BS Hoàng Thăng Vân, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh cho biết, khoa vừa cấp cứu thành công trường hợp bị sốc phản vệ do ngộ độc thực phẩm.
Bệnh nhân là bà Vũ Thị H., 55 tuổi, trú tại huyện Quảng Yên, Quảng Ninh cho biết, ngày 18/9, bà đi ăn cơm tại nhà người quen, trong bữa ăn có nhiều món nhưng khi vừa ăn thịt gà và con ruốc biển, bà đã thấy trong người có biểu hiện khác thường.
Được đưa đến bệnh viện kịp thời, bệnh nhân đã may mắn qua cơn nguy kịch |
xSau ăn 15 phút, bà chuyển đâu bụng, ngứa khắp người, ban đỏ toàn thân. Sau khoảng 30 phút, tình trạng ngày càng nghiêm trọng khiến bà H. bất tỉnh. Người thân đã đưa bà đến BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.
BS Vân cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích, nổi mẩn đỏ toàn thân, buồn nôn, khó thở, huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ khó bắt.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ III do thực phẩm. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ cho người bệnh: Tiêm Adrenalin, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch…
May mắn do được cấp cứu kịp thời nên sức khoẻ bệnh nhân hiện đã ổn định.
Sốc phản vệ là một hội chứng cấp tính, có nguy cơ tiềm tàng đe dọa tính mạng với biểu hiện toàn thân, đặc trưng gồm suy thở hoặc suy tuần hoàn, thậm chí cả hai.
Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị côn trùng đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Trong đó các trường hợp sốc phản vệ do dị ứng thức ăn không quá hiếm gặp, nhiều trường hợp nguy kịch dù chỉ ăn một hạt vừng, hạt lạc.
Khi bị sốc phản vệ, cấp cứu càng sớm càng tốt, nếu để chậm trễ, bệnh nhân có nguy cơ bị suy hô hấp cấp, tụt huyết áp dẫn tới tử vong.
Riêng với hải sản, các nhà khoa học lâm sàng đã thống kê các loại hải sản dễ gây dị ứng gồm: Nghêu, ngao, cua, trai, bạch tuộc, hàu, sò, tôm, mực.
Do đó, những người bị dị ứng thực phẩm hoặc có cơ địa dị ứng cần thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thực phẩm.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet