Nhân ái

Người mẹ nghèo 7 năm nhặt ve chai chăm con trai liệt giường

Những cơn gió mùa đông ùa về khắp thành phố Vinh, cái lạnh bao trùm… một cái Tết nữa lại sắp đến, nhưng với bà Toóng (xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có lẽ niềm vui vẫn chưa đến. Tết này lại như 7 cái Tết đã qua, bà lại lặng lẽ một mình nơi phòng bệnh, chăm người con trai bị tai nạn giao thông đang phải sống thực vật ở BV Quân y 4.

Bảy năm chăm con liệt giường

Người dân sống xung quan Bệnh viện Quân y 4 dường như đều đã quen với hình ảnh phụ nữ luống tuổi, người nhỏ thó, da đen sạm cầm chiếc bao tải đi nhặt nhạnh chai lọ, hộp bánh kẹo, lon bia... ở vệ đường, các bãi rác ở xung quanh khu vực bệnh viện. Bà là Vi Thị Toóng (SN 1966, trú xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có con trai Lương Văn Khăm (28 tuổi) đã điều trị 7 năm tại bệnh viện này.

7 năm bà Toóng nhặt ve chai chăm con liệt giường sau tai nạn.

Mỗi ngày, bất kể nắng hay mưa bà đều cần mẫn đi nhặt ve chai để kiếm tiền mua thêm hộp sữa, cái bỉm cho con và mua bánh mỳ ăn cầm hơi qua ngày. Những ngày nắng đi nhiều mồ hơi bà không ngớt nhưng những ngày mưa gió có khi đi đến mệt lả mà bà cũng không kiếm được đồng nào. Dáng bà như còng hơn, da bà như sạm đen hơn sau mỗi mùa mưa nắng.

Ngồi nghỉ ở dãy hành lang bệnh viện, bà Toóng nói chuyện với chúng tôi bằng giọng Kinh lơ lớ. Ánh mắt bà sáng lên khi kể về những ngày Khăm chưa bị tai nạn, khi còn là chàng trai khỏe mạnh, anh từng tự nguyện đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Thế nhưng, cuối năm 2011, trong một lần nghỉ phép về thăm nhà, Khăm bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Mặc dù gia đình bà đưa con đưa đi khắp các bệnh viện tuyến T.Ư chữa trị nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Bà Toóng chỉ mong ước nhỏ nhỏi là con trai bà khỏe lại để cùng nhau đón một cái tết đầm ấm ở quê.

Sau 4 tháng điều trị ở Bệnh viện Quân y 103 Hà Nội, Khăm vẫn nằm bất động, trong khi tiền bạc đã khánh kiệt, bà đành xin đưa con về Bệnh viện Quân y 4 để thuận tiện đi lại và đỡ tốn kém.

Rồi giọng bà trầm xuống, khi kể về quãng thời gian con nằm trên giường bệnh, cũng là quãng thời gian dài đằng đẵng bà xuống viện chăm con. Hồi đầu, gia đình nuôi được con trâu, đàn dê, đàn gà đều bán non để lấy tiền chữa trị cho anh Khăm nhưng giờ nhà chẳng còn gì nữa nên bà tranh thủ thời gian xuống bệnh viện vừa chăm con vừa đi loanh quanh nhặt ve chai bán kiếm thêm kiếm cháo, tiền sữa.

Gần đến giờ ăn trưa, bà vội sang quán tạp hóa ven đường mua mấy hộp sữa và ít cháo loãng cho con. Trên giường bệnh, người con trai 28 tuổi cùa bà nằm im bất động, ánh mắt hướng ra cửa khi thấy mẹ bước vào. Bà Toóng cầm chiếc kim tiêm cỡ lớn cẩn thận hút nước cháo loãng bơm vào ống nhựa thông qua mũi con trai. Khi ống nhựa bị tắc, anh Khăm khẽ rên, bà tạm dừng, dùng tay vuốt nhẹ lên ngực con, rồi tiếp tục công việc. Những động tác khó ấy được bà Toóng thực hiện một cách thuần thục, thời gian dài đã giúp bà trở thành người y tá riêng của con.

Ước mong của người mẹ nghèo

Sau khi anh Khăm ăn xong, bà Toóng cẩn thận lau mặt, ngồi bóp chân và trò chuyện cho con. Những câu chuyện vẩn vơ không đầu không cuối về phòng bệnh bên cạnh, về thời tiết, về những thứ đồ lặt vặt bà nhặt được hôm nay hay những câu chuyện ở nhà bà mới được chồng, con gọi xuống kể. Không ai biết anh Khăm có hiểu hết những lời bà kể không, nhưng có lẽ với người mẹ kham khổ này, nói chuyện với anh cũng là cách vơi bớt đi những nhọc nhằn mưu sinh và cả nỗi nhớ nhà, nhớ bản làng.

Bà Toóng chăm sóc con trai tại bệnh viện.

Anh Khăm tai nạn và nằm viện đã 7 năm, bà Toóng cũng đã có từng ấy thời gian bà chưa được về thăm quê. Kể cả khi đám cưới ba người con, bà cũng không thể có mặt mà đành phải nhờ cậy chồng cùng anh em họ hàng, làng xóm đến phụ giúp. Bởi nếu về, không có ai thay bà chăm sóc Khăm. “Buồn nhất là mỗi dịp Tết, bệnh viện vắng bệnh nhân, ai cũng được về nhà đón Tết với gia đình. Tôi nhớ quê nhà và thương các con, các cháu lắm”. Nói rồi, ánh mắt bà lại nhìn ra ngoài khung cửa sổ xa xăm, vô định.

Chỉ khi con trai đã ngủ, bà Toóng mới ra hành lang, ăn vội chiếc bánh mỳ giờ đã cứng ngắc. “Nhiều người cũng bảo vợ chồng tôi hay là buông đi, chứ giờ thằng Khăm chỉ sống thực vật như vậy thì khổ mình. Nhưng là mẹ, tôi làm sao có thể bỏ con. Dù chỉ còn một phần trăm hi vọng tôi cũng sẽ bám bệnh viện, ở bên chăm sóc con”, bà Toóng nói trong nước mắt.

Lại một cái Tết nữa sắp đến. Tết này bà Toóng lại xa nhà, và bà cũng không rõ còn bao nhiêu cái Tết như thế nữa. Những ngày dài đi nhặt ve chai, những tối ngồi một mình nơi ghế đá bệnh viện, những đêm giao thừa xa nhà, có lẽ, bà vẫn đang mong một phép màu, để anh Khăm có thể khỏe lại như ngày trước, để mẹ con bà có thể về quê đón cái Tết bên mái nhà sàn quen thuộc.

Tác giả: Nguyên Đình

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP