Xã hội

Người thanh niên xuất hiện trong đêm khiến nữ lao công rơi nước mắt

Xe chở rác đi qua nhà, nhiều người không kịp mang rác ra cửa, họ xách rác đuổi theo xe rồi gọi giật giọng: “Rác ơi”. Sau đó, vèo một cái, họ ném túi rác bay thẳng về phía lao công …

Chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1975) công nhân vệ sinh môi trường tổ 16, khu Thái Hà, phường Trung Liệt, Hà Nội chia sẻ, sau 24 năm bươn trải với nghề, đã có lúc những lao công như chị bật khóc vì sự vô tâm và cay nghiệt.

Tuy nhiên bên cạnh những ấm ức ấy, chị vẫn thấy yêu nghề sạu nhiều năm gắn bó.

Chị Tuyết cho biết, chị bắt đầu đến với nghề từ năm 19 tuổi. Khi mới làm, chị từng rất ngỡ ngàng và tổn thương mỗi khi kéo xe đi thu lượm rác, những người dân gọi chị bằng cái tên “Rác ơi”.

“Mình gõ kẻng rồi kéo xe rác đi qua các nhà dân. Nhiều người không kịp mang rác ra cửa, họ xách rác đuổi theo xe rồi gọi giật giọng: “Rác ơi”. Sau đó, vèo một cái, họ ném túi rác bay thẳng về phía mình. Người nào ném chuẩn thì túi rác nằm gọn trong xe, còn không, túi tác vỡ tứ tung hoặc đập vào người mình mà bắn ra”, chị nhớ lại.

Vẫn theo chị Tuyết, có những người thiếu ý thức hơn, họ nghe tiếng kẻng rác nhưng không mang rác xuống bỏ vào xe mà đứng trên tầng 2, sau đó, chờ lao công kéo xe rác đi ngang qua, họ ném thẳng túi rác từ tầng 2 xuống.

“Ở một con ngõ trên phố Thái Hà, có một gia đình thường xuyên có thói quen như vậy. Nhiều lần, túi rác bắn cả vào mặt công nhân. Mình nhắc nhở thì họ trả lời bằng cái giọng chỏng lỏn: “Tiện thì ném”, người lao công kể.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1975) công nhân Vệ sinh môi trường tổ 16, khu Thái Hà, phường Trung Liệt, Hà Nội.

Chị cho biết, thời gian đầu mới đi làm, chứng kiến những cảnh đó, chị thấy giận và tủi lắm. Tuy nhiên sau nhiều năm làm việc, chị tự rút ra cho mình một chân lý là nên bỏ qua để hoàn thành được công việc và cũng giúp những lao công như chị tránh khỏi phiền phức.

“Ở tổ của mình có chị đã từng bị đánh tím mặt vì dám nhắc nhở chuyện đổ rác không đúng nơi qua định với người dân”, chị Tuyết kể.

“Hôm đó là ca trực ngày, một chị trong nhóm tôi bắt gặp người đàn bà bán hoa quả đổ cả đống xơ mít, vỏ dứa… ra đường (không đúng vị trí đổ rác). Vì thế chị ấy đã lại gần chỗ người đàn bà đó để nhắc nhở. Tuy nhiên thay vì rút kinh nghiệm, người đàn bà này lại lu loa và nói lời xúc phạm chị lao công kia. Cả hai lời qua tiếng lại. Cuối cùng, họ lao vào nhau… Chị lao công bị đánh đến tím mặt.

Chưa hết, hôm sau, người đàn bà bán hoa quả kia còn gọi thêm người định 'xử lý' chị lao công. Tổ chúng tôi phải đến gặp mặt và phân tích, giải quyết vụ việc, người phụ nữ này mới xin lỗi”, chị tiếp tục câu chuyện.

Theo chị Tuyết, trên tuyến phố mà chị làm công tác dọn vệ sinh môi trường trong 24 năm qua, có vài người ý thức chưa tốt, chưa tự giác và thiếu sự tôn trọng đối với nghề nghiệp của các chị. Họ sẵn sàng lăng mạ, chửi bới, và gọi người ra đánh lao công nếu các lao công bắt gặp và góp ý với họ chuyện đổ rác.

“Khi góp ý thì một số người dân xưng hô thiếu lịch sự. Họ bảo, họ thích thì họ đổ, đổ ra cho chúng tôi có việc làm… ”, chị Tuyết bức xúc.

Tuy nhiên chị cũng phải thừa nhận, có rất nhiều người dân tốt bụng. “Họ thấy chúng tôi làm việc vất vả, thu nhập không cao nên thường phân loại riêng các loại chai lọ, đồng nát… rồi gọi chúng tôi vào cho. Nhiều người thấy chúng tôi làm việc lúc đêm hôm rét mướt còn gọi vào mời cốc nước ấm hoặc chút hoa quả của nhà”, nữ lao công cho biết.

Kỷ niệm khiến Tuyết nhớ nhất là khi chị đi làm trong buổi tối ngày 8/3. “Khi đó, tôi làm ca tối bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 đến khoảng 1 giờ sáng. Vì là ngày lễ nên các đôi tình nhân, gia đình đưa nhau đi ăn, chơi rất nhiều. Nhìn mọi người váy áo là lượt, ôm hoa, quà nhận được từ cánh mày râu mà chúng tôi thấy chạnh lòng.

Tuy nhiên chúng tôi cũng cố gắng gạt bỏ tâm sự riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đang làm thì tôi nghe tiếng gọi của một thanh niên. Ngẩng mặt lên, tôi nhận ra cậu ta đang cầm một bó hoa.

Cậu ta đưa bó hoa về phía tôi và nói tặng tôi khiến tôi cảm động vô cùng. Sau đó tôi mới biết, cậu ấy là sinh viên, đang bán hoa ở cổng trường đại học Thủy Lợi. Nhóm bạn của cậu ấy đang bán hàng, nhưng cậu ấy đã cẩn thận gói riêng một số bó hoa để mang tặng những người vô gia cư, các lao công và những trường hợp đặc biệt trên khu phố.

Vì thế tôi thấy trân trọng lắm. Tôi mang bó hoa về nhà, trong lòng rất vui, rất tự hào”- chị Tuyết nhớ lại.

Tác giả: Minh Anh - Nhật Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP