cố gắng bảo nhau viết cho sang, sống cho sang, thiếu yêu thương thì không thể sang được.


(Còn nữa)


Tùy bút của Đỗ Chu

ANTD

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP