Di tích - Thắng cảnh

Nghĩa vương Nguyễn Biểu, rạng ngời khí phách Hồng Lam

600 năm qua, cuộc đời và sự nghiệp của Nghĩa sĩ Đại vương Nguyễn Biểu, người con Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), Ngự sử của vua Trùng Quang, vẫn mãi rạng ngời cùng quê hương dân tộc, nêu cao khí tiết Hồng Lam.

Yên Hồ, Đức Thọ quê hương Nguyễn Biểu là vùng địa linh nhân kiệt, với truyền thống yêu nước và khoa bảng rạng rỡ, đất đai phong tục trọng hậu. Trong 10 thế kỷ khoa cử qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Hà Tĩnh có 148 vị đại khoa thì đất Yên Hồ có đến 8 vị. Đây là quê hương thứ hai của Trại Trạng nguyên Đào Tiêu.   Ca dao xưa có câu: “Muốn ăn cơm nếp đỗ chà. Muốn lấy vợ đẹp thì ra Yên Hồ”. Thời nào, Yên Hồ cũng có những con người xuất chúng, có công lao trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Nguyễn Biểu đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) thời Trần, phò vua Trần Trùng Quang chống giặc Minh, giữ chức Điện tiền thị Ngự sử. Tính ông cương trực, gặp việc không ngại can gián. Tình thế đất nước lúc ấy rất nguy cấp, quân Minh do Trương Phụ chỉ huy, đang ở thế rất mạnh.Vì việc nước, ông lĩnh mệnh vua đi sứ sang đại bản doanh của Trương Phụ. Biết vào nơi hang hùm nọc rắn đi dễ khó về, nhưng ông không từ nan. Nhà vua lưu luyến tiễn ông bằng bài thơ trân trọng, ông cũng có bài hoạ lại.Đến dinh Trương Phụ, hắn bắt ông lạy, ông không lạy, hắn thị uy bằng cách đưa lên một cái đầu người luộc chín, ông ung dung khoét mắt ăn và cảm khái làm một bài thơ. “Bài thơ ăn cỗ đầu” người của ông vẫn còn lưu lại trong sử sách, như  một bằng chứng cho khí phách hiên ngang lẫm liệt của bậc trung thần. Ông còn mắng Trương Phụ “Bay thực là tụi giặc làm càn!”.


Nhà bia ghi công đức Nghĩa sĩ Đại vương Nguyễn Biểu.Khuất phục không được, Trương Phụ đã ra tay sát hại Nguyễn Biểu, vào ngày 1/7 (Âm lịch) năm 1413. Nơi ông tử tiết là chùa Yên Quốc, nay thuộc xã Hưng Lam (Hưng Nguyên, Nghệ An). Giết ông, nhưng kính phục khí phách đối thủ, Trương Phụ cho đưa thi hài ông về quê hậu táng.Tương truyền, sau ông linh ứng giúp Bình Định Vương Lê Lợi chiến thắng quân Minh. Giặc tan, Lê Thái Tổ ban chiếu lập đền thờ ông, sắc phong Nghĩa sĩ Đại vương, cắt đặt người cúng tế. Các triều đại về sau đều có sắc phong cho ông, gia mĩ tự lên đến 82 chữ. Đền thờ Nghĩa vương Nguyễn Biểu nay toạ lạc tại xóm Nội Diên, xã Yên Hồ, ngoảnh mặt về hướng nam, phía trước là ngôi mộ ông được xây dựng khang trang.Ngôi đền đã nhiều lần trùng tu, mà gần đây nhất là do ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ phát động nhân dân đóng góp công đức để trùng tu, nâng cấp đền thờ Nguyễn Biểu.Người dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh đã nhiệt tình hưởng ứng, chung tay xây dựng đền thờ Nghĩa vương trang trọng, xứng đáng với bậc danh thần, nghĩa sĩ.Đợt trùng tu này đã âng cấp và xây mới 3 nhà Thượng-Trung-Hạ điện, 2 nhà bia, nhà trực, khuôn viên hàng rào, hệ thống điện chiếu sáng, 2 cột nanh, hồ bán nguyệt, đường ra lăng mộ….Đền thờ Nghĩa Vương Nguyễn Biểu toạ lạc trong khuôn viên khoảng 5.000 m2, phía trước là hồ bán nguyệt trồng hoa súng, hai cột hoa biểu với nhiều đôi câu đối chữ Hán, bên trái sân đền có “Trung nghĩa bi” (Bia trung nghĩa) do cử nhân Hoàng Xuân Phong soạn vào năm Tự Đức thứ 28 (1875), bên phải có “Nghĩa Vương miếu bi” (Bia miếu thờ Nghĩa Vương) do dân hai thôn Nội Diên và Yên Phúc dựng, văn bia do cử nhân Lê Viết Huy nhuận sắc vào năm Tự Đức thứ 30, cả hai tấm bia có nội dung ca ngợi công đức, khí tiết, uy linh của Nguyễn Biểu. Trước đền có một số cây xà cừ cổ thụ toả bóng. Kiến trúc đền theo kiểu chữ Tam gồm ba toà Thượng Trung Hạ điện, dù đã được trùng tu nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên những yếu tố nguyên gốc thời Nguyễn. Giữa gian chính điện có bức hoành phi “Nghĩa Vương miếu” và đôi câu đối chữ Nôm: “Khí phách hiên ngang, vạn kiếp giặc Minh còn khiếp đảm – Danh nhân tuấn kiệt, muôn phương dân Việt mãi tôn thờ”.Từ 6 thế kỉ nay, đền thờ Nguyễn Biểu là một biểu tượng của tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước và khí phách bất khuất của kẻ sĩ đất Hồng Lam, được người dân vô cùng kính ngưỡng, và là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng. Ông Trần Bá Cừ, người dân thôn 4, Yên Hồ cho biết: “Trước đây, chỉ có đàn ông mới được đi qua con đường phía trước đền, ai đi qua phải bỏ mũ nón, cúi đầu. Vào các dịp lễ hội, trước sân đền có các trò như đấu vật, múa kiếm, chơi đu…người xem rất đông”.


Đền thờ Nguyễn Biểu tại xã Hưng Lam, Hưng Nguyên (Nghệ An).Cũng trong thôn 4, xã Yên Hồ có nhà thờ đại tôn họ Nguyễn thờ Nguyễn Biểu, do con cháu hậu duệ của ông xây dựng, trông nom. Người dân Yên Hồ vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của đền thờ Nguyễn Biểu.Bên cạnh đền thờ Nguyễn Biểu là trường THCS Nguyễn Biểu, một trong những ngôi trường giàu truyền thống, thành tích nhất huyện Đức Thọ.Noi gương Tiến sĩ Nguyễn Biểu, những con em dưới mái trường mang tên ông cố gắng học thật giỏi để góp phần xây dựng quê hương đất nước.Đã 600 năm, bao dâu bể tang thương, nhưng tinh thần, khí phách Nguyễn Biểu vẫn bất tử, đồng hành cùng quê hương, dân tộc.
Quang Đại

Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP