Trong nước

Nhà nước thu được bao nhiêu tiền từ nguồn lực đất đai?

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, người đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay, 4/6 cho biết, nguồn thu từ đất đai tăng mạnh qua các năm, đóng góp lớn cho ngân sách nhiều địa phương…

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà là vị tư lệnh ngành thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội

Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà là chủ thể chính của phiên chất vấn về các nhóm vấn đề: công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Quản giá đất tại đô thị lớn luôn “khó và nóng”

Báo cáo về các nội dung chuẩn bị cho phiên chất vấn, về quản lý đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, giá đất và tài chính đất đai tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi có tốc độ phát triển kinh tế xã - hội nhanh, luôn là vấn đề khó và nóng.

Việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có liên quan trực tiếp đến giá đất, người sử dụng đất, tại các khu vực này là nơi có nhiều dự án có quy mô sử dụng đất lớn với vị trí thuận lợi, sinh lời cao; giá đất tại các đô thị luôn cao hơn gấp nhiều lần so với các tỉnh, thành phố khác…

Nguồn thu từ đất đai (không tính các khoản thu từ phí, lệ phí) tăng qua các năm đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, điển hình như thành phố Hà Nội, năm 2014 là 14.218 tỷ đồng, năm 2015 là 20.453 tỷ đồng, năm 2016 là 33.894 tỷ đồng. Thành phố Đà Nẵng, năm 2014 là 1.255 tỷ đồng, năm 2015 là 2.517 tỷ đồng, năm 2016 là 3.166 tỷ đồng. TPHCM, năm 2014 là 9.199 tỷ đồng, năm 2015 là 21.394 tỷ đồng, năm 2016 là 23.894 tỷ đồng.

Về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, trước năm 2013, mỗi năm Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được từ 6.000 đến 10.000 đơn. Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, đơn thư gửi đến Bộ giảm dần (năm 2017 chỉ còn 3.500 đơn), trong đó gần 2% số vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ (năm 2016 là 18 vụ, năm 2017 là 25 vụ), hơn 80% đơn đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, gần 18% đơn đã có quyết định giải quyết cuối cùng (hoặc lần 2).

Trong đó, từ năm 2013 đến nay, đơn khiếu nại chiếm 70% (đa số là đơn có nội dung khiếu nại liên quan đến việc áp dụng chính sách pháp luật đất đai trước năm 2013), đơn tranh chấp đất đai chiếm 12% (đa số tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân); đơn đòi lại đất cũ chiếm 7%; đơn tố cáo sai phạm về đất đai 11%.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khái quát, công tác tiếp nhận đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân gửi về Bộ thời gian gần đây cho thấy, một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo tương đối cao. Cụ thể, TP Hà Nội (2.072 đơn), TPHCM (1.125 đơn), Đà Nẵng (132 đơn), Bình Định (630 đơn), Đồng Tháp (398 đơn), Khánh Hòa (368 đơn), Tp. Hải Phòng (357 đơn), Bắc Ninh (336 đơn), Bà Rịa - Vũng Tàu (328 đơn), TP Cần Thơ (296 đơn)…

Cuộc sống của người dân “hậu thu hồi đất” tiềm ẩn rủi ro

Tư lệnh ngành TN-MT nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai của một số tỉnh, thành phố có nhiều khiếu nại, tố cáo về đất đai còn một số hạn chế như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đất đai còn chậm hơn so với thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành.

Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác nguồn lực đất đai thực hiện còn rất hạn chế, hầu hết là vẫn thực hiện giao, cho thuê trực tiếp cho các nhà đầu tư. Nguyên nhân là do nhiều địa phương đặt nặng thu hút đầu tư hơn là việc tăng thu ngân sách nhà nước thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn nhiều bất cập, khiếu kiện luôn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%), chưa đảm bảo sinh kế cho người bị thu hồi, phát sinh nhiều chi phí (như: chuyển đổi chỗ ở, việc làm, học hành, đi lại, thu nhập, y tế, tâm lý, hòa nhập cộng đồng nơi ở mới..).

Cuộc sống “hậu thu hồi đất, hậu tái định cư” của người dân tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi điều kiện đảm bảo về an sinh xã hội chưa cao; trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa kịp thời và chặt chẽ.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP