hatinh24h
Ảnh minh họa.

Sau một thời gian úp thuyền nằm bờ, kể từ khi sự cố cá biển chết hàng loạt, ngư dân các xã bãi ngang của Quảng Bình đã bắt đầu trở lại đánh bắt trên biển. Ở các xã như Quảng Xuân (Quảng Trạch), Nhân Trạch (Bố Trạch), Hải Ninh (Quảng Ninh), Ngư Thủy (Lệ Thủy)… mỗi ngày hàng chục chiếc thuyền ra biển. Hầu hết các thuyền này đều “tự do” đánh bắt mà không hề gặp sự ngăn cản nào từ phía chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng.

Theo phản ánh của  ngư dân, mặc dù có lệnh cấm đánh bắt gần bờ nhưng hầu như bị thả nổi. Việc ngư dân bãi ngang nghỉ đi biển là do cá gần bờ bị chết hết và người dân không tiêu thụ chứ không hề liên quan đến lệnh cấm. Ông Lê Văn Tỳ, ngư dân xã Nhân Trạch (Bố Trạch) cho biết: Ông nghỉ ra biển khoảng hơn 1 tháng sau khi cá chết hàng loạt, sau đó ông vẫn đánh bắt bình thường, tuy nhiên sản lượng chỉ bằng 1/10 trước thời điểm cá chết.

Sau một đêm thả lưới ở khu vực biển phía ngoài cửa sông Nhật Lệ, ông Tỳ chỉ thu được 1 con cá đuối và chưa đầy 1 kg ghẹ. Ông Tỳ không giấu được nỗi buồn: “Trước đây ở vùng biển này, dưới rạn san hô có nhiều loài hải sản cư ngụ, mỗi đêm thả lưới tui cũng kiếm được tiền triệu, nhưng bây giờ thì với chừng ni đây bán chưa được 2 trăm ngàn, chưa bù được tiền dầu nói chi kiếm sống…”.

Một lãnh đạo xã Hải Ninh tâm sự: Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân như sự động viên, khích lệ thôi. Vẫn biết ngư dân ra biển đánh bắt, nhưng chính quyền xã không thể can thiệp, vì đó là miếng cơm, manh áo của họ.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam, cũng thừa nhận hiện tượng ngư dân ra biển đánh bắt, tuy nhiên việc tiêu thụ khó khăn hơn kể từ sau khi Bộ Y tế công bố vùng biển Quảng Bình trong 13,5 hải lý vẫn còn nhiễm độc.

Trong khi đó, ở các chợ trên địa bàn Quảng Bình, ngoài hải sản đánh bắt xa bờ, thì hải sản tầng đáy nằm trong danh mục khuyến cáo như cá mú, ghẹ, tôm vẫn được bày bán tràn lan.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình khẳng định: Quảng Bình vẫn cho phép ngư dân đánh bắt bình thường nhưng cấm đánh bắt ở vùng biển 330km2 ở cửa biển Nhật Lệ, đồng thời cấm ngư dân khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào bằng các nghề: lưới, kéo, rê đáy, lặn, lồng bẫy… Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo các cơ quan Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.

Hoàng Nam