Toà soạn Pháp Luật Plus vừa tiếp nhận đơn kêu oan của bà Lê Thị Thanh Xuân gửi đến với nội dung, nhờ Pháp Luật Plus đăng tải đơn kêu oan gửi đến ông Nguyễn Hoà Bình – Viện trưởng VKSND Tối cao. Pháp Luật Plus xin đăng tải nguyên văn nội dung lá đơn này:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Đơn kêu cứu
<
Kính gửi: ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tên tôi là: Lê Thị Thanh Xuân. Sinh năm 1975
Hộ khẩu thường trú: Tổ dân phố Đăng Châu – TT. Sơn Dương – Tuyên Quang
Ngày 18/4/2011 tôi bị công an Thành phố Tuyên Quang bắt giam nhưng không có lệnh bắt. Sau rất nhiều phiên tòa xét xử tôi tội cưỡng đoạt tài sản nhưng không có căn cứ. Tòa án Thành phố Tuyên Quang trả hồ sơ rất nhiều lần để điều tra bổ sung.
Sau 853 ngày bị tù giam, ngày 31/8/2013 tôi nhận quyết định tạm đình chỉ vụ án, đến nay sau 853 ngày bị quản thúc tại địa phương vụ án vẫn không được các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang giải quyết minh oan cho tôi. Tôi đã làm đơn tố cáo, kêu oan tới rất nhiều cơ quan trong tỉnh và trung ương nhưng chưa được giải quyết.
Thưa ông! Tôi khẳng định với ông tôi bị oan khi bị bắt giam do công an Thành phố Tuyên Quang cố tình lạm dụng chức vụ bắt tôi để bao che, bỏ lọt tội phạm là người nợ tiền của tôi. Bố tôi là thương bệnh binh chống Mỹ, mẹ tôi là đảng viên, hai em tôi làm trong ngành công an và hai em làm trong quân đội, tôi là người kinh doanh thành đạt, là trụ cột chính trong gia đình.
Chỉ vì thói quan liêu bảo thủ đã bắt là phải có tội của Đội hình sự công an Thành phố Tuyên Quang gây hệ lụy cho gia đình tôi về tinh thần, tôi bây giờ mất nghề, mặc cảm. Tất cả do thói cẩu thả của công an Tuyên Quang và Viện kiểm sát Thành phố Tuyên Quang.
Hôm nay tôi nhờ Tòa soạn báo Pháp Luật Plus chuyển đơn kêu cứu của tôi đến ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời công bố rộng rãi tới các cơ quan ngôn luận được biết để sớm minh oan cho tôi.
Tôi xin trân trọng cám ơn!
Tuyên Quang, 31/12/2015
Người làm đơn
(Đã ký)
Lê Thị Thanh Xuân
Điện thoại: 0988.247.937
Kính mong ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan liên quan lưu tâm tới việc của tôi.
Đơn Kêu cứu của bị can Lê Thị Thanh Xuân gửi Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình |
Theo bản cáo trạng năm 2011, VKSND Thành phố Tuyên Quang cho rằng: Lê Thị Thanh Xuân cho Trần Kim Tuyên (ở TP Tuyên Quang) vay hơn 2,9 tỷ đồng. Sau đó, Xuân đòi nợ nhiều lần mà Tuyên không trả.
Tháng 4/2011, Xuân gặp Nguyễn Văn Tuấn qua câu chuyện nhờ Tuấn bán nhà, Xuân có kể về việc cho Tuyên vay nợ và nhờ Tuấn hỏi nợ giúp. Xuân không đi cùng. Tuấn mang theo một khẩu súng đồ chơi (máy lửa) và rủ thêm Toàn và Hoàng Văn Quân đến nhà Tuyên hỏi nợ.
Đến nơi, Tuấn nói thẳng với Tuyên về việc đòi nợ cho Xuân và yêu cầu phải trả. Tuyên tuyên bố không trả nợ và đã chuyển nợ sang cho một người tên Ngọc. Sau lời qua tiếng lại, ông Khoa (chồng bà Tuyên) đòi đuổi nhóm Tuấn ra ngoài. Tuấn giơ tay định túm cổ áo ông Khoa nhưng ông này tránh được.
Tuyên chạy lại xô Tuấn và Quân ra. Ông Khoa hô: “Chúng mày đâu, lên hết đây, trói gông chúng lại để tao báo công an”. Tuấn, Toàn, Quân chạy ra ngoài. Tuấn lấy khẩu súng đồ chơi chỉ vào nhà hô: “Tao bắn chết mày”. Sau đó Tuấn, bị công an bắt giữ còn Quân bỏ trốn. Cùng đêm đó, Xuân cũng bị công an bắt giữ tại nhà riêng tại huyện Sơn Dương.
Còn bản cáo trạng ngày 07/11/2014, phía VKSND Thành phố Tuyên Quang lại có tình tiết cho rằng: Việc truy tố bị can Xuân vào khoản 2 ở cáo trạng trước lại chuyển sang truy tố Xuân vào khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự. Trong cáo trạng năm 2014, cũng không thấy có tình tiết nào khẳng định cho việc chuyển nợ từ Trần Kim Tuyên sang Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Theo lời bà Xuân, tính đến hết năm 2015, vụ án này đã được đưa ra xét xử đến 12 lần và trong 12 lần đưa vụ án ra xét xử, toà lại tuyên hoãn và trả hồ sơ để làm rõ.
Bị can lê Thị Thanh Xuân (Người đẹp Tuyên Quang) gửi lời kêu cứu lên Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc và sớm có kết luận vụ án “cưỡng đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, lý do chính được toà án đưa ra là lời khai tài liệu chứng cứ buộc tội các bị cáo còn nhiều mâu thuẫn, chưa được cơ quan điều tra xác định rõ. Đến nay, bị can Xuân vẫn đang chờ đợi kết luận cuối cùng của vụ án nghiêm trọng này.
Ngày 03/1/2016, trả lời PV Pháp Luật Plus, bà Xuân cho biết: “ Tôi là người bị Công an TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang bắt giam ngày 18/4/2011, nhưng lúc bắt tôi lại không có lệnh bắt giữ. Sau này, khi bị giam cầm trong nhà tạm giam được 3 ngày thì mới có lệnh tạm giam. Công an TP Tuyên Quang còn thu giữ nhiều tài sản của tôi gồm: điện thoại, tiền mặt, thẻ ATM, vàng nữ trang… sau hơn 2 năm trời bị giam cầm và đưa ra xét xử rất nhiều lần. Mới đây nhất, vào ngày 17/6/2015, Toà án TP Tuyên Quang lại có quyết định tạm đình chỉ vụ án lần 2 để điều tra bổ sung”.
Tôi khẳng định rằng, tôi không cưỡng đoạt tài sản của ai nên việc cơ quan tố tụng TP Tuyên Quang đã bắt giam, truy tố tôi là hoàn toàn không đúng pháp luật, việc làm này đã gây nên hệ luỵ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân tôi, đến gia đình và người thân tôi.
Tôi là người bị oan, vì vậy tôi khẩn thiết đề nghị lên ông Nguyễn Hoà Bình – Viện trưởng VKSND Tối cao và cơ quan liên quan nhanh chóng làm rõ vụ việc để sớm minh oan cho tôi sau 853 ngày bị giam cầm trong trại tạm giam và 853 ngày bị quản thúc tại địa phương (tính đến ngày 03/1/2016).
Được biết, liên quan đến đơn kêu oan của bà Xuân gửi đến cơ quan chức năng, từ năm 2014 đến nay, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã vào cuộc để điều tra làm rõ vụ án. Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm này, bị can Xuân cũng như các bị can khác liên quan trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” ngày 18/4/2011 tại Tuyên Quang vẫn đang còn khẩn thiết kêu oan khi cơ quan chức năng liên quan còn bỏ ngỏ kết luận cuối cùng.
5 Thanh niên tại Tuyên Quang cũng đang kêu oan vụ “giết người” Năm 2015, Cơ quan VKSND Tối cao tại Hà Nội đã vào cuộc thụ lý nội dung đơn kêu oan của 5 thanh niên gồm: Bàn Văn Thái (SN 1974), Bàn Văn Tiếp (1986), Đặng Văn Quang (1984), Đặng Văn Tuyên (1995) cùng trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và Đặng Việt Sơn (1992), trú tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bị Cơ quan điều tra, tố tụng tỉnh Tuyên Quang truy tố tội “giết người” đối với Đăng Văn Cường, trú tại thôn 6, xã Bằng Cốc – Hàm Yên – Tuyên Quang, bị tử vong vào lúc 02 giờ ngày 16/7/2012. Ngay sau khi vào cuộc điều tra vụ án mạng xẩy ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Yên đã tiến hành việc bắt tạm giam cả 5 thanh niên nói trên, dựa vào một lá đơn tố cáo nặc danh được công dân gửi đến hòm thư tố giác tội phạm của Công an huyện Hàm Yên. Theo đó, cả 5 thanh niên trên đã bị bắt tạm giam từ tháng 9/2012, đến ngày 11/3/2015 thì được tạm tha tại ngoại, do phía gia đình bị hại (vợ nạn nhân Đặng Văn Cường) có đơn yêu cầu không xem xét hình sự đối với 5 bị can. Cơ quan CSĐT đã ra quyết định đình chỉ tạm thời vụ án, thay đổi biện pháp ngăn chặn, thay đổi tội danh truy tố từ vụ án “giết người” thành vụ án “cố ý gây thương tích”. Đáng chú ý trước đó, trong quá trình thụ lý xét xử vụ án, đã 14 lần 5 bị cáo liên quan đến vụ án “giết người” bị đưa ra xét xử công khai. Tuy nhiên, cả 14 lần các bị cáo đều đồng loạt kêu oan, bởi họ không thực hiện hành vi giết người đối với Đặng Văn Cường. Cũng tại các phiên toà, các bị cáo đã công khai tố cáo việc họ bị các điều tra viên bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành việc hỏi cung đối với cả 5 người. Quá trình làm rõ tại các phiên toà, HĐXX đã phải tuyên dời và hoãn phiên xét xử đến 6 lần. Và có đến 8 lần, HĐXX đã tuyên trả lại hồ sơ vụ án để yêu cầu điều tra bổ sung các tình tiết chưa rõ liên quan đến vụ án. |
Chúng toi sẽ tiếp tục thông tin.
Song Cường- Đức Hiếu