Tin Hà Tĩnh

Ngư dân Hà Tĩnh nhọc nhằn mưu sinh mùa biển động

Dịp cuối vụ cá Nam, trên biển thường xảy ra giông lốc, tiềm ẩn rủi ro khó lường nhưng ngư dân Hà Tĩnh vẫn kiên cường ra khơi để mưu sinh, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhọc nhằn nghề đi biển

Gần 20 ngày trôi qua, ngư dân Nguyễn Đức Hương ở thị trấn Lộc Hà vẫn nhớ như in giờ phút tàu cá HT20231-TS bị chết máy, trôi dạt lênh đênh trên biển. “Lúc đó, đêm tối mịt mùng, sóng biển dâng cao, lại không có tàu bạn ở gần, mọi hoạt động ứng cứu rơi vào vô vọng” - anh Hương kể.

Từ một người đàn ông rắn rỏi “đầu đội trời, chân đạp sóng”, nhưng trong chốc lát nét mặt anh Hương thay đổi thần sắc. Anh kể, chuyến đi biển xuyên đêm (26/8), tàu cá của anh có 5 người, đánh bắt xa bờ khoảng 30 hải lý. Phát hiện tàu chết máy, nước bắt đầu tràn vào, các thuyền viên không còn tâm trạng để thả lưới, câu mực mà hốt hoảng gọi điện cho người thân và các lực lượng chức năng ứng cứu.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên ngư dân bị nạn trên biển.


“Sau nhiều giờ vật lộn giữa biển khơi, mọi người dường như đã kiệt sức. Rất may, khi nước bắt đầu tràn vào thuyền cũng là lúc tàu cứu nạn của lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xuất hiện, ứng cứu. Đến khoảng 9 giờ sáng hôm sau, tàu bị nạn được kéo vào bờ an toàn, mọi người ai nấy đều vui mừng đến rơi nước mắt, biết ơn Bộ đội Biên phòng nhiều lắm” - ngư dân Nguyễn Đức Hương bộc bạch.

Cảng cá Cửa Sót, nơi tàu cá của ngư dân Nguyễn Đức Hương neo đậu từng đợt sóng vẫn đều đặn vỗ vào mạn thuyền, mang hương vị mặn mòi của biển. Ngư dân Nguyễn Văn Anh cho biết, hiện nay, máy của tàu cá HT20231-TS đã sửa, vận hành an toàn, vài ngày tới sẽ tiếp tục vươn khơi. Hy vọng chuyến đi biển lần này sẽ gặt hái được nhiều lộc biển, bù đắp cho những rủi ro mà thuyền viên từng gặp phải.

Ngư dân Nguyễn Đức Hương buộc lại phao câu mực, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi đánh bắt thủy sản.


Nghề đi biển là vậy. Ngư dân luôn phải đương đầu với gian khó, hiểm nguy, sớm tối lênh đênh cùng sóng nước. Mùa này trên biển thường xảy ra giông lốc, nhưng theo kinh nghiệm của ngư dân, đây lại là thời điểm nguồn lợi thủy sản dồi dào. Vì vậy, các ngư dân vẫn âm thầm bám biển, bám thuyền để mưu sinh, duy trì, phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Đồng hành với ngư dân

Hà Tĩnh có 137km bờ biển kéo dài từ Cửa Hội đến Đèo Ngang. Ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản dồi dào. Đó là những điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho hàng vạn người dân vùng quê biển. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế nghề đi biển mang lại, thời gian qua, việc khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển của ngư dân cũng gặp phải những khó khăn, trở ngại nhất định.

Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hiện tượng giông lốc xảy ra bất thường trở thành những rào cản không hề nhỏ đối với ngư dân mỗi lần vươn khơi đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, tình trạng tàu giã cào, sử dụng thuốc nổ, kích điện khai thác thủy sản kiểu tận diệt, hủy hoại môi sinh, môi trường vẫn còn diễn ra, trở thành nỗi ám ảnh đối với ngư dân chân chính.

Tuyên truyền, vận động ngư dân đánh bắt thủy sản đảm bảo an toàn trên biển


Trung tá Nguyễn Vũ Phong - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết, đơn vị luôn đồng hành, hỗ trợ ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy sản, quyết liệt ngăn chặn tàu giã cào và các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Về công tác cứu hộ, cứu nạn, từ đầu năm đến nay đơn vị đã kịp thời ứng cứu 14 vụ/ 45 ngư dân gặp tai nạn rủi ro trên biển, trong đó, riêng tháng 8 có 3 vụ/ 14 ngư dân được cứu hộ, cứu nạn an toàn.

“Sự cố trên biển thường xảy ra bất ngờ, do vậy, đơn vị luôn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân, thường xuyên theo dõi, giữ liên lạc với chủ phương tiện và các thuyền viên, xác định rõ vị trí đánh bắt để khi cần là có thể triển khai phương án ứng cứu kịp thời, hiệu quả” - trung tá Nguyễn Vũ Phong cho biết thêm.

Qua tìm hiểu được biết, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 3.386 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó có 116 tàu phục vụ đánh bắt xa bờ. Hầu hết tàu cá đã cũ, độ an toàn thấp, chỉ chịu được sức gió từ cấp 7 trở lại. Vì vậy, các vụ tai nạn, rủi ro xảy ra trên biển chủ yếu do bị sóng đánh, giông lốc gây hư hỏng tàu thuyền hoặc thiết bị, máy móc đã cũ, không thể vận hành an toàn trong mỗi chuyến vươn khơi.

Nguồn lợi thủy sản dồi dào, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống ngư dân vùng ven biển.


Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Tông Thắng cho biết, để đảm bảo an toàn trong khai thác, đánh bắt thủy sản cùng với thực hiện đồng bộ việc đăng kiểm tàu thuyền, cấp phép khai thác thủy sản, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, trang bị đầy áo phao, phao cứu sinh, đảm bảo giữ thông tin liên lạc tầm gần, tầm xa để khi chẳng may xảy ra sự cố trên biển có thể ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Sau mỗi lần xảy ra giông lốc, biển Hà Tĩnh lại hiền hòa, dịu êm, từng đợt sóng cứ đều đặn vỗ vào trảng cát. Thời tiết thuận lợi, tàu thuyền của hàng vạn ngư dân vùng quê biển lại hồ hởi giương cờ Tổ quốc lên cao, rẽ sóng, vươn khơi, đánh bắt thủy sản. Khai thác hiệu quả nguồn lợi kinh tế biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng, mãi luôn là niềm tin, khát vọng, thôi thúc ngư dân tiếp tục bám biển, bám ngư trường.

Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP